Thứ Năm, 28/11/2024 03:31 SA
Những năm tháng không thể nào quên
Thứ Tư, 28/07/2010 15:00 CH

Cứ đến ngày 1-8, ngày truyền thống của ngành Tuyên giáo (trước đây thường gọi là ngành Tuyên huấn), tôi lại bồi hồi nhớ lại một thời gian khá dài của cuộc đời mình gắn bó với công tác Tuyên huấn của Đảng, đó là những năm tháng không thể nào quên.

 

tuyengiao9100728.jpg

Đoàn Văn công tỉnh Phú Yên - một đơn vị xuất sắc trong công tác tuyên truyền thời kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: T.L

 

Năm 1965 từ miền Bắc, tôi về công tác ở Ban Tuyên huấn khu 5 (hồi đó gọi là Ban Tuyên huấn Trung Trung bộ) làm phóng viên ở bộ phận Thông tấn xã Giải phóng, tôi rất muốn về quê hương Phú Yên công tác nhưng không biết bằng cách nào để đạt được nguyện vọng của mình. Thật bất ngờ là một lần đi trực, sau khi nhận các công văn tài liệu do bên giao bưu chuyển cho thì đã quá trưa, tôi định dỡ hăng – gô cơm ra ăn rồi về thì gặp anh Sáu Suyền và cậu cần vụ cũng đang ăn cơm ở gốc cây gần bên. Lúc đó tôi đâu biết anh là ai, chỉ ngồi sát lại xin tí thức ăn của hai thầy trò. Sau khi biết tôi là người Phú Yên và biết nguyện vọng của tôi là được về tỉnh nhà công tác, anh Sáu cười cười nói: “Cậu cứ yên tâm công tác ở bên Tuyên huấn khu. Chỗ đó có nhiều anh giỏi, cậu cố học tập, trau dồi thêm nghề nghiệp”. Vậy mà, độ hơn một tháng sau tôi nhận được quyết định của Ban, do đồng chí Lê Sâm (tức Lê Trọng Khoan) Trưởng ban ký, điều động tôi về công tác ở Ban Tuyên huấn Phú Yên. Trên đường đi tôi lại gặp anh Sáu Suyền cũng trên đường về Phú Yên, nhận trách nhiệm Bí thư Tỉnh ủy, thay anh Nguyễn Phụng Minh về nhận nhiệm vụ Chánh Văn phòng khu ủy. Anh Sáu lại cười mỉm, không nói gì, nhưng tôi đoán là có ý kiến đề nghị của anh, nên anh Lê Trọng Khoan mới đồng ý cho tôi về Phú Yên, vì trước đó tôi có đề nghị nhưng Trưởng ban không đồng ý.

 

Tôi về Phú Yên trong lúc đế quốc Mỹ mở chiến dịch “5 mũi tên” nhằm giành thế chủ động trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Phú Yên hứng chịu một trong năm mũi tên đó. Giặc Mỹ đã gây cho đồng bào Tuy Hòa I  biết bao đau thương, tang tóc. Sau đó, chúng mở rộng chiến dịch đánh phá ra các huyện phía Bắc. Quân và dân Tuy Hòa, Tuy An, nén đau thương, đánh cho giặc Mỹ và bè lũ tay sai những đòn sấm sét, mà tiêu biểu nhất là trận chiến đấu trên địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân) tiêu diệt hàng ngàn tên địch, bắn rơi hàng chục máy bay.

 

Trong lúc khó khăn, Đảng bộ đặt công tác tư tưởng là một nhiệm vụ trọng tâm. Ban Tuyên huấn tỉnh vừa phải lo sản xuất tự túc một phần lương thực, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao. Tờ báo Giải phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng Phú Yên, vẫn cố gắng kịp thời truyền tải các chủ trương, ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy đến các cấp ủy cơ sở, biểu dương gương người tốt, việc tốt trên các mặt trận: Vũ trang, đấu tranh chính trị, binh, địch vận; vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược cứu nước, cứu nhà. Bộ phận trường Đảng vẫn tiếp tục mở các lớp chính trị sơ cấp cho cán bộ cơ sở, tiến lên mở lớp cho các huyện ủy viên (lúc đó không gọi là chương trình trung cấp chính trị). Đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy, dù bận nhiều việc vẫn đến giảng bài cho lớp. Ngoài phần lý luận cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, phần bài học từ thực tiễn được đặc biệt chú trọng. Bộ phận nhà in khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, bảo đảm in tờ báo Giải phóng và các ấn phẩm khác như truyền đơn, gương người tốt việc tốt… kịp thời gửi về cho cơ sở. Ngoài một số đồng chí trực ở Văn phòng ban, theo dõi ghi tin đọc chậm… các cán bộ của Ban chia nhau về cơ sở, bám đất bám dân, ngày tham gia chống càn, đêm đột nhập vào ấp, nơi tạm thời còn bị địch chiếm để gặp gỡ đồng bào, tuyên truyền giải thích các chủ trương chính sách của Mặt trận, củng cố niềm tin của quần chúng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hoặc len lỏi vào sát đồn bót địch rải truyền đơn, phát loa vận động kêu gọi ngụy quân đứng về phía nhân dân, không làm những việc có hại cho dân.

 

Công tác tư tưởng – văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng. Nhưng lực lượng nòng cốt là đội ngũ những người làm công tác chuyên trách, từ các đồng chí làm công tác tuyên truyền, báo chí, văn nghệ, giáo dục, lý luận chính trị đến các cán bộ nhân viên nhà in, diễn viên văn công, điện ảnh, các đội tuyên truyền vũ trang… Cùng với cả nước, những người làm công tác tư tưởng – văn hóa tỉnh Phú Yên chúng ta tự hào là đã làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của mình, xứng đáng với lòng tin của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Hàng chục đồng chí, cả đồng chí Trưởng ban Lương Thúc Mậu đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ. Theo thống kê chưa đầy đủ, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, số liệt sĩ của ngành Tuyên giáo có đến 84 người. Hàng chục đồng chí khác đang bị thương tật, hoặc các căn bệnh hiểm nghèo do hậu quả chiến tranh.

 

Ôn lại những gì ngành Tuyên giáo tỉnh nhà đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng trong hơn nửa thế kỷ qua, mỗi người chúng ta hôm nay nguyện phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, tiếp tục đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa,  vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

NGUYỄN BẰNG TÍN

Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek