Thứ Tư, 09/10/2024 01:21 SA
Dễ trăm lần không dân cũng chịu Khó vạn lần dân liệu cũng xong
Thứ Hai, 27/02/2012 14:00 CH

Nghị quyết 15 Trung ương Đảng ra đời. Cuối tháng 12/1959 đầu năm 1960, cán bộ, bộ đội Phú Yên tập kết miền Bắc trở về ngày càng đông.

van-cong120227.jpg
Đồng chí Văn Công và anh Nguyễn Hữu Ái được Tỉnh ủy phân công phụ trách công tác khối Kinh tài tỉnh gồm: “Tài chính, ngân hàng, mậu dịch, lương thực, sản xuất”. Ban Tài mậu có trách nhiệm phối hợp với hậu cần và các đoàn thể, quần chúng nuôi quân phục vụ kháng chiến.

Nhiệm vụ được giao quan trọng và nặng nề nhưng trong két của tỉnh đến hạt muối cũng không có chứ đừng nói đến tiền, vàng! Trong lúc lực lượng cách mạng ngày càng phát triển, tỉnh chẳng những phải đảm bảo nhu cầu cho địa phương mà còn lo cung cấp cho lực lượng của quân khu nữa. Trước tình hình như thế chỉ có một cách đẩy mạnh sản xuất tự túc đồng thời đánh địch mở rộng vùng giải phóng để tạo nguồn thu, tự lực nuôi sống mình, ngoài ra không có phương pháp nào khác.

Đồng khởi thắng lợi. Vùng giáp ranh đồng bằng hoàn toàn giải phóng, đời sống cán bộ, bộ đội cũng đỡ được đôi phần. Trong hoàn cảnh bơm rơi, đạn nổ, càng cảm thấy quý, yêu thương từng chút thành tích, chăm lo đời sống cho nhân dân. Có thể nào tưởng tượng nổi cái đói, cái lạt ở căn cứ Miền Tây từ năm 1960-1961. Các đồng chí cán bộ chỉ đạo tỉnh, sĩ quan quân đội đến đồng chí bác sĩ cũng đều biết làm rẫy tự túc, biết gùi sắn, bẻ bắp, hái rau. Đồng bào dẫu có lòng hảo tâm mấy cũng không đủ sức cung cấp nổi cho lực lượng của tỉnh trên 4.000 người đứng trên vùng này.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển thực lực cách mạng, phục vụ chiến trường, trước mắt cũng như lâu dài cần đẩy mạnh phong trào sản xuất, tự túc lương thực có ăn và có dự trữ. Nguồn thu từ sản xuất là nguồn thu quan trọng và cấp bách nhất. Tiếp theo là nguồn thu tài vật lực của dân. Nguồn thu của Trung ương chi viện và nguồn thu chiến lợi phẩm còn rất hạn chế.

Trong sản xuất, vận dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, khẩn trương trồng các loại hoa màu mau ăn để kịp thời chống đói. Cây sắn là cây chủ lực, có sắn là có lương thực. Sắn chế biến ra tinh bột, làm ra nhiều loại thức ăn: sắn luộc, sắn lùi, sắn hầm, sắn tráng bánh đa.

Lá sắn là loại rau xanh, luộc hoặc giã nhỏ nấu canh cá, canh cua, nêm mì chính ăn rất hấp dẫn. Sắn là loại lương thực chiến lược nằm dưới đất như một hệ thống kho ngầm dự trữ, cần lúc nào ta đào lên sử dụng lúc đó.

Từ căn cứ Miền Tây xuống vùng giải phóng giáp ranh đồng bằng, ở đâu có đất, có dân là ở đó có sắn. Cơ quan ở đâu, phải trồng sắn ở đó. Quy định chỉ tiêu sản xuất cụ thể cho từng cơ quan đơn vị và cá nhân. Dân mỗi người trồng 3.000 bụi, cán bộ, công nhân viên ở miền núi trồng 1.500 bụi, ở vùng giáp ranh trồng 1.000 bụi. Bộ đội trồng 300 bụi. Khách nằm chờ công tác ở các trạm giao liên tùy theo khả năng.

Việc huy động tài lực, vật lực cần có một hệ thống cơ sở làm kinh tế hợp pháp trong từng thôn xóm, nắm chắc từng đối tượng giàu nghèo, động viên tinh thần tự nguyện tự giác, không bắt buộc, cưỡng ép dân.

Tạo ra nguồn thu đã khó, nhưng khó nhất là khâu vận chuyển, bảo quản. Thu đến đâu, giao nhận vận chuyển, cất giấu, bảo quản đến đó. Lực lượng vận chuyển cơ quan nào, cơ quan ấy tự lo. Riêng phần lương thực dự trữ phục vụ chiến dịch và những trường hợp đột xuất thì Ban Kinh tài tự giải quyết. Với một cuộc chiến tranh không phân vùng phân tuyến, việc huy động dân công làm khu dự trữ lương thực là tối kỵ. Cán bộ, nhân viên từng cơ quan phải trực tiếp làm để đảm bảo bí mật. Từ chọn hướng, chọn địa điểm, kỹ thuật xây dựng các loại kho nổi, kho ngầm, kho cấp phát hàng ngày, kho dự trữ, không để thú phá, bom đạn cày xới và địch đốt phá.

Nhu cầu đời sống của lực lượng cách mạng và nhân dân vùng căn cứ, vùng giải phóng đâu phải chỉ cần lúa gạo mà còn cần rất nhiều thứ: vải mặc, muối, nông cụ, thuốc chữa bệnh, dầu thắp sáng, giấy, đồ dùng kim khí... Muốn tạo được nguồn hàng, trước hết ngành Thương nghiệp, mậu dịch phải đẩy mạnh phong trào đấu tranh kinh tế với địch, xây dựng và phát triển mối quan hệ giao lưu giữa vùng địch với vùng ta, giữa đồng bằng với miền núi, giữa nông thôn với thị xã, thị trấn.

Xây dựng nhiều cơ sở hợp pháp và nửa hợp pháp kể cả các cơ sở thuộc các thành phần tư sản, vợ con binh sĩ ngụy có tinh thần yêu nước, tiến bộ.

Ngành Tài mậu Phú Yên đã xây dựng những cửa khẩu và những luồng hàng tồn tại suốt 15 năm (1961-1975) như: Cửa khẩu Ấp Rượu, An Chấn, An Mỹ, Chợ Đèo (Tuy An); Lệ Uyên, Trung Trinh, Tuyết Diêm, Triều Sơn (Sông Cầu), Duối Thẻ (Hòa Quang), Hòa Định, Hòa Thắng (Tuy Hòa 2); Đồng Dài, Phước Nhuận, Phước Huệ (Đồng Xuân); Bến Đá, Đồng Lớn, Lạc Đạo, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Phong, Hòa Bình (Tuy Hòa 1)... Mỗi luồng hàng, mỗi cửa khẩu tuy mua được không nhiều nhưng hàng trăm điểm thu mua dồn lại thành khối lượng lớn.

Đi đôi với phát động phong trào sản xuất tự túc, khai thác nhân tài vật lực phục vụ chiến trường, tỉnh kịp thời đề ra một số chính sách để thử nghiệm trong vùng giải phóng như: Chia ruộng đất công điền, công thổ cho dân nghèo; tịch thu ruộng đất của bọn ác ôn, bọn ngụy quyền cướp của dân nghèo trả lại cho chủ cũ; ruộng bỏ hoang hóa của dân bị địch dồn vào ấp chiến lược, hoặc trốn quân dịch, bỏ quê đi xa kiếm sống - cho nông dân sản xuất, sau họ trở về trả lại.

Cuối năm 1964 đến cuối năm 1965, vùng giải phóng mở rộng. Ta quản lý 2/3 số dân trong tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh phong trào trồng sắn; mở nhiều đợt huy động nhân tài vật lực tận vùng sâu, vùng ven thị trấn, thị xã, rút hàng ngàn thanh niên tham gia lực lượng vũ trang, huy động hàng ngàn tấn lương thực, hàng chục triệu đồng đủ điều kiện cung cấp cho lực lượng quân, dân, chính, Đảng 8.000 người trong tỉnh và gần 2.000 người của quân khu đứng chân ở Phú Yên; chi viện cho các chiến dịch lớn ở Đắk Lắk, Khánh Hòa theo lệnh của quân khu; đủ khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm và các yêu cầu phục vụ chiến trường để mở ra những trận đánh lớn ở Tuy Hòa 1 tháng 10/1965 và trận đánh ở đèo Quán Cau tháng 11/1965. Tiêu diệt Trung đoàn chủ lực 47 ngụy, góp phần đánh bại “Chiến tranh đặc biệt” trên phần đất Phú Yên.

Đầu tháng 1/1966, địch phát động “Chiến tranh cục bộ”, đánh vào huyện Tuy Hòa 1, sau đó, chúng đánh ra Tuy An và khắp toàn tỉnh. Hàng chục ngàn lính Mỹ, Nam Triều Tiên, lính ngụy với đủ loại vũ khí hiện đại - kể cả máy bay B.52, chất độc hóa học càn quét đánh phá có tính chất hủy diệt. Nhà bị đốt, ruộng vườn bỏ hoang hóa. Đồng bào lớp bị bắn giết, lớp bị dồn vào ấp chiến lược. Các cửa khẩu mua bán trao đổi hàng hóa bị phong tỏa, bao vây. Các con đường từ căn cứ xuống đồng bằng, các bìa núi thường xuyên bị địch phục kích. Không một khu rừng, không một góc núi nào không bị bom cày đạn xới. Đời sống cán bộ, bộ đội và nhân dân vùng giải phóng cực kỳ khó khăn. Hoa màu bị chất độc hóa học hủy diệt. Nhờ có những cây sắn lâu năm còn lại ít bị nhiễm chất độc mà khỏi tắt bữa.

van-cong-2120227.jpg

Quyền Trưởng ban Chi viện tiền phương Khu ủy V Cao Xuân Thiêm (ngoài cùng bên phải) tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975

Trước tình hình cực kỳ khó khăn ấy. Tỉnh chủ trương phân tán lực lượng, bám sát các địa bàn, thực hiện ba cùng với nhân dân - vừa giải quyết được cái ăn, vừa tận dụng được nhân lực tại chỗ phục vụ chiến đấu, vừa bảo vệ nhân dân sản xuất.

Phương pháp huy động nhân tài vật lực cũng chuyển hướng theo tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh. Vận động đồng bào vùng sâu, vùng đang tranh chấp, huy động đóng góp một cách rỉ rả, tránh huy động ồ ạt, đứt chỗ này còn chỗ khác. Dù địch có gian ngoan xảo quyệt mấy cũng không bao vây phong tỏa hết. Hàng hóa Trung ương chi viện không phải bằng tiền, bằng gạo mà bằng vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế...

Từ năm 1963 trở về trước, Phú Yên đi nhận hàng chi viện của Trung ương gặp trở ngại đủ bề bởi đường xa, vượt qua nhiều núi đồi, sông suối, qua nhiều con đường chiến lược từ đồng bằng lên Tây Nguyên. Chúng thường xuyên càn quét, lùng sục, rải biệt kích dọc đường mòn thăm dò, phục kích... nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc.

Đến năm 1964 đầu 1965, Trung ương chi viện cho Liên tỉnh 3 (Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk) một số lớn vũ khí chuyển bằng đường biển. Nhờ có số vũ khí ấy mà quân dân ta phục vụ đắc lực cho cao trào Đồng khởi và phát triển phong trào du kích chiến tranh.

Đến “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”, địch khống chế trên biển, phải chuyển toàn bộ hàng chi viện cho miền Nam dồn sang tuyến đường 559 (đường mòn Hồ Chí Minh).

Sau Hiệp định Paris, Trung ương hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, từ 1973 đến 2/1975 miền Bắc chi viện vào tiền tuyến một khối lượng lớn nhân tài, vật lực để phục vụ cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, miền Bắc đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu cho miền Nam.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương, Khu ủy 5 thành lập Ban Vật tư chi viện khu và các tỉnh, có nhiệm vụ nhận hàng phân phối, quản lý hàng. Từ đó Phú Yên ta có điều kiện đi lên Đắk Lắk và nam Gia Lai nhận hàng được thuận lợi và khối lượng nhiều hơn, kịp thời phục vụ cho công cuộc giải phóng toàn tỉnh ngày 1/4/1975.

 

CAO XUÂN THIÊM (VĂN CÔNG)

Nguyên Trưởng ban Kinh tài Phú Yên

Nguyên Phó ban trực Ban Vật tư chi viện khu Nam Trung Bộ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek