Thứ Hai, 14/10/2024 03:28 SA
Phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, ra sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo (*)
Thứ Tư, 12/10/2011 08:00 SA

Diễn văn của đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011) và 47 năm (28/11/1964 - 28/11/2011) ngày đầu tiên Tàu 41, Đoàn 759 - Hải quân cập bến Vũng Rô - Phú Yên

 

... Hôm nay, tại Di tích lịch sử Tàu Không số Vũng Rô, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011) và 47 năm ngày đầu tiên Tàu 41, Đoàn 759 - Hải quân cập bến Vũng Rô - Phú Yên (28/11/1964 - 28/11/2011) nhằm ôn lại một chặng đường lịch sử hào hùng, đồng thời tri ân sự cống hiến, hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ Đoàn Tàu Không số và các lực lượng chỉ huy, phục vụ trên bến của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

 

Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta vô cùng xúc động tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

 

vong-hoa111012.jpg

Các đại biểu thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Vũng Rô - Ảnh: D.T.XUÂN

Chúng ta thành kính tưởng nhớ và ghi ơn đến các vị lãnh đạo tiền bối, các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

 

Cách đây 50 năm, trước yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, cùng với tuyến đường bộ 559 chạy dọc theo dãy Trường Sơn, ngày 23/10/1961, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Đoàn vận tải thủy mang tên Đoàn 759 Đoàn Tàu Không số - tiền thân của Lữ đoàn 125 tàu vận tải quân sự ngày nay, có nhiệm vụ tiếp tế vũ khí, bổ sung lực lượng cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đoàn 759 đã nhanh chóng ổn định tổ chức và tích cực chuẩn bị nhân lực, phương tiện, bến bãi, trinh sát và thực nghiệm cho các chuyến đi vào Nam. Trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết mở đường vận tải chiến lược trên biển. Từ đây mở ra Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, thể hiện của ý chí, khát vọng độc lập tự do và thống nhất đất nước của dân tộc ta.

 

Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ vận tải quân sự trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 đã không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm minh. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí, đọ sức căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên và vượt lên trên tất cả là phải chiến thắng chính bản thân mình. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi một lực lượng có phẩm chất kiên cường, có đối sách chuẩn xác, lúc hiểm nghèo thì quyết đoán táo bạo, khi cần thì sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết không để phương tiện, vũ khí, thiết bị, con người rơi vào tay địch, không để lộ bến bãi và dấu tích con đường.

 

Qua 15 năm kể từ ngày được thành lập (1961 - 1975), cán bộ, chiến sĩ Đoàn Tàu không số đã trải qua những chặng đường gian nan, thử thách, đi hàng trăm nghìn hải lý trong điều kiện sóng to, gió lớn, vượt qua hàng chục cơn bão và hàng trăm cuộc vây ráp tinh vi, xảo quyệt của kè thù để vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, đặc biệt là đối với những nơi mà đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa thể đến được, cùng quân và dân miền Nam lập nên những chiến công vang dội như: Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài, Tết Mậu Thân 1968; góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại, trọn vẹn của dân tộc, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975. Sát cánh với cán bộ, chiến sĩ Đoàn Tàu Không số để làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, còn có công lao thầm lặng và sự hy sinh to lớn của lực lượng vũ trang và nhân dân các bến bãi đầu cầu thuộc các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có bến Vũng Rô (Phú Yên).

 

Có thể nói, cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển đã và sẽ mãi mãi trở thành biểu tượng của ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, sức sáng tạo phi thường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; mãi mãi là niềm tự hào, nguồn động viên, cổ vũ lớn lao đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng và quân dân các tỉnh duyên hải, nơi tuyến đường vươn tới.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh gian khổ, nhưng vô cùng anh dũng, vẻ vang của dân tộc, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên đã cùng cả nước lập nên nhiều chiến công to lớn. Một trong những chiến công ấy là việc tổ chức tiếp nhận vũ khí của Trung ương chi viện cho chiến trường miền Nam thông qua việc vận chuyển bằng Tàu Không số theo đường Hồ Chí Minh trên biển vào Vũng Rô những năm 1964-1965.

 

Năm 1963, Khu ủy Khu V chỉ đạo cho Tỉnh ủy Phú Yên tìm chọn người thông thạo vùng biển để ra miền Bắc hướng dẫn tàu chở vũ khí vào. Chấp hành chỉ thị của cấp trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã quyết định cử một số đồng chí thạo vùng biển ra miền Bắc để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt đó. Tháng 8/1963, đồng chí Lê Kim Tự, Trần Kim Hiền, Nguyễn Văn Xuân quê ở xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa và Trần Mỹ Thành, Trần Văn Dợn quê ở huyện Sông Cầu lên đường ra Bắc.

 

Việc chuẩn bị bến để đón tàu vào cũng được tiến hành hết sức khẩn trương và thận trọng. Tại xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1 đã diễn ra cuộc họp liên tịch giữa lãnh đạo Ban Liên Tỉnh ủy III (do Khu ủy Khu V thành lập để chỉ đạo 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk) và Phân khu Nam (do Quân khu V thành lập để chỉ đạo các tỉnh trên về quân sự) nhằm bàn việc chọn bến để đón tàu từ miền Bắc chở vũ khí vào. Đại diện Liên Tỉnh ủy III có đồng chí Nguyễn Hồng Châu (tức Năm Phổ), Bí thư; đồng chí Trần Suyền, Ủy viên thường trực, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Đại diện Phân khu Nam có đồng chí Lê Đình Yên, Phó Chính ủy và đồng chí Y Blốc, Phó Tư lệnh. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, cuộc họp nhất trí chọn bến Vũng Rô để đón tàu. Vũng Rô nước sâu, sóng êm, tàu trọng tải lớn có thể cập sát bờ, đồng thời có nhiều gộp đá làm nơi cất giấu vũ khí. Mặt khác, huyện Tuy Hòa là nơi có nhiều tuyến hành lang an toàn từ Vũng Rô, Hòa Hiệp, Hòa Xuân đi về phía tây thuận tiện cho cả 3 tỉnh. Các xã trong huyện đều có phong trào du kích phát triển mạnh, khí thế cách mạng của nhân dân rất cao, thuận lợi trong việc huy động nhân lực và lương thực hậu cần phục vụ công tác tiếp nhận và vận chuyển vũ khí. Tuy nhiên, Vũng Rô thuộc vùng địch kiểm soát, dễ dàng khống chế từ các cao điểm trên đèo Cả. Quân địch đóng tại Tu Bông, Đại Lãnh tương đối nhiều, hơn nữa Vũng Rô cách Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hòa - căn cứ hải quân, không quân lớn của địch không bao xa. Ta nhận định chính những nơi mà địch cho là kiểm soát được, chúng thường chủ quan, sơ hở. Do đó việc chọn Vũng Rô làm bến đón tàu là một quyết định rất táo bạo của ta mà địch không thể ngờ tới.

 

Đồng chí Trần Suyền thay mặt Tỉnh ủy Phú Yên nhận nhiệm vụ tổ chức bến, hành lang để đón tàu và tiếp nhận, cất giấu, vận chuyển vũ khí an toàn. Phân khu Nam nhận điều động một trung đội thường trực bảo vệ bến và bố trí một đài vô tuyến điện đóng tại bến để đảm bảo liên lạc với Khu ủy Khu V và liên lạc với tàu.

 

Từ giữa năm 1964, vùng giải phóng của tỉnh Phú Yên đã mở rộng gần hết vùng miền núi và phần lớn vùng nông thôn, đồng bằng, ta làm chủ nhiều đoạn bờ biển dài hàng chục cây số. Tình hình đó cho phép Phú Yên có thể tổ chức đón tàu chở vũ khí vào. Đồng chí Trần Suyền cùng một trung đội vũ trang về huyện Tuy Hòa 1 cùng Huyện ủy huy động thanh niên các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân tổ chức đường dây từ bãi Chính qua bãi Môn đến bãi Tiên để lực lượng dân công các xã Hòa Tân, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ vận chuyển vũ khí về căn cứ. Trong lúc đang chuẩn bị thì 2 đại đội địch càn quét ở Hòn Dôm, Núi Quéo (xã Hòa Hiệp) lấn chiếm vùng giải phóng và có ý định cho đóng quân ở các cao điểm để khống chế rừng Xép và sông Bàn Thạch. Lập tức trung đội của Phân khu Nam phối hợp với du kích của xã Hòa Hiệp chiến đấu tiêu diệt gọn một trung đội địch buộc chúng phải rút lui và từ bỏ ý đồ nói trên. Địa thế vùng giải phóng ở Tuy Hòa rộng lớn từ Vũng Rô đến Đông Tác do ta hoàn toàn làm chủ. Hàng trăm nam nữ thanh niên có ý thức chính trị vững vàng, sức khỏe tốt ngày đêm được phân công khẩn trương việc dọn đường, làm kho trong gộp đá, chặt cây, xẻ gỗ, bứt dây rừng chuẩn bị làm cầu tàu dã chiến...

 

Phân khu Nam quyết định rút trung đội vũ trang miền Đông của huyện Tuy Hòa 1 và các thôn Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm, Lò Ba (xã Hòa Hiệp) mỗi nơi một trung đội du kích mạnh để thành lập đại đội tập trung lấy phiên hiệu là K60 làm nhiệm vụ bảo vệ tàu, bảo vệ bến và tham gia bốc dỡ, vận chuyển vũ khí. Kế hoạch bảo vệ bến được gấp rút triển khai. Một đội du kích xã Hòa Xuân nhận lệnh bao vây dài ngày quân địch đóng ở bốt Pơ-Tí trên đèo Cả. Một trung đội bộ đội địa phương huyện Tuy Hòa 1 bám địch ở Đại Lãnh, chuẩn bị sẵn sàng khi có lệnh là tiêu diệt trung đội dân vệ đóng ở đó. Một đơn vị bộ đội đặc công luồn sâu, bám Tu Bông, phối hợp với lực lượng du kích địa phương tập kích đánh địch để đánh lạc hướng sự chú ý của chúng. Du kích Hòa Xuân ngày đêm bám đường I, bảo đảm an toàn hành lang Đông - Tây. Mọi công việc bảo vệ bến, tiếp nhận và vận chuyển vũ khí đã được tiến hành rất khẩn trương, chu đáo và sẵn sàng đón tàu.

 

Ngày 16/11/1964, từ Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh), Tàu 41 do đồng chí Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, đồng chí Nguyễn Hồng Lỳ làm thuyền phó, đồng chí Trần Hoàng Chiếu làm chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ và các thủy thủ đều là người Khu V, nhổ neo ra khơi, chở vũ khí đi vào Vũng Rô (Phú Yên). Sau hơn chục ngày đêm lênh đênh trên biển, vượt qua muôn trùng sóng to gió lớn và biết bao vất vả, nguy hiểm, vào lúc 22g ngày 28/11/1964, Tàu 41 đã cập bến Vũng Rô trong nỗi vui mừng khôn xiết của tất cả cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trên bến. Lực lượng bộ đội và dân công bắt tay ngay vào việc chặt cây lá, giăng lưới ngụy trang tàu để chờ đến hôm sau, khi mặt trời lặn thì bắt đầu bốc dỡ chuyển vũ khí lên bờ đưa vào sát núi, đồng thời chuyển cát xuống dằn tàu để kịp nhổ neo rời bến trước khi trời sáng.

 

Hàng trăm du kích và dân công các xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp lên đường làm nhiệm vụ. Họ hành quân trong đêm, mỗi đội đóng tại một điểm trên đường dài xuyên núi suốt từ Bùng Binh đến Vũng Rô. Vũ khí được vác trên vai chuyển từ Bãi Chính (Vũng Rô) qua cầu Cây Khế đi Bãi Môn, vượt qua nhiều đoạn dốc đá cheo leo đến Bãi Tiên. Tại Bãi Tiên, vũ khí được chuyển vào các kho bí mật an toàn trong gộp đá. Dân công miền tây Sơn Thành, Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Đồng, Hòa Tân tấp nập kéo xuống miền Đông. Họ phải băng đồng, lội sông, vượt đường Quốc lộ I ban đêm đến Bùng Binh nhận và chuyển vũ khí lên căn cứ.

 

Vũ khí còn đang trên đường vận chuyển về căn cứ thì nhận được lệnh tiếp tục đón chuyến tàu thứ hai. Ban Chỉ huy bến bắt tay ngay vào việc đón tàu. Chuyến tàu thứ hai xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) vào ngày 21/12/1964 và cập bến Vũng Rô vào đêm 25/12/1964. Việc ngụy trang tàu được tiến hành ưu tiên và rất khẩn trương. Tối 26/12/1964, vũ khí từ hầm tàu được bốc xuống thuyền, vòng qua Mũi Điện đi về Bãi Tiên. Một số thuyền khác đưa vũ khí vào bờ rồi chở cát từ bờ để ra dằn tàu. Đến 4g sáng ngày 27/12/1964, tàu nổ máy rời bến ra khơi trở về miền Bắc.

 

Chuyến tàu thứ ba tiếp tục xuất phát từ Hải Phòng vào ngày 28/1/1965 và đến đúng giao thừa tết Ất Tỵ (tức là đêm 31/1/1965), tàu đã cập bến Vũng Rô. Chuyến hàng này ngoài vũ khí còn có gạo, bánh chưng, thịt, dưa hành, chè, thuốc lá và cả hoa đào... của Trung ương gửi đồng bào và chiến sĩ phục vụ bến tàu ăn Tết. Sau khi tàu được ngụy trang bảo đảm an toàn, sáng mùng 1 tết, đồng chí Trần Suyền cùng đại biểu Đại đội K60, thanh niên, phụ nữ tham gia dân công xuống tàu ăn tết với anh em thủy thủ. Cũng trong tối mùng 1 Tết, Ban Chỉ huy bến điều động thêm người, thêm thuyền khẩn trương bốc dỡ vũ khí chuyển lên bờ, đưa cát xuống dằn tàu để ngay trong đêm tàu nhổ neo rời bến.

 

Sau khi tiếp nhận ba chuyến tàu vũ khí và hàng do Trung ương chi viện, Phân khu Nam đã kịp thời phân phối gần một vạn khẩu súng các loại và hàng chục tấn đạn, thuốc nổ, thuốc chữa bệnh cho lực lượng vũ trang các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Chuyến tàu thứ ba vừa mới rời bến thì có điện thoại hỏa tốc của cấp trên lệnh tiếp nhận chuyến tàu thứ tư. Đêm ngày 15/1/1965, Tàu 43 do đồng chí Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng vào cập bến Vũng Rô. Vì tàu lớn nên không thể vào sát bờ được, phải đậu cách bờ khoảng 50m. Ta dùng cây lá ngụy trang tàu trước khi trời sáng.

 

Tuy nhiên, ngày 16/2/1965, máy bay của địch khi bay ngang qua Vũng Rô đã tình cờ phát hiện được tàu. Địch liền huy động lực lượng hải quân, không quân bao vây Vũng Rô. Chiều ngày 16/2/1965, máy bay địch vòng lượn bắn phá khu vực các bãi ở Vũng Rô và phóng rốc-két trúng mũi tàu. Sáng ngày 17/2/1965, tàu hải quân địch chở quân địch lên Bãi Chính, Bãi Lau. Bộ đội đơn vị K60, du kích và thủy thủ của ta từ bờ bắn ra rất mạnh, nhiều lần đẩy lùi tàu địch ra giữa vịnh. Ta rút tiểu đội ở Bãi Lau về Bãi Chính, điều động thêm một đội du kích xã Hòa Hiệp, một Trung đội miền Đông huyện Tuy Hòa cùng đơn vị K60, K64 hiệp sức đánh trả không cho địch đổ bộ. Địch cho máy bay bắn phá liên tục yểm trợ cho tàu địch áp sát Bãi Chính, Bãi Bàng. Tại đây, quân ta đã anh dũng chiến đấu chặn đánh địch quyết liệt, tiêu diệt diệt hàng trăm tên. Đêm 17/2/1965, ta quyết định chuyển thuốc nổ xuống tàu để phá hủy cho tàu chìm sâu dưới nước, quyết không cho địch chiếm tàu. Bộ đội, dân công nhanh chóng chuyển vũ khí vào sâu trong núi.

 

Sáng ngày 22/2/1965 và liên tục những ngày sau đó, máy bay, pháo binh địch bắn phá mở đường lên Bãi Xép đánh vào Bùng Binh, Hang Vàng. Từ các hẻm núi, hốc đá, quân ta dùng trung liên và súng trường chặn đánh địch rất quyết liệt. Địch tiến vào Hang Vàng, ta dùng củi khô chất đốt, hàng tấn thuốc nổ cho đá văng ra khiến hàng chục lính địch bỏ mạng tại chỗ, buộc chúng phải rút xuống tàu, chấm dứt cuộc càn bằng đường biển. Ta khẩn trương thu dọn vũ khí ở kho, tiếp tục vận chuyển về căn cứ. Mười bốn cán bộ, thủy thủ Tàu Không số được giao liên đưa về phân khu, lên đường Trường Sơn trở ra lại miền Bắc.

 

Tiếp nhận vũ khí tại Vũng Rô 1964-1965 là sự kiện lịch sử hào hùng, thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm tuyệt vời, ý chí sắt đá của quân và dân ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cán bộ chiến sĩ và đồng bào Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk và nhất là đồng bào ở các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa 1 đã tập trung sức lực, chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận, bảo vệ và vận chuyển vũ khí an toàn đến các chiến trường. Tiếp nhận vũ khí tại Vũng Rô là chiến công to lớn, mãi mãi là niềm tự hào của Hải quân nhân dân Việt Nam, của quân và dân Nam Trung bộ nói chung và của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tỉnh Phú Yên nói riêng.

 

Để tưởng nhớ đến sự kiện trên và ghi lại dấu tích các Tàu Không số cập bến Vũng Rô, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2001) và 37 năm Tàu Không số vào Phú Yên (28/11/1964 - 28/11/2001) Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQVN tỉnh Phú Yên cùng với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức lễ đặt đá xây dựng bia kỷ niệm Di tích lịch sử Vũng Rô - một công trình có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau... Trong chiến tranh, sự kiện những chiếc Tàu Không số cập bến Vũng Rô cùng quân và dân tỉnh Phú Yên đã viết nên trang sử vẻ vang, oanh liệt. Và hôm nay trong hòa bình, Vũng Rô với vai trò là cảng hàng hóa, đang góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Tự hào về Vũng Rô, chúng ta quyết tâm làm cho Vũng Rô ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với chiến công oai hùng của Vũng Rô trong lịch sử.

 

Với những chiến công đã đi vào huyền thoại của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; sự đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, Quân chủng Hải quân, các đơn vị, những con tàu huyền thoại và nhiều cán bộ, chiến sĩ quân chủng được vinh dự tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được tặng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta trao tặng... Thay mặt Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Phú Yên, chúng tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, niềm tin tưởng, tự hào về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng nói chung, Quân chủng Hải quân nói riêng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

 

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, các lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, chấp hành nghiêm mệnh lệnh và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, từng bước cải thiện thế bố trí chiến lược trên biển, đảo. Đặc biệt lực lượng vận tải quân sự đường biển của Hải quân đã phát huy truyền thống của Đoàn Tàu không số, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, mưu trí, sáng tạo, thực hiện đúng đối sách, xử lý linh hoạt, chuẩn xác các tình huống phức tạp trên biển, quyết tâm quay vòng, tăng chuyến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển cho Trường Sa, góp phần xây dựng Trường Sa vững mạnh về mọi mặt; đã mưu trí, khôn khéo, quyết đoán, thể hiện ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, sẵn sàng hy sinh cùng con tàu, sẵn sàng lao lên bãi cạn, bám chặt đất mẹ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Những truyền thống cao đẹp đó mãi mãi là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân ta, quân đội ta. Do đó, mỗi chúng ta phải biết trân trọng, gìn giữ và không ngừng phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang đó lên tầm cao mới, trong điều kiện mới của cách mạng nước ta hiện nay.

 

Trong giai đoạn cách mạng mới, sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc, vừa thuận lợi nhưng cũng vừa có những thách thức mới. Xu thế toàn cầu hóa đang tác động sâu sắc, toàn diện trên bình diện quốc tế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, vẫn sẽ là khu vực phát triển năng động, nhưng còn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng phức tạp. Những thành tựu, kinh nghiệm của công cuộc đổi mới đã tạo ra cho đất nước ta thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước. Tuy vậy, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta; tình hình phức tạp trên biển Đông trong thời gian gần đây cũng như nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đang đặt ra cho chúng ta những yêu cầu mới.

 

Để phát huy truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, tôi đề nghị cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong toàn tỉnh phải ra sức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là về biển, đảo; phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, cũng như môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo; góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Nâng cao hiểu biết pháp luật quốc tế về biển; âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; nắm vững nội dung Công ước quốc tế về Luật Biển (1982) và các hiệp định đã được ký kết giữa Việt Nam với các nước liên quan về biển Đông; nắm vững chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta giải quyết các bất đồng, tranh chấp chủ quyền trên biển bằng biện pháp hòa bình; kết hợp đấu tranh chính trị, ngoại giao, tôn trọng luật pháp quốc tế và độc lập chủ quyền của mỗi quốc gia; kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo cũng như tình đoàn kết, hữu nghị với các nước trong khu vực.

 

Đối với các lực lượng vũ trang, phải thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng hoàn thiện các phương án, kế hoạch, quyết tâm chiến đấu; chất lượng trực sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cao khả năng hoạt động, tác chiến độc lập; tác chiến phối hợp và hiệp đồng với các lực lượng; kịp thời phát hiện và đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ. Xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bảnn lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, có quyết tâm chiến đấu cao, kiên định, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển và 47 năm ngày đầu tiên Tàu 41, Đoàn 759 - Hải quân cập bến Vũng Rô - Phú Yên, là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn Tàu Không số, cũng như các cán bộ, chiến sĩ, dân công ngày ấy trên bến Vũng Rô.

 

Phát huy truyền thống anh hùng của Đoàn Tàu Không số, của tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển, của Bến - Tàu Không số Vũng Rô, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Phú Yên phấn đấu ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, mãi xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, của đồng bào và đồng chí.

 

-------------------------

(*) Đầu tựa đề doa Tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek