1. Mấy ngày tết Tân Mão vừa rồi, nhà ông B có nhiều người đến thăm. Cả khu phố tôi ai cũng ngạc nhiên vì kể từ hồi ông còn đương chức bí thư một huyện trong tỉnh cho đến nay, tuy đã nghỉ hưu gần tám năm nhưng năm nào cũng vậy, không đợi đến dịp tết đến, xuân về, nhà ông hay bận bịu chuyện tiếp khách. Bà vợ ông lo cho sức khỏe vốn không được cứng cáp của chồng nên thường nhắc khéo: “Anh em, bà con có đến chơi thì ông cũng liệu mà nói chứ. Cứ trò chuyện tràng giang đại hải rồi uống nước trà đặc hoài thì sức nào chịu nổi?”. Ông cười, nhỏ nhẹ: “Thì người ta có quý, có thương mình thì mới đến chúc tết, hỏi thăm này nọ. Với lại, nghe kể chuyện của huyện có nhiều cái hay, cái mới, tôi thấy mình như khỏe hơn, bà nó à!”
Là chỗ hàng xóm khá gần gũi, trong một lần ngồi uống nước, tôi chọc: “Anh sáu “về vườn” lâu rồi mà coi bộ thiên hạ vẫn còn quấn quýt lắm, sao vậy ta?”. Ông B lại cười nhỏ nhẹ: “Chắc cậu muốn nhắc câu ca dao “Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa một mình” chớ gì? Hay là “Còn bạc còn tiền còn đệ tử/ Hết cơm hết rượu hết ông tôi” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm?” Rồi ông kể: Hồi tôi được tăng cường về làm bí thư huyện ấy, tình hình mệt mỏi lắm, cậu ơi! Cả thường vụ huyện ủy, thường trực ủy ban không ai chịu ai, đơn thư khiếu nại, tố cáo gởi đi tràn lan. Được sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và cộng với nỗ lực cá nhân, dần dần, tôi và tập thể lãnh đạo huyện ủy, ủy ban ổn định được tình hình. Những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực được bố trí đúng nơi đúng việc, anh chị nào “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” nếu nhắc nhở, giáo dục nhiều mà không chuyển thì xin mời đi chỗ khác mà thi thố... Những năm ở huyện, tôi luôn cố gắng sống thẳng thắn, trung thực, minh bạch và nỗ lực hoàn thành tốt nhất vai trò bí thư của mình. Có lẽ vì vậy, tập thể thường vụ, thường trực rồi cả huyện ủy, ủy ban, lãnh đạo mặt trận, các ban ngành, đoàn thể của huyện, cán bộ chủ chốt các xã thấy vậy mà đồng tình, ủng hộ chăng? Từ thực tiễn công tác, tôi nghiệm ra rằng: Cái tâm và trách nhiệm của người đứng đầu luôn có vai trò quyết định. Nếu anh làm bí thư, chủ tịch, giám đốc, hiệu trưởng… mà nghiêm, quyết đoán trong xử lý công việc, luôn vì lợi ích tập thể và sống có tình với đồng chí, đồng đội, với dân, với học trò thì mọi việc dù có khó đến mấy cũng giải quyết được hết. Hôm mồng hai tết, bí thư huyện ghé thăm, thông tin: Em xin báo để anh sáu mừng là bây giờ, đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện mình nhiệm kỳ này thuộc trẻ nhất của tỉnh, hầu hết đã qua đào tạo cơ bản, nhiều đồng chí năng lực công tác rất tốt. Em tin sắp tới, huyện mình sẽ có nhiều đột phá tiến bộ hơn nữa… Nghe vậy tôi rất vui, cậu à! Cán bộ mà trẻ, học hành đầy đủ, làm việc giỏi, nếu có thêm cái tâm sáng thì dân được nhờ thôi…
2. Đã nhiều lần đi đi về về cái huyện mà ông B từng giữ chức bí thư, tôi cảm nhận rất rõ những đổi mới kinh tế - xã hội của vùng đất này hôm nay vốn trước kia… tụt hậu nhất tỉnh! Thăm dò cán bộ, nhân dân, tôi nghe nhiều người nhắc đến ông với sự trìu mến, tin tưởng. Như vậy, có thể nói rằng, những tâm sự của ông là thật lòng chứ không phải sự “tô hồng”, “đánh bóng” cho bản thân sau khi đã “hạ cánh an toàn”. Nói chi cho xa xôi, nội cái việc ông tuy rời cương vị lãnh đạo huyện đã khá lâu nhưng nay vẫn có nhiều người đến thăm, trò chuyện, hỏi han… thì quả là hạnh phúc. Bởi vì, có nhớ cái tình, cái tâm của anh thì người ta mới đến, còn không thì hơi đâu. Mà cái tình, cái tâm của anh cán bộ, xét cho cùng, chính là luôn biết chăm lo, cống hiến tốt nhất cho cộng đồng, cho cái chung ngày càng phát triển tốt đẹp. Thấy tấm gương ông B, tự nhiên tôi giật thột: Mình cũng là cán bộ (tuy nhỏ xíu) nhưng phải sống, làm việc thế nào để sau này khi đã về hưu như ông B anh em còn ghé thăm hay hú hý đi uống vài ve đây?
SÔNG BA HẠ