Nhân dân ta từ xưa luôn nhắc nhau “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tôn vinh, biết ơn những người đã không tiếc màu xương vì sự tồn, vong của dân tộc. Đó là một nét đẹp, trở thành đạo lý, trong đời sống dân tộc ta.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, hòng bắt nhân dân ta làm nô lệ cho chúng một lần nữa. Một số cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã hy sinh anh dũng để bảo vệ nền độc lập của dân tộc vừa giành được.
Trên cơ sở truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, đầu năm 1946 ở Hà Nội, Huế và nhiều địa phương khác đã thành lập “Hội giúp binh sĩ bị thương”. Hồ Chủ tịch được bầu làm Hội trưởng danh dự. Nhiều cuộc quyên góp xây dựng quỹ giúp binh sĩ bị thương đã thu được kết quả tốt.
Cuối năm 1946 cả nước lại dấy lên cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” gom góp hàng vạn áo quần, mũ, giày… gửi cho binh sĩ ngoài mặt trận.
Từ ngày toàn quốc kháng chiến, số thương binh, liệt sĩ ngày càng tăng thêm. Vấn đề thương binh liệt sĩ trở thành một vấn đề lớn của xã hội. Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch một hội nghị quan trọng gồm các đoàn thể trong Mặt trận và các ngành có chức năng đã họp tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) thống nhất chọn ngày 27/7 làm Ngày Thương binh, liệt sĩ toàn quốc. Ngày 27/7/1947, Hồ Chủ tịch đã ký quyết định thành lập Bộ thương binh và Cựu binh (sau đổi thành Bộ Thương binh), tiền thân của Bộ LĐ-TB-XH ngày nay.
Trong thư gửi cuộc mít-tinh Ngày Thương binh liệt sĩ lần thứ nhất (27/7/1947) Hồ Chủ tịch viết “Mỗi năm, đến ngày 27 tháng 7 thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các liệt sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tánh mạng, hoặc góp phần xương máu trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta”.
Tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Hồ Chủ tịch đối với thương binh, liệt sĩ thật sâu nặng. Có lần Người đã tâm sự: “Bác không có vợ, con. Bác coi thế hệ trẻ Việt
Sự quan tâm của Hồ Chủ tịch đối với thương binh còn được thể hiện bằng những việc làm cụ thể của Người. Trong buổi lễ mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” tại Hà Nội (27/7/1946) Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét Người đang mặc và một tháng lương của mình gửi tặng các binh sĩ. Sau này, cứ đến ngày 27/7 Bác đều có thư, có quà gửi đến các thương binh.
Riêng đối với các anh, chị em thương binh, Bác ân cần nhắc nhở: “Các đồng chí tàn mà không phế. Các đồng chí nên nuôi lại sức khỏe, hăng hái tham gia công tác, tăng gia sản xuất để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông. Các đồng chí sẽ trở thành người công dân kiểu mẫu, cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ngoài mặt trận”.
Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch và các chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, những năm gần đây công tác đền ơn đáp nghĩa, đã trở thành phong trào hành động cách mạng của các đoàn thể trong hệ thống chính trị và của toàn xã hội, thể hiện tình cảm, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” từ lâu đã in sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, trở thành bản sắc dân tộc.
Thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ của Đảng và Nhà nước ta, không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành LĐ-TB-XH, mà còn là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, của mọi cán bộ, đảng viên và của mỗi người dân chúng ta. Làm được như thế, chúng ta vừa góp phần vào sự nghiệp ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, vừa là cách tốt nhất để định hướng giá trị, xây dựng nếp sống văn hóa cho mọi người, nhất là cho thế hệ trẻ.
BẰNG TÍN