Đồng chí Phạm Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1906 tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi – một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Lớn lên trong lúc đất nước bị nô lệ, nhân dân bị áp bức, lầm than, nên đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. - Ảnh: T.LIỆU
Năm 19 tuổi, đồng chí trực tiếp tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên bãi khóa, để tang cụ Phan Chu Trinh. Năm 20 tuổi, đồng chí bí mật sang Quảng Châu (Trung Quốc) và đã được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, rồi tham dự lớp huấn luyện do đồng chí Nguyễn Ái Quốc giảng dạy và sau đó được kết nạp vào Việt
Sau đó, đồng chí trở về nước tiếp tục hoạt động tại Sài Gòn. Tại đây, không may đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm và đưa ra giam tại Côn Đảo.
Tháng 7/1936, đồng chí được trả tự do và ra hoạt động ở Hà Nội. Khi nghe tin Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô bí mật về hoạt động ở Quảng Châu, đồng chí đã sang Trung Quốc để tìm gặp. Năm 1940, đồng chí Phạm Văn Đồng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Là người học trò xuất sắc, đã từng sống và làm việc gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm và qua nhiều thời kỳ, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn thể hiện là người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Suốt 41 năm liên tục là Ủy viên Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của đồng chí Phạm Văn Đồng đã gắn liền với những chặng đường đấu tranh vẻ vang của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên tuổi, sự nghiệp, công lao của đồng chí Phạm Văn Đồng đã đi vào lịch sử đấu tranh của Đảng, dân tộc ta và gắn liền với những sự kiện quan trọng của đất nước ta thế kỷ XX.
Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, ở một thời kỳ oanh liệt, đầy thử thách, cam go, đồng chí luôn quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng Đảng, chăm lo tính tiên phong, gương mẫu, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng và mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đã nhiều lần đồng chí nêu rõ: “Vai trò lãnh đạo của Đảng tiên phong đối với cách mạng như người cầm lái đối với con thuyền”. “Đảng phải có đạo đức trong trẻo, có trí tuệ sáng suốt, có đường lối đúng đắn, có đội ngũ đảng viên gương mẫu, có phương thức lãnh đạo thích hợp”.
Trên cương vị và trọng trách của mình, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn quan tâm tới việc xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền nhà nước vững mạnh, thực sự của dân, do dân và vì dân, cán bộ phải thực sự là “công bộc của dân” như lời dạy của Bác Hồ. Đồng chí cho rằng: “Việc tăng cường nhà nước của nhân dân là một nhiệm vụ cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa” và “chỉ có tăng cường quan hệ lãnh đạo của Đảng với Nhà nước thì chúng ta mới tăng cường tác dụng to lớn của Nhà nước trong thời kỳ quá độ, trong việc xây dựng xã hội mới, từ đó nêu cao địa vị và uy tín của Nhà nước”.
Trong lãnh đạo và quản lý kinh tế, đồng chí yêu cầu mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên các cấp, các đoàn thể từ trung ương đến địa phương phải làm việc có hiệu quả thiết thực, có năng suất, chất lượng; phải chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô và bệnh quan liêu, hình thức.
Là người đứng đầu chính phủ trong nhiều năm, đồng chí phấn khởi trước những thành tựu về kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng và đối ngoại của đất nước, nhưng cũng luôn trăn trở, day dứt trước những yếu kém, khuyết điểm, kể cả những sai lầm trong quản lý, điều hành. Đồng chí luôn đòi hỏi mọi người phải nghiêm túc, thường xuyên tự phê bình và phê bình về tình trạng thiếu trách nhiệm, vô kỷ luật, làm việc không có hiệu quả, năng suất thấp kém, thất thoát tiền bạc, của cải của Nhà nước và nhân dân; tình trạng tham ô, móc ngoặc, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị các cấp, trong các cơ sở kinh tế và ở người lao động.
Không những là nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đồng chí Phạm Văn Đồng còn là nhà văn hóa lớn của dân tộc, luôn quan tâm đến sự nghiệp văn hóa - giáo dục của đất nước và đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, phát triển văn hóa, giáo dục của dân tộc. Những bài nói, bài viết của đồng chí để lại đã thể hiện một cách cụ thể, sâu sắc, giáo dục cách mạng của Đảng, Nhà nước ta; thể hiện nguyện vọng, niềm tin cũng như trách nhiệm đối với người phát huy các giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc và việc chăm lo cho con người, nguồn lực của đất nước.
Cả cuộc đời của đồng chí Phạm Văn Đồng đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân ta, cho hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Đồng chí luôn luôn tâm đắc và làm đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải coi được hiến cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân là điều hạnh phúc. Dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, đồng chí Phạm Văn Đồng cũng phấn đấu, rèn luyện hết mình theo phương châm và lẽ sống đó.
Kỷ niệm 105 năm ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng (1906-2011), chúng ta nhớ tới hình ảnh một con người: 94 tuổi đời, hơn 70 năm hoạt động liên tục, đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho Nhà nước và cho dân tộc, để lại cho chúng ta tấm gương một người học trò xuất sắc, gần gũi của Bác Hồ, một nhà lãnh đạo, nhà văn hóa lớn.
XUÂN THÔNG