Thứ Bảy, 12/10/2024 03:27 SA
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII:
Thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề
Thứ Hai, 07/11/2011 17:00 CH

Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế (KKT), làng nghề

 

QH-111107.jpg

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) phát biểu trong phiên họp Quốc hội sáng nay -  Ảnh: SGGPO

Báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phan Xuân Dũng trình bày nêu rõ: Đoàn giám sát đã làm việc, khảo sát thực tế tại 19 tỉnh, thành phố; 15 KKT ven biển và 54 làng nghề tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xem xét báo cáo của các bộ có liên quan, của UBND từ 58 tỉnh, thành phố và báo cáo giám sát của 12 Đoàn ĐBQH. Sau gần 10 năm thực hiện chính sách về việc xây dựng các KKT tại Việt Nam cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương. Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường có liên quan đến KKT đã được ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc quản lý và BVMT tại các KKT (Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ đã ban hành 57 văn bản liên quan trực tiếp đến KKT và BVMT KKT). Hệ thống tổ chức quản lý môi trường ở Trung ương và địa phương đã từng bước được kiện toàn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác BVMT tại các KKT. Nhận thức về BVMT của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đã từng bước được nâng lên. Công tác XHH về BVMT bước đầu được hình thành.

 

Báo cáo cho biết, hiện nay ở nước ta có 3 loại hình Khu kinh tế: Khu kinh tế ven biển, Khu kinh tế cửa khẩu và Khu kinh tế quốc phòng. Đợt giám sát này tập trung vào 15 Khu kinh tế ven biển đã được Thủ tướng quyết định thành lập cho đến năm 2010. Qua giám sát, có thể thấy việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường ở hầu hết các Khu kinh tế hiện nay là rất chậm. Với sự phát triển của các Khu kinh tế trong tương lai thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ là tất yếu, đến lúc đó việc xử lý ô nhiễm sẽ rất tốn kém và vô cùng khó khăn. Đoàn giám sát đã yêu cầu Chính phủ có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt vấn đề này. Về làng nghề, Báo cáo nhìn nhận, ô nhiễm môi trường làng nghề là một trong những thách thức lớn và rất khó kiểm soát, khó quy hoạch và chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Nhiều làng nghề rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, tỉ lệ người mắc bệnh có xu hướng tăng cao.

 

Theo tổng hợp của Đoàn giám sát, nước ta hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.324 làng nghề được công nhận và 3.221 làng có nghề. Hoạt động sản xuất nghề nông thôn đã tạo ra việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, có những nơi thu hút hơn 60% lao động của làng. Hoạt động của làng nghề đã và đang có nhiều đóng góp cho ổn định đời sống nông dân, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Một số cơ sở sản xuất trong làng nghề trước đây là điểm nóng ô nhiễm nay đã chủ động, tích cực áp dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hợp lý tài nguyên đã hạn chế cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường; đã xuất hiện những làng nghề, trong đó cộng đồng dân cư cùng chung sức xử lý môi trường...

Tuy nhiên, một phần không nhỏ các làng nghề Việt Nam đã và đang bị ô nhiễm môi trường, có làng nghề gây ô nhiễm môi trường đến mức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng dân cư. Trong khi đó, hệ thống VBQPPL về BVMT, đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tuy tương đối đầy đủ nhưng nhiều quy định thiếu khả thi nên việc tổ chức thực hiện còn hạn chế. Cơ chế chính sách về môi trường làng nghề chưa thực sự phù hợp, các đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề thường phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chậm triển khai. Ở đa số làng nghề, tình trạng thiếu vốn, công nghệ sản xuất lạc hậu, thủ công, tiêu tốn nhiều sức lao động, năng lượng, mặt bằng sản xuất chật hẹp; cơ sở sản xuất nằm ngay trong khu dân cư, thậm chí là chung với nhà ở, không thể mở rộng và phát triển sản xuất; cơ sở hạ tầng yếu kém, hầu hết không có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải...

 

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản tán thành với những nhận định, đánh giá đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo giám sát đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể để công tác BVMT trong các KKT và làng nghề thực sự đi vào cuộc sống. Đa số các đại biểu kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT năm 2005, trong đó có những quy định cụ thể về KKT và làng nghề; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phí và lệ phí bổ sung về một số quy định liên quan đến BVMT; ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng có chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật BVMT đủ mạnh và khả thi; nghiên cứu để tiến tới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng và phù hợp với khu kinh tế và làng nghề. Các đại biểu đề nghị nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với các luật đã được ban hành; tăng cường giám sát việc phân bổ, quản lý, sử dụng chi cho sự nghiệp BVMT tại các bộ, ngành, địa phương; tăng đầu tư từ nhiều nguồn cho công tác BVMT bằng nhiều chính sách phù hợp. Trước mắt ngay tại kỳ họp này, đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết về giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề”.


Theo đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang), cần sửa đổi quy định liên quan đến mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp bởi mức thu hiện nay quá thấp, không đủ bù đắp cho các khoản chi phục vụ công tác kiểm định. Cần phân công rõ đầu mối quản lý và tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp giữa các bộ, các cơ quan liên quan khác trong quản lý môi trường để tránh tình trạng chồng chéo. Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) đề xuất thực hiện việc quy hoạch bảo vệ môi trường các KKT, làng nghề hướng đến phát triển bền vững; tăng cường năng lực, đầu tư trang thiết bị cho công tác BVMT đối với các KKT, làng nghề; chú trọng BVMT trên các lưu vực sông... Cần đưa việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề vào chương trình mục tiêu quốc gia 2011-1015, trong đó, ưu tiên phân bổ cho các địa phương có nhiều bức xúc về môi trường, tránh dàn trải khiến hiệu quả không cao.

 

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng các báo cáo đã phản ánh bức tranh toàn cảnh về môi trường các KKT, làng nghề song chưa chỉ rõ địa chỉ, trách nhiệm cá nhân, tổ chức cụ thể; một số đánh giá, nhận định còn chưa rõ. Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cũng đề nghị Báo cáo giám sát đề cập rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan. Theo đại biểu Thân Đức Nam, phải khách quan nhìn nhận sự hình thành cũng như vai trò của các KKT, làng nghề là chủ trương đúng đắn, đóng góp quan trọng vào kinh tế-xã hội của cả nước và các địa phương. Nếu quản lý tốt, sẽ khai thác được tiềm năng, thế mạnh cũng như lợi thế so sánh của các KKT, làng nghề. Đại biểu Thân Đức Nam, Mã Điền Cư đồng tình, hệ thống pháp luật về BVMT hiện chưa đồng bộ, chồng chéo và thiếu cụ thể; chưa thực sự quan tâm đến phát triển bền vững, kinh phí cho BVMT còn khiêm tốn, phân tán; nhận thức cộng đồng chưa cao, coi BVMT là việc của Nhà nước. Một số cơ chế, chính sách BVMT trong các KKT, làng nghề chưa thực sự phù hợp, các đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề thường phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm, do đó việc quản lý ô nhiễm đang gặp khó khăn trên nhiều phương diện. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KKT, làng nghề, đại biểu kiến nghị bố trí kinh phí cho công tác môi trường theo hướng tăng dần. Cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cần tăng cường xử lý hành vi vi phạm về môi trường; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các cá nhân, tổ chức; công khai thông tin, số liệu ô nhiễm môi trường tại các KKT, làng nghề để cộng đồng có nhận thức đúng và nâng cao ý thức BVMT.


Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng lo ngại của môi trường Khu kinh tế, làng nghề hiện nay, theo bản Báo cáo, là do những bất cập trong mô hình Ban Quản lý các Khu kinh tế – một cấp quản lý được UBND cấp tỉnh ủy quyền với nhiều chức năng quản lý nhà nước. Báo cáo kiến nghị, tới đây cần nghiên cứu điều chỉnh các quy định về chức năng quản lý nhà nước của Ban Quản lý Khu kinh tế phù hợp với hệ thống phân cấp quản lý nhà nước hiện hành, hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Ban Quản lý Khu kinh tế phù hợp với pháp luật hiện hành về thanh tra, xử lý vi phạm hành chính.

 

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phân tích nguyên nhân chủ yếu của ô nhiễm môi trường làng nghề xuất phát từ ý thức của người dân chưa hiểu rõ những nguy hiểm do mình gây ra. Bên cạnh đó, hạ tầng làng nghề còn chưa đồng bộ, hệ thống thoát nước thải chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các xã không có cán bộ chuyên môn về môi trường. Nguồn lực tài chính còn hạn chế. Trong khi đó, chưa có chế tài bắt buộc nên các cơ sở sản xuất đều ít quan tâm đến công tác này. Đại biểu đề nghị xây dựng quy hoạch các KKT, làng nghề theo hướng xử lý tập trung các lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường; chỉ sản xuất phân tán sản phẩm, hàng hóa không gây ô nhiễm. Chính phủ cần quan tâm có chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, hạ tầng KKT, làng nghề đồng bộ, gắn với xử lý chất thải; chính sách về vốn vay ưu đãi, giá thuê đất, khuyến khích các cơ sở đầu tư áp dụng công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường; đưa tiêu chí môi trường vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Đại biểu cũng đề xuất tăng mức chi cho BVMT lên 2%/năm. Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cộng đồng dân cư và cá nhân tham gia BVMT; kịp thời xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi ô nhiễm, suy thoái....

 

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật quan trắc, đánh giá ô nhiễm môi trường. Ông Tiến cho rằng việc đánh giá hiện nay chưa toàn diện, do đó chưa phản ánh được chính xác hiện trạng môi trường. “Cần có những quy chuẩn khác nhau khi đánh giá tác động môi trường của từng nhóm ngành nghề trong Khu kinh tế, từng lĩnh vực hoạt động khác nhau của các làng nghề, cụ thể như về thời điểm lấy mẫu, phương pháp bảo quản mẫu chuẩn, các chỉ tiêu cần đánh giá. Lấy mẫu từ 54 làng nghề (bằng trên 1,6% tổng số làng nghề) để phân tích thì chưa thể có bức tranh toàn diện về môi trường làng nghề được”, ông Tiến nhận xét thẳng thắn.

 

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng ở rất nhiều làng nghề là một thực trạng hiển nhiên. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu kiến nghị, với những làng nghề quá ô nhiễm, khó có thể khắc phục, nhà nước cần giải quyết dứt điểm và có sự hỗ trợ cho các hộ dân ổn định cuộc sống, chuyển đổi nghề nghiệp. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Đặng Thành Tâm (TPHCM). Ông Tâm cảnh báo: “Đã là ô nhiễm thì cần được xử lý công bằng như nhau, không thể nói vì là làng nghề nên nhẹ tay. Có thể có những doanh nghiệp “ẩn” sản xuất ô nhiễm của mình vào làng nghề và kiếm lợi nhuận bất chính từ việc tránh được nghĩa vụ về môi trường”. Đại biểu Tâm nhắc thêm: “Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ tập trung vào nước thải và có một phần nội dung về chất thải rắn, nhưng chưa đề cập đến ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn”.

 

BTV (tổng hợp từ TTXVN, SGGPO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek