Ngày 5/3, tại TP Cần Thơ, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội và Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách, tổ chức hội thảo “Thực hiện cam kết quốc tế và pháp luật về bình đẳng giới”, nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu dân cử và các chuyên gia tham gia ý kiến về các vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật theo Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ (CEDAW).
Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với Cơ quan Phát triển Quốc tế của Canada (CIDA) thông qua Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách. Dự án nhằm hỗ trợ thúc đẩy thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ Việt Nam, phấn đấu đến năm 2020, đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Ở Việt Nam, chiến lược đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: tỉ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 đạt từ 25% trở lên; tỉ lệ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 25% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020...
Hội thảo đánh giá chặng đường 30 năm thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ (CEDAW) và 12 năm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh: Luật Bình đẳng giới đã tạo bước chuyển biến cơ bản đối với việc xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử về giới, góp phần tạo cơ hội bình đẳng cho cả nam giới và nữ giới trong mọi phương diện để tiến tới bình đẳng giới thực chất. Hiện Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm các nước đang phát triển được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về chỉ số phát triển giới so với nhiều nước có cùng trình độ phát triển trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
(TTXVN)