Chủ Nhật, 13/10/2024 05:19 SA
Chỉ chấp nhận tố cáo trực tiếp và tố cáo qua đơn
Thứ Tư, 26/10/2011 08:28 SA

Tôi cơ bản tán thành với dự thảo Luật Tố cáo, tôi xin góp ý vào dự thảo 4 nội dung và có một nội dung mang tính chất trao đổi, tranh luận.

nth111026.jpg

Đại biểu Nguyễn Thái Học phát biểu tại hội trường sáng 25/10 - Ảnh: C.T.V

Thứ nhất, về chủ thể của Luật Tố cáo được quy định tại khoản 4 Điều 2.

Điều 2 xác định người tố cáo là công dân, không chấp nhận chủ thể tố cáo là cơ quan, tổ chức. Tôi đồng ý với phương án chỉ chấp nhận tố cáo là công dân, nhưng thuật ngữ công dân ở đây tôi thấy chưa bao quát hết đối tượng có quyền tố cáo. Bởi vì trên thực tế có những người không có quốc tịch nhưng đang cư trú ở Việt Nam thì có quyền tố cáo hay không. Hơn nữa ngay tại Khoản 1, Điều 3 luật này chấp nhận người nước ngoài cư trú tại Việt Nam cũng có quyền tố cáo. Do vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu quy định chủ thể tố cáo là cá nhân thì chính xác và đầy đủ hơn.

Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được quy định tại Điều 9, luật quy định cá nhân có quyền tố cáo, như vậy luật có cần quy định quyền được rút tố cáo hay không? Tôi cho rằng luật của chúng ta cần quy định quyền được rút tố cáo bởi, vì cá nhân có quyền tố cáo, nhưng qua quá trình nhận thức, qua quá trình thụ lý xem xét, giải quyết, cá nhân nhận thấy rằng mình tố cáo không đúng và có nguyện vọng rút thì luật cũng nên chấp nhận. Quy định quyền được rút tố cáo sẽ giảm được thời gian xác minh, xem xét giải quyết, giảm mức độ chịu thiệt hại của người tố cáo và giảm mức độ gây thiệt hại do hành vi tố cáo gây ra, vì lẽ đó tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quyền được rút tố cáo vào dự thảo luật.

Thứ ba, về bảo vệ người tố cáo, tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 2, Điều 34 về đối tượng được bảo vệ. Đối tượng được bảo vệ đề nghị bổ sung ở đây là những người đang nắm giữ những thông tin, hiện vật, tài liệu, chứng cứ quan trọng có liên quan đến nội dung tố cáo. Nếu như không được bảo vệ thì có thể bị các đối tượng tấn công hoặc gây ra những hậu quả mà những chứng cứ này không thể có được trong quá trình xem xét giải quyết tố cáo.

Nội dung thứ tư, về hiệu lực thi hành của dự án luật này. Tại Điều 53, dự án luật chưa qui định Luật Tố cáo sẽ có hiệu lực vào ngày, tháng nào của năm 2012, trong dự thảo luật này chỉ ghi năm 2012 thôi. Như vậy là ngày nào, tháng nào của năm 2012 luật này có hiệu lực? Tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật nội dung này.

Nội dung tôi xin được phát biểu mang tính chất trao đổi, tra­nh luận, đó là hình thức tố cáo. Điều 19 quy định hai hình thức tố cáo: tố cáo trực tiếp và tố cáo thông qua đơn. Tôi rất tán thành với quy định này và không đồng ý với một số ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước là bổ sung quy định về hình thức tố cáo bằng thư điện tử, bằng fax, hoặc bằng điện thoại. Trên thực tế có những hình thức tố cáo qua thư điện tử, qua điện thoại, qua fax, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức và công dân. Nhưng nếu chúng ta quy định trong Luật Tố cáo như thế thì chúng ta sẽ không kiểm soát được tình hình, nhất là việc sử dụng điện thoại, thư điện tử phổ biến như hiện nay. Bên cạnh đó, có những thời điểm nhạy cảm như bầu cử, chuẩn bị đại hội thì tình hình rất phức tạp. Nếu chúng ta quy định như thế thì chúng ta không có cơ chế để thụ lý và kiểm soát giải quyết được. Do vậy tôi đồng ý với dự thảo ở Điều 19 về hình thức tố cáo chỉ chấp nhận tố cáo trực tiếp và tố cáo qua đơn.

Đại biểu NGUYỄN THÁI HỌC

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek