Thứ Năm, 28/11/2024 02:45 SA
Hỏi đáp về bầu cử Quốc hội
Thứ Sáu, 29/04/2011 07:39 SA

Câu 78: Hội nghị hiệp thương là gì? Ai triệu tập và chủ trì?

 

Trả lời: Hội nghị hiệp thương là hội nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở trung ương và địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội, cũng như việc lập danh sách sơ bộ và danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

 

Hội nghị hiệp thương ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì.

Hội nghị hiệp thương ở địa phương do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triệu tập và chủ trì.

 

Để đảm bảo dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội nghị hiệp thương được tiến hành ba lần: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; Hội nghị hiệp thương lần thứ hai; Hội nghị hiệp thương lần thứ ba.

 

Câu 79: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành hội nghị?

 

Trả lời: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương được tổ chức chậm nhất là tám mươi lăm ngày trước ngày bầu cử.

 

Thành phần Hội nghị gồm Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện Ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Hội đồng bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời dự Hội nghị này.

 

Những nội dung chủ yếu của Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương gồm:

 

- Nghe giới thiệu về một số nội dung chủ yếu và những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

 

- Nghe giới thiệu dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân ở cấp tổ chức hội nghị hiệp thương, người tự ứng cử thuộc cơ cấu và số lượng đại biểu Quốc hội nói trên;

 

- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương trình bày dự kiến số lượng người của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu. Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là hai người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì do Hội đồng bầu cử quyết định;

 

- Thảo luận để thỏa thuận về số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trường hợp hội nghị không thỏa thuận được vấn đề nào đó thì biểu quyết bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết. Trường hợp hội nghị quyết định bằng cách bỏ phiếu kín thì cử ban kiểm phiếu từ ba đến năm người. Phiếu bầu phải có dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương.

 

- Hội nghị lập biên bản.

 

- Biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương được gửi ngay đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử.

 

Câu 80: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành Hội nghị?

 

Trả lời: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổ chức chậm nhất là tám mươi lăm ngày trước ngày bầu cử.

 

Thành phần Hội nghị gồm Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đại diện Ban lãnh đạo các tổ chức thành viên, đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đại diện Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được mời dự Hội nghị này.

 

Nội dung Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tương tự như nội dung Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương (xin xem câu 79).

 

Biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được gửi ngay đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

 

Câu 81: Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được bầu làm đại biểu Quốc hội như thế nào?

 

Trà lời: Sau khi có kết quả hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được bầu làm đại biểu Quốc hội do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến, chậm nhất là tám mươi ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được bầu làm đại biểu Quốc hội. Mục đích của việc điều chỉnh là nhằm bảo đảm cơ cấu, thành phần chung của đại biểu Quốc hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Lần điều chỉnh này là cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ số lượng đại biểu tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.    

 

(Còn nữa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek