Ngày 4/1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công trên địa bàn huyện Tuy An và Đồng Xuân, do ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn.
Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Tuy An, từ năm 2005 đến nay địa phương đã đề nghị Nhà nước công nhận và giải quyết chế độ cho 452 trường hợp; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 409 nhà ở cho các gia đình chính sách; quy tập 217 hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang. Hiện số hộ chính sách, người có công trên địa bàn huyện có mức sống từ trung bình khá chiếm gần 96%.
Tại huyện Đồng Xuân, từ năm 2005 đến nay đã có 2.867 hồ sơ người có công, gia đình chính sách được đề nghị công nhận và giải quyết chế độ; 11/11 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
Các thành viên đoàn giám sát cũng chỉ ra một số vướng mắc trong việc thực hiện, giải quyết chế độ chính sách, pháp luật cho người có công trên địa bàn huyện Tuy An, như việc thực hiện thông tư liên tịch hướng dẫn miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho con em người có công với cách mạng chưa rõ ràng; các chế độ miễn giảm viện phí cho người có công, gia đình chính sách cũng còn lúng túng... Báo cáo công tác thực hiện chính sách, pháp luật người có công của huyện Đồng Xuân còn chung chung, chưa xác với tình hình thực tế.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Tuy An, Đồng Xuân kiến nghị ngành chức năng nâng kinh phí di dời mộ liệt sĩ từ 500.000 đồng lên 1,5 triệu đồng; bãi bỏ việc thân nhân liệt sĩ phải đóng 20% viện phí...
Thay mặt đoàn giám sát, ông Nguyễn Thái Học đề nghị các huyện cần xem xét việc thực hiện Quyết định 290 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm đời sống gia đình người có công... Những vướng mắc, kiến nghị của các huyện, đoàn sẽ kiến nghị lên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để có giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn chính sách pháp luật ưu đãi người có công cách mạng.
KIM CHI