Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngành GD-ĐT Phú Yên đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong sự nghiệp trồng người.
Mỗi giáo viên là một tấm gương đạo đức để học sinh noi theo (Trong ảnh: Một giờ học thể dục của học sinh Trường tiểu học Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) - Ảnh: P.NHÃ
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được thực hiện gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhờ vậy, việc học tập và làm theo gương Bác trong ngành giáo dục đã đi vào chiều sâu, đến từng giáo viên qua các buổi họp hội đồng sư phạm, sinh hoạt dưới cờ, kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… thu hút đông đảo học sinh và giáo viên tham gia. Để cuộc vận động đạt kết quả cao, các trường xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc vận động, tổ chức ký kết giao ước thi đua trong toàn thể cán bộ, giáo viên để nhận thức được ý nghĩa, mục đích của cuộc vận động. Đây là một tiêu chuẩn quan trọng nhằm thúc đẩy giáo viên cố gắng học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức để học sinh noi theo.
Riêng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã giúp giáo viên nâng cao phương pháp giảng dạy, học sinh phát huy vai trò chủ động, rèn kỹ năng tư duy sáng tạo, gắn việc học đi đôi với hành. Kết quả, trong năm 2011, có 17 tập thể trường học và 15 cán bộ quản lý, giáo viên và một học sinh được Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và Sở GD-ĐT tặng bằng khen và giấy khen. Ngoài ra, ngành GD-ĐT còn chú trọng công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện nội dung đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập với cuộc vận động “Hai không” tại 100% trường học... Qua kiểm tra, Ban chỉ đạo cuộc vận động các trường đã rút kinh nghiệm nhằm tăng cường hơn nữa nhận thức và phấn đấu không để xảy ra hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Đồng thời, hỗ trợ các trường những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hạn chế tối đa hiện tượng học sinh vi phạm đạo đức, tỉ lệ học sinh yếu kém, thực hiện chuẩn về tư tưởng, tu dưỡng đạo đức đảng viên, giáo viên qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Các trường còn thể hiện quyết tâm chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, “Dạy thật, học thật, thi thật, đánh giá thật để có chất lượng thật” là việc làm thường xuyên của thầy cô giáo trong nhà trường nhằm nâng cao chuẩn mực đạo đức nhà giáo.
Cô Lê Thị Hưởng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) cho biết: “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác luôn là hành trang, động lực trong hành trình trồng người của cán bộ, giáo viên chúng tôi. Mỗi ngày làm một việc tốt vì học sinh chính là thể hiện tấm lòng với Bác và cũng là cách nâng mình lên cho xứng với niềm tin của cộng đồng, xã hội”.
Ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GĐ-ĐT Phú Yên, cho biết: “Thời gian qua, sở đã chỉ đạo thực hiện trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành đăng ký phần việc cụ thể hưởng ứng cuộc vận động và có sơ kết, đánh giá hàng tháng cụ thể. Kết quả 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành thực hiện nghiêm túc, qua đó cho thấy trong đội ngũ cán bộ, giáo viên đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, đã có nề nếp kỷ cương trong các hoạt động của nhà trường, phẩm chất đạo đức nhà giáo được nâng cao. Riêng trong năm học 2010-2011, các chỉ tiêu đề ra đều đạt, đặc biệt tỉ lệ học sinh khá giỏi cả ba cấp học và tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng hơn năm trước”.
Ông Tá cho biết thêm, từ nhận thức đúng, ngành GD-ĐT đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, mô hình hay về việc học tập và làm theo Bác, sống trung thực, có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Toàn ngành có hơn 80 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia, 22 thư viện trường trung học đạt chuẩn quốc gia; nhiều tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng về thành tích xuất sắc trong cuộc vận động.
PHONG NHÃ