Một cựu tù chính trị ở đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) kể lại câu chuyện giữ lá cờ Tổ quốc trong bụng suốt 3 năm liền trong nhà tù. Ông tên là Nguyễn Văn Thắm (bí danh Sáu Bắn), nguyên Bí thư Chi bộ 5/3 Yên Khánh thuộc Đảng ủy Nhà lao Phú Quốc lúc bấy giờ.
Ông Nguyễn Văn Thắm - Ảnh: N.NHƯ
Ông Nguyễn Văn Thắm quê ở thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa tham gia cách mạng từ đầu năm 1961. Cuối tháng 12/1967, trên đường đi công tác, ông Thắm không may bị địch bắn bị thương và bắt giam tại Nhà lao Khu Chiến (Phú Yên). Không lâu sau, địch chuyển ông đến các nhà lao ở Gia Lai, Biên Hòa (Đồng Nai). Đầu năm 1970, chúng đưa ông ra Nhà lao Phú Quốc (Kiên Giang). Trong tù, cũng như một số anh em khác, ông bị địch tra tấn rất dã man. Ông Thắm nhớ lại: “Trước tình cảnh đó, để đấu tranh với địch, tôi được anh em bầu làm Đảng ủy viên Nhà lao Phú Quốc, Bí thư Chi bộ 5/3 Yên Khánh (gồm những đảng viên từ Phú Khánh đến Ninh Thuận) với mục đích giữ vững ý chí chiến đấu, quyết tâm giành quyền sống và bảo vệ khí tiết cách mạng cho anh em tù chính trị”.
Đảng ủy Nhà lao Phú Quốc đã bàn thảo, thống nhất là làm sao có được lá cờ Mặt trận giải phóng để tổ chức các ngày lễ. Muốn may cờ thì phải có vải, có kim, có chỉ nhưng lấy đâu ra? May xong thì cất giữ ở đâu trước sự lùng sục của địch? Sau nhiều đêm không ngủ, ông Thắm đã chợt nghĩ ra cách giữ lá cờ trong bụng và cũng từ đó ông bắt tay vào công việc luyện tập. Ông Nguyễn Văn Thắm kể lại quá trình khổ luyện: “Mỗi bữa ăn, tôi lấy cơm vắt chặt thành viên, bao giấy kiếng bên ngoài, dùng chỉ mùng khâu lại thành viên lớn hơn đầu ngón tay cái. Cây kim may lúc đó là do anh em tạp dịch cho, nhưng cũng chỉ là một cây kim bị gãy. Dùng sợi chỉ mùng buộc chặt viên cơm, tôi bắt đầu tập nuốt, cứ nuốt vào rồi kéo ra. Có lần tập, sợi chỉ bị đứt, tôi lại vắt nắm khác, tiếp tục nuốt vào, kéo ra nhiều lần để rút kinh nghiệm. Ban đầu, tôi để nắm cơm vắt ở lại trong bụng ít phút, sau đó vài tiếng đồng hồ. Cũng phải mất hơn 40 ngày, công việc tập luyện của tôi mới thành thục. Khi đã thành thục việc nuốt vắt cơm trong bụng kéo dài nhiều giờ liền, tôi mới nghĩ đến tìm vải may cờ”.
Để có vải may cờ, ông Thắm làm quen với anh em tù nhân quê ở Nam Bộ xin vải katê màu xanh đỏ, còn sao 5 cánh thì dùng nhựa nilon vàng để may. “Tháng 2/1970, lá cờ Mặt trận giải phóng dài 17cm, rộng 10cm đã may xong, lúc đó cả chi bộ mừng lắm. Từ năm 1970-1972, chúng tôi thường xuyên tổ chức kỷ niệm ngày lễ, ngày tết, và tổ chức kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng” ông Thắm kể lại. Sau một thời gian, địch nghi ngờ có sự tồn tại của lá cờ Mặt trận giải phóng trong nhà lao nên chúng lùng sục, truy tìm ráo riết. Cũng nhờ sự đoàn kết của anh em tù nhân nên việc ông Thắm giữ lá cờ trong bụng không bị phát hiện…
5g chiều 24/3/1973, tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị), địch trao trả ông cùng một số đồng chí khác. Sau nhiều năm giữ lá cờ, cuối cùng lá cờ được anh em truyền tay nhau phất phơ bay trên bầu trời sông Thạch Hãn. Sau đó, ông Nguyễn Văn Thắm đã bàn giao lại lá cờ Mặt trận giải phóng đầy kỷ niệm cho Viện Bảo tàng Quân đội. Bây giờ ông Thắm đã sang tuổi 72, nhưng chuyện giữ lá cờ Tổ quốc vẫn in đậm trong ký ức của ông.
NGỌC NHƯ