Ngày 10/7, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã bế mạc sau 1 tuần làm việc. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Thông báo Hội nghị.
Lễ bế mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt |
PYO trân trọng giới thiệu toàn văn thông báo:
"Từ ngày 4 đến ngày 10/7/2011, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã họp Hội nghị lần thứ hai thảo luận và quyết định về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư; Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI; chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và một số vấn đề quan trọng khác. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.
1- Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là sự cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo quy định của Điều lệ Đảng khóa XI; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, chế độ làm việc, phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa 2 kỳ Đại hội là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; bảo đảm thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Trên cơ sở kế thừa Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa X, bám sát Nghị quyết Đại hội, Điều lệ Đảng khóa XI và để góp phần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh cải cách hành chính, mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư; về việc chuẩn bị và tổ chức các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư; lãnh đạo, chỉ đạo đối với cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; chế độ sơ kết, tổng kết, tự phê bình, phê bình và chất vấn trong Đảng... Đây là những cơ sở rất quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan lãnh đạo của Đảng.
2- Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI được xây dựng theo tinh thần đổi mới, cụ thể hóa và đảm bảo triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra; giải quyết kịp thời những vấn đề lớn của Đảng và đất nước theo đúng trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương; gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa nền tảng tinh thần của xã hội, giữa thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh, ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Đồng thời, sơ kết, tổng kết một số nghị quyết quan trọng do Ban Chấp hành Trung ương các nhiệm kỳ trước ban hành. Trong quá trình thực hiện, tùy tình hình cụ thể, Bộ Chính trị sẽ cân nhắc, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương kịp thời có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp.
3- Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI được xây dựng trên cơ sở Điều lệ Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; kế thừa Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa X và một số quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa X liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới về chức năng, tổ chức, trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; trách nhiệm, quyền hạn của thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thường trực Ủy ban, phó chủ nhiệm thường trực và các phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương để cụ thể hóa Điều lệ Đảng, bảo đảm chế độ lãnh đạo tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết thống nhất trong Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của Đảng.
4- Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước xác định những quan hệ trọng yếu nhất, có tính nền tảng của chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước; là nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị-xã hội và chủ quyền quốc gia. Sau gần 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đại hội XI của Đảng, trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 25 năm đổi mới, đã quyết định sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn, phương châm và phương pháp tiến hành; xác định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phải dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, căn cứ vào nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung và phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội XI của Đảng; khẳng định bản chất Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân và của dân tộc Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là Đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng cần được tiến hành chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng; động viên sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc...
5- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã thành công tốt đẹp. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII sắp tới sẽ khai mạc với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước. Trên cơ sở phương hướng công tác cán bộ do Đại hội XI của Đảng đề ra và yêu cầu về cơ cấu bộ máy tổ chức các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao việc giới thiệu nhân sự ứng cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu đặt ra, bảo đảm kết hợp tính kế thừa và phát triển, sự lãnh đạo của Đảng một cách toàn diện trên các địa bàn, lĩnh vực công tác...
6- Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2011, thực hiện Kết luận 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2011 và một số vấn đề quan trọng khác.
Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Trước mắt, tập trung chuẩn bị tốt để tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 66 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc của đất nước những năm tiếp theo".
Theo TTXVN