Nhân dịp đầu xuân mới 2011, phóng viên Phú Yên Xuân Tân Mão đã phỏng vấn đồng chí Phạm Ðình Cự, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những trọng tâm chỉ đạo phát triển Phú Yên trong năm 2011.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự đón tiếp Tổng lãnh sự Hoa Kỳ - Ảnh: M.NGUYỆT |
Phú Yên sẽ cố gắng cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư để đầu tư theo quy hoạch, sớm đưa tỉnh trở thành trung tâm dịch vụ mới của khu vực. Phú Yên sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi và chào đón các nhà đầu tư đến Phú Yên với tinh thần tin tưởng, hợp tác, phát triển và thành công.
* Thưa đồng chí, theo quy hoạch của Chính phủ, Phú Yên sẽ là trung tâm dịch vụ mới của khu vực, là cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh Tây Nguyên. Phú Yên triển khai thực hiện quy hoạch ấy như thế nào và dự kiến đến khi nào quy hoạch sẽ trở thành hiện thực?
- Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020, trong đó quy hoạch Phú Yên là cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh Tây Nguyên. Để thực hiện tốt quy hoạch được duyệt, tỉnh Phú Yên đã và đang triển khai cụ thể hóa bằng các nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh... bước đầu đã đạt được kết quả rất phấn khởi.
Trong những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế... nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây (2006-2010) là 12,3%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay công nghiệp - xây dựng phát triển mạnh chiếm 34,9%, dịch vụ chiếm 36,4% cao hơn tỉ trọng nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 28,7% trong cơ cấu GDP. GDP bình quân đầu người năm 2010 là 15,6 triệu đồng. Các hoạt động dịch vụ không ngừng phát triển và ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.
Tỉnh đã huy động được nhiều nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Nhiều công trình lớn có ý nghĩa về kinh tế và dân sinh đã hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả như: Các nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, cầu Hùng Vương, hệ thống cầu trên trục giao thông phía tây nối liền 3 huyện miền núi của tỉnh, đường cơ động ven biển, Bệnh viện Đa khoa tỉnh... Ngoài 3 khu công nghiệp tập trung là: Hòa Hiệp, An Phú, Đông Bắc Sông Cầu, còn hình thành một số cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để thu hút đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản...
Đặc biệt, tỉnh đang triển khai xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, đây là khu kinh tế thuộc vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, là vùng kinh tế tổng hợp, khu vực làm động lực quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và là đầu mối cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy, hàng không của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông bắc Campuchia, Thái Lan. Khu vực này là không gian chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với vùng kinh tế trọng điểm phía
Đồng thời, đang tập trung chuẩn bị khởi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả và điểm cuối phía nam tại đèo Cổ Mã (Khánh Hòa). Các tuyến quốc lộ 25 nối với Gia Lai, quốc lộ 29 (ĐT 645) nối với Đắk Lắk đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng sẽ góp phần tạo nên hành lang kinh tế Đông - Tây mới của nước ta. Dự án về tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột đã được khảo sát thiết kế hoàn chỉnh, toàn tuyến đường sắt có chiều dài 160km, đi qua 8 ga, xuất phát từ ga Phú Hiệp - Phú Yên và điểm cuối là ga Buôn Ma Thuột - ga đầu mối để nối tuyến đi các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng. Dự kiến, trong giai đoạn năm 2016-2020, sẽ triển khai thực hiện dự án quan trọng này...
Sản xuất tân dược tại nhà máy của Công ty cổ phần PYMEPHARCO - Ảnh: N.TRƯỜNG |
Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp và Khu kinh tế Nam Phú Yên. Đồng thời với nguồn nội lực, tỉnh sẽ cố gắng cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư để đầu tư theo quy hoạch, sớm đưa Phú Yên thành trung tâm dịch vụ mới của khu vực.
* Năm 2011, với việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên sẽ quảng bá với cả nước và thế giới tiềm năng du lịch của tỉnh. Xin đồng chí cho biết Phú Yên sẽ hình thành những điểm du lịch lớn nào trong năm nay?
- Năm 2011 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đặc biệt, là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của tỉnh - kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển gắn với Năm Du lịch quốc gia các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ 2011 tại Phú Yên. Đây là cơ hội để Phú Yên giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh đến với du khách và nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian tới.
Tỉnh Phú Yên và các bộ, ngành Trung ương có liên quan đã và đang khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực chuẩn bị các nội dung theo kế hoạch để phục vụ tốt cho sự kiện quan trọng này. Dự ước năm 2011, tỉnh Phú Yên đón 500.000 khách du lịch đến tỉnh. Để phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, giải trí, tham quan các danh thắng tỉnh Phú Yên của du khách, tỉnh đã và đang đầu tư, nâng cấp các trung tâm, khu du lịch vui chơi giải trí sẵn có, đồng thời tập trung vào các điểm tham quan lớn trong năm 2011 theo tuyến như:
+ Tuyến du lịch về phía nam của tỉnh: leo núi Đá Bia (loại hình du lịch thể thao gắn liền với truyền thuyết hành trình Nam tiến của vua Lê Thánh Tông) - Khu di tích lịch sử Tàu Không số Vũng Rô (tham quan di tích Tàu Không số, tìm hiểu về lịch sử) - tham quan Bãi Môn - Mũi Điện (tắm biển, câu cá, sinh hoạt lửa trại, thưởng thức các loại đặc sản biển, lên Trạm Hải đăng đón ánh bình minh sớm nhất);
+ Tuyến du lịch về phía bắc của tỉnh: Bãi Xép, đi thuyền tham quan đảo hòn Lao Mái Nhà (tắm biển, câu cá) - đầm Ô Loan (du thuyền đêm trên đầm, thưởng thức sò huyết và các đặc sản của đầm Ô Loan) - gành Đá Dĩa (tham quan, tắm biển...), nhà thờ Mằng Lăng (tham quan, nghe giới thiệu về lịch sử hình thành nhà thờ);
+ Tuyến du lịch nội thành (TP Tuy Hòa): Tháp Chăm - Núi Nhạn; du thuyền trên sông Chùa; tham quan các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ốc đá, vỏ gáo dừa, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí như Sao Việt, Thuận Thảo...;
+ Tuyến du lịch phía bắc Sông Cầu: tham quan các đảo trong vịnh Xuân Đài - Khu du lịch Bãi Tràm - các khu du lịch dọc tuyến đường Sông Cầu - Quy Nhơn.
+ Tuyến du lịch phía tây: Nhà thờ Bác Hồ, các làng văn hóa dân tộc Ba Na, Chăm H’roi, Ê Đê...
Với sự nỗ lực chuẩn bị chu đáo của các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, cộng với sự giản dị, mến khách của con người Phú Yên, tôi tin tưởng sẽ để lại nhiều ấn tượng đẹp và làm du khách hài lòng khi đặt chân đến Phú Yên.
Thực nghiệm các giống lúa cho năng suất, sản lượng cao - Ảnh: L.MINH |
* Phú Yên muốn phát triển nhanh kinh tế - xã hội và nhất là du lịch, phải đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi nhà đầu tư vào Phú Yên. Trong tình hình hiện nay, Phú Yên sẽ thu hút các nhà đầu tư bằng những chủ trương, chính sách hấp dẫn nào?
- Tỉnh Phú Yên xác định để giữ vững phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tỉnh Phú Yên ngoài phát huy tốt nội lực thì việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để giới thiệu về tiềm năng, những triển vọng hợp tác đầu tư của Phú Yên đến với nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài là hết sức quan trọng.
Những năm qua, công tác thu hút đầu tư đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, nên đã mang lại nhiều kết quả phấn khởi. Tính đến nay, tổng số dự án xin đầu tư vào Phú Yên có 141 dự án (trong nước 108 dự án, nước ngoài 33 dự án đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ: Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Brunei, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Nga, Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất), đã có 21 dự án nước ngoài và 15 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư là 193 triệu USD và 509 tỉ đồng, hoàn thành đi vào hoạt động. Đáng chú ý trong 2 năm 2007-2008, Phú Yên đã cấp 2 giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án có quy mô lớn hàng tỉ USD, đó là dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô vốn đầu tư 1,7 tỉ đôla Mỹ và dự án Khu du lịch Liên hợp cao cấp 4,3 tỉ đôla Mỹ...
Đầu tư nước ngoài đã và đang tạo ra một số ngành công nghiệp mới, tăng thêm năng lực sản xuất cho ngành công nghiệp của tỉnh như: dầu khí, sản xuất hóa chất, lắp ráp ô tô... Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được nâng cao, thể hiện qua lĩnh vực đầu tư, mở rộng sản xuất, chuyển giao công nghệ tạo động lực, môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước.
Thực nghiệm các giống lúa cho năng suất, sản lượng cao. - Ảnh: L.MINH |
Để tiếp tục giữ vững thành tựu và phát huy hơn nữa công tác thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách mới, phù hợp với xu thế phát triển chung và đặc thù của tỉnh Phú Yên, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự ổn định... để nhà đầu tư làm ăn hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tích cực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư lập thủ tục và triển khai hoạt động đầu tư với thời gian ngắn nhất. Tạo điều kiện giải quyết việc cấp đất, đền bù giải phóng mặt bằng nhanh chóng, thuận lợi và giải quyết các khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư. Đối với các dự án lớn, UBND tỉnh Phú Yên sẽ đồng hành cùng với nhà đầu tư làm việc với các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh việc triển khai dự án đã đăng ký.
Với những kết quả đạt được trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh, những năm gần đây sẽ mở ra cho Phú Yên nhiều cơ hội mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Phú Yên sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi và chào đón các nhà đầu tư đến Phú Yên với tinh thần tin tưởng, hợp tác, phát triển và thành công.
* Xin cám ơn đồng chí!
KHÁNH LINH (thực hiện)