“Để vận động được bà con, bản thân mình phải sát dân, gần dân, kiên trì và nói phải đi đôi với làm” - đó là kinh nghiệm của Trưởng thôn Phước Bình Nam (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) Nguyễn Khắc Hiếu, một điển hình “Dân vận khéo” ở Phú Yên.
|
Ông Nguyễn Khắc Hiếu (thứ hai, từ trái qua) trò chuyện với người dân trong thôn. - Ảnh: H.NHƯ |
Ở thôn Phước Bình Nam, hầu như ai cũng biết ông Hai Hiếu (tên bà con gọi thân mật ông Nguyễn Khắc Hiếu). Tuổi đã gần thất thập, nhưng ông luôn xông xáo trong các công việc của thôn xóm. Từng là đội trưởng đội sản xuất, chi hội trưởng Nông dân và giờ là trưởng thôn Phước Bình Nam, với phương châm “tuổi cao, sức khỏe không còn dồi dào nhưng lòng nhiệt tình với việc chung, với bà con lối xóm thì không được giảm”, ông Hiếu luôn lấy công tác dân vận làm mục tiêu phấn đấu. Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Đảng ủy xã Hòa Thành phát động, ông Nguyễn Khắc Hiếu đã tích cực đăng ký thực hiện mô hình: “Vận động nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” nhằm đưa đời sống nông dân trong thôn ngày càng ổn định, phát triển, vươn lên làm giàu chính đáng. Để tạo được phong trào đoàn kết tương trợ nhau cùng phát triển, ông vận động hội viên, nông dân đóng góp xây dựng quỹ Hỗ trợ nông dân của chi hội. Số tiền trong quỹ ngày càng gia tăng, dùng để cho hội viên vay với lãi suất thấp.
Không chỉ vận động tư tưởng, ông Hai Hiếu còn giúp mọi người bằng những hành động thiết thực. Ông đề xuất, phối hợp với Ban nhân dân thôn tổ chức các cuộc họp để phổ biến các biện pháp ứng dụng KH-CN, kỹ thuật sản xuất trong nhân dân, cử hội viên, nông dân, tham gia các cuộc hội thảo về nuôi dông, nuôi heo rừng, thực hiện lịch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm… Bên cạnh đó, với kinh nghiệm đúc kết và kiến thức tìm hiểu được, ông vận động nông dân xây hồ nuôi cá nước ngọt, trồng dưa hấu phủ bạt nylon trái vụ, trồng dược liệu… Chính nhờ sự hướng dẫn của ông Hai Hiếu mà nhiều gia đình trong thôn đã thoát nghèo, đời sống khấm khá. Gia đình ông Nguyễn Tấn Bình ở thôn Phước Bình Nam trước đây thuộc diện khó khăn. Nhưng với sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Hiếu, nay nhà ông Bình đã có của ăn, của để. Ông Bình cho biết: “Chú Hai tốt và nhiệt tình lắm. Ngoài việc chỉ cho tôi cách làm ăn, luân canh các loại cây phù hợp, chú còn hướng dẫn cho cách tìm nguồn vốn hỗ trợ. Nhờ vậy mà nhà tôi mới thoát nghèo”.
Ngoài việc giúp đỡ bà con làm ăn, ông Hai Hiếu thường xuyên đến tận nhà vận động bà con thực hiện tốt nghĩa vụ công dân của mình như đóng thuế, tham gia giữ gìn an ninh trật tự… Ông chia sẻ: “Muốn làm công tác dân vận tốt, bản thân mình phải tạo được sự tin tưởng, chịu khó tiếp xúc nhiều, gần dân để hiểu bà con nhiều hơn. Để vận động được, không phải chỉ nói bằng miệng, nhiều lúc phải tới tận nhà nhiều lần mọi người mới hiểu và thực hiện theo chủ trương”. Bản thân ông Hai Hiếu và gia đình luôn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời khuyên nhủ mọi người xung quanh khi cưới xin, ma chay, giỗ chạp không nên tổ chức linh đình, phô trương hình thức; tùy theo điều kiện mỗi gia đình mà tổ chức cho phù hợp. Trong thôn xóm, nhà nào có mâu thuẫn, có việc tranh cãi thì ông luôn được tin tưởng để đứng ra giải hòa.
Trong suốt quá trình làm công tác dân vận, ông Hai Hiếu tâm đắc nhất là việc lập được quỹ Khuyến học của thôn ngay từ rất sớm, khi địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Quỹ Khuyến học thôn Phước Bình Nam ra đời từ năm 1989, lúc Nhà nước chưa có chủ trương gì về phong trào khuyến học. Nhận thấy sự cần thiết của quỹ, ông Hai Hiếu đã chủ động vận động bà con, xin hỗ trợ của UBND xã để khuyến khích tinh thần hiếu học của các cháu trong thôn. Tình trạng học sinh bỏ học của địa phương lúc này rất nhiều. Ông Hiếu suy nghĩ, nếu như không có một động lực thiết thực, một sự quan tâm đúng lúc thì tương lai của các cháu sẽ đi về đâu. Ông cho biết, lúc mới ra đời, quỹ không được sự ủng hộ của nhiều người dân, có người còn nói ra nói vào nhưng với quyết tâm, kiên trì thuyết phục, rồi mọi người cũng hiểu. Thời gian đầu, ông trích phần tiền thưởng của hợp tác xã nhận được làm quỹ Khuyến học. Nhưng rồi, số lượng học sinh của thôn tăng lên, số tiền cần lúc này cũng tăng lên nên ông đã nghĩ ra việc lập “Quyển sổ vàng”. Ông tìm gặp những người đã thành đạt của địa phương để vận động, quyên góp tiền cho quỹ Khuyến học. Nhờ vậy, số tiền trong quỹ tăng lên, ông Hiếu đã có sáng kiến cho nông dân vay với lãi suất thấp, dùng tiền lãi này cho phong trào khuyến học địa phương. Chín năm liền, Phước Bình Nam liên tục giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa…
Ông Hai Hiếu đã vinh dự được nhận bằng khen của Tỉnh ủy Phú Yên vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận khéo năm 2009-2010”, là một trong những cá nhân tiêu biểu trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thành Nguyễn Trãi nhận xét: “Ông Hai Hiếu tuy tuổi đã cao nhưng rất nhiệt tình và năng nổ trong công tác của thôn, xã. Nhờ ông làm tốt công tác dân vận mà Phước Bình Nam luôn là thôn đứng đầu trong mọi phong trào, đặc biệt là phát triển mạnh phong trào khuyến học”.
HỒ NHƯ