Thứ Sáu, 29/11/2024 04:37 SA
Thắng địch bằng nghiệp vụ công an trong Đồng khởi Hòa Thịnh
Thứ Tư, 14/07/2010 11:00 SA

Cách đây 50 năm, ngày 22/12/1960, nhân dân Phú Yên, từ trong máu và nước mắt, trong đau thương và mất mát đã anh dũng đứng lên làm cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh oai hùng. Thắng lợi của Đồng khởi Hòa Thịnh đã mở đầu cho phong trào Đồng khởi ở đồng bằng Nam Trung Bộ, góp phần thổi bùng ngọn lửa truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên.

 

anh-dk100714.jpg

Đồng chí Nguyễn Duy Luân (bên phải) đang kể chuyện về Đồng khởi Hòa Thịnh với tác giả - Ảnh: K.PHƯỢNG

 

Đã 50 năm trôi qua nhưng ký ức về khí thế sục sôi của những đêm đồng khởi ở Hòa Thịnh vẫn còn in rõ trong trí nhớ của đồng chí Nguyễn Duy Luân – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Phú Khánh. Đồng chí nhớ lại…

 

QUYẾT ĐỊNH TÁO BẠO

 

Trong kháng chiến chống Pháp, Hòa Thịnh là căn cứ quan trọng của phong trào cách mạng ở Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa. Nơi đây có đường tiến quân từ Phong Niên sang Phú Thứ đến Dốc Mõ, là tuyến đường hành quân quan trọng phục vụ cho chiến trường Nam Trung Bộ, vì thời điểm này, địch đã án ngự ở đèo Cả. Ngay từ rất sớm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hòa Thịnh là địa phương có phong trào cách mạng phát triển mạnh, đặc biệt là phong trào đấu tranh chống đàn áp, khủng bố, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ thành quả cách mạng, chống trưng cầu dân ý của Ngô Đình Diệm, chống bầu cử quốc hội với nhiều hình thức liên tiếp diễn ra. Sau những cuộc đấu tranh này, địch tăng cường đàn áp, khủng bố, dùng chiến tranh tâm lý tuyên truyền, bêu riếu, nói xấu Cộng sản. Một số đảng viên bị bắt, trong đó có những cán bộ lãnh đạo của Huyện ủy Tuy Hòa 1. Dù phong trào cách mạng bị tổn thất khá nặng nhưng ngược lại, từ những hy sinh, mất mát đó, người dân hiểu rằng cách mạng vẫn luôn ở bên cạnh nhân dân, chiến đấu bảo vệ cuộc sống của nhân dân và nhân dân không quản hy sinh, tiếp tục ủng hộ, đùm bọc, chở che cán bộ cách mạng, ngày càng tin tưởng hơn vào thắng lợi của các phong trào cách mạng.

 

Năm 1959, Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng ra đời đã xác định đường lối, phương châm, phương pháp cách mạng cho miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết đáp ứng nguyện vọng của quần chúng, là một bước ngoặt về đường lối cách mạng ở miền Nam. Nghị quyết đến với đồng bào miền Nam như nắng hạn gặp mưa rào. Về phương châm đấu tranh, Nghị quyết Khu ủy khu V nêu rõ: “Nắm vững hình thức đấu tranh chính trị là chủ yếu, đồng thời kết hợp với hình thức đấu tranh vũ trang để hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh chính trị”. Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra đời như một luồng gió mới tiếp thêm sức mạnh cho phong trào cách mạng Hòa Thịnh lên cao hơn bao giờ hết. Để tiến hành Nghị quyết 15, mở đầu cho phong trào đồng khởi ở đồng bằng khu V, Tỉnh ủy Phú Yên đã quyết định chọn Hòa Thịnh làm nơi đầu tiên tiến hành đồng khởi. Theo đó, sẽ tiến hành đồng khởi bằng con đường bạo lực cách mạng, kết hợp sức mạnh chính trị của quần chúng và sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang đánh địch tại chỗ, đập tan bộ máy ngụy quân, ngụy quyền của Mỹ - Diệm, giành chính quyền về tay nhân dân. Vì là nơi đầu tiên tiến hành nên yêu cầu đặt ra là “đồng khởi” phải giành thắng lợi hoàn toàn, đạt được các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế và đưa lực lượng thanh niên thoát ly để xây dựng quân đội, hạn chế thấp nhất đổ máu, tổn thất của nhân dân. Sau đồng khởi, vẫn giữ được thế hợp pháp cho nhân dân để duy trì phong trào cách mạng, bảo vệ căn cứ cách mạng của Huyện ủy Tuy Hòa đóng tại Hòa Thịnh. Trong thời gian này, địch vẫn tăng cường đàn áp, khủng bố, nhất là với Luật 10/59, chúng lê máy chém đi khắp nơi hòng đàn áp, tiêu diệt tận gốc phong trào cách mạng.

 

Tại Hòa Thịnh, địch có đầy đủ một bộ máy cai trị hoàn chỉnh, có một trung đội dân vệ và một đại đội bảo an rất gian ác do tên đại úy Châu khét tiếng tàn ác làm đại đội trưởng. Hắn đã từng ăn gan, uống máu của nhiều chiến sĩ cách mạng ở Hòa Thịnh. Bọn tề ngụy, ác ôn, cảnh sát, mật vụ, do thám lúc nào cũng có mặt ngay trong xã. Trong khi đó, muốn tiến hành đồng khởi phải tập hợp hàng ngàn người dân. Ta thì chỉ có một đội vũ trang cơ sở với năm, ba cây súng và một ít đạn. Thời gian chuẩn bị cho đồng khởi lại rất ngắn. Trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp đó, muốn tiến hành đồng khởi giành thắng lợi hoàn toàn thì phải nắm chắc địch. Do vậy, công tác nắm tình hình địch trở thành vấn đề quan trọng, cấp bách, được đặt lên hàng đầu.

 

Thời gian này, đồng chí Nguyễn Duy Luân với chức vụ Thường vụ Huyện ủy được Huyện ủy Tuy Hòa phân công về Hòa Thịnh trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra việc chuẩn bị về vật chất và tổ chức lực lượng đảng viên, thanh niên, phụ nữ, nông dân, phụ lão… để phục vụ cho đồng khởi. Sau một thời gian chuẩn bị, các mặt công tác khác để tiến hành đồng khởi đã sẵn sàng nhưng ta vẫn chưa thể tiến hành đồng khởi vì vẫn chưa nắm chắc được tình hình địch. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác, chiến đấu trong lực lượng công an, qua phân tích, đánh giá tình hình thực tế, đồng chí Nguyễn Duy Luân đã sử dụng nghiệp vụ của ngành công an để nắm tình hình địch, mà vấn đề cấp bách đầu tiên là tập trung xây dựng cơ sở nội tuyến của ta trong hàng ngũ địch. Cơ sở này vừa phải có chức vụ trong hàng ngũ địch thì mới có thể hiểu rõ về tình hình địch, vừa phải là người tốt, có lịch sử rõ ràng, có tình cảm tốt đẹp đối với cách mạng thì mới có thể tin tưởng được.

 

XÂY DỰNG CƠ SỞ NỘI TUYẾN

 

Qua phân tích, đánh giá, đồng chí Nguyễn Duy Luân nhận thấy Đào Công Văn – Cảnh sát trưởng, trung đội trưởng trung đội dân vệ xã Hòa Thịnh là người có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này. Đào Công Văn vốn là bộ đội Nam tiến, năm 18 tuổi đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Khánh Hòa. Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Đào Công Văn thuộc diện được tập kết ra Bắc nhưng vẫn ở lại Phú Yên vì có vợ ở đây. Sau khi địch vào tiếp quản Hòa Thịnh, biết Đào Công Văn có kiến thức về quân sự nên địch đã chọn Văn làm cảnh sát trưởng, trung đội trưởng trung đội dân vệ. Mặc dù có chức quyền, có vũ khí trong tay nhưng Đào Công Văn chỉ tập trung làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự, không tác oai, tác quái, gây nợ máu với người dân, cũng không nói xấu cách mạng, không hà hiếp lính. Khi địch bắt tra tấn chiến sĩ cách mạng thì Đào Công Văn tìm lý do để lảng tránh đi nơi khác.

 

Biết rõ Đào Công Văn là người tốt nhưng làm thế nào để liên lạc và xây dựng Đào Công Văn thành cơ sở của ta khi mà Văn đang là trung đội trưởng trung đội dân vệ, lúc nào cũng có vũ khí và lính bên mình; và quan trọng hơn là liên lạc thế nào để  không bị địch chú ý, phát hiện. Qua rà soát các mối quan hệ của Đào Công Văn, được biết Văn không có họ hàng gì ở Hòa Thịnh, ta chuyển hướng điều tra các mối quan hệ phía vợ Đào Công Văn. Vợ của Đào Công Văn họ Võ, là một dòng họ lớn ở Hòa Thịnh, có nhiều người tham gia cách mạng, tập kết ra Bắc và tham gia cách mạng tại địa phương, nhưng đồng thời cũng có nhiều người tham gia các đảng phái phản động, tề ngụy. Phân tích, đánh giá để lựa chọn một người giúp cách mạng liên lạc với Đào Công Văn không phải là chuyện dễ dàng. Nếu không đơn tuyến, bí mật, có bản lĩnh vững vàng và có cảm tình với cách mạng thì sẽ lộ bí mật, làm hỏng việc lớn.

 

Rà soát, đánh giá các mối quan hệ, ta thấy nổi lên có bà Võ Thị Huê (thường gọi là cô Ba Thạch), có họ hàng bên phía vợ của Đào Công Văn. Trước đây, bà Huê là cơ sở của Việt Minh trong khởi nghĩa ở khu Đồng Bò, là mẹ của binh sĩ, rất thương người, hay giúp đỡ bà con trong thôn xóm và một số gia đình cán bộ, bộ đội ở Khánh Hòa tản cư ra Hòa Thịnh gặp khó khăn, hoạn nạn. Bà Huê có một cô con gái là Võ Thị Cẩm Thạch. Trong kháng chiến chống Pháp, cô Thạch là hội trưởng hội phụ nữ xã Hòa Thịnh, là đảng viên, tham gia vào Ban Chấp hành Hội phụ nữ huyện, là người xinh đẹp và chưa có chồng. Cô Thạch thuộc diện được tập kết ra Bắc nhưng vì có mẹ già nên ở lại quê hương. Vì là người có nhan sắc nên khi Mỹ - Diệm tiếp quản Hòa Thịnh, hầu hết những tên hành chánh đến chỉ huy quân đội của địch đều đến ve vãn, o bế cô Thạch. Đến khi tên đại úy Châu làm đại đội trưởng đại đội bảo an, vì say mê sắc đẹp của cô Thạch và cậy quyền thế, hắn đã ép cô lấy hắn làm vợ và ở luôn  tại nhà cô Thạch. Tên đại úy Châu là một tên ác ôn khét tiếng, hằng ngày hắn bắt những người là cơ sở cách mạng hoặc cán bộ của ta đến nhà cô Thạch tra tấn, đánh đập, do vậy, không ai dám liên lạc và gần gũi với mẹ con cô Thạch.

 

Thời gian gấp rút phải tiến hành đồng khởi ngay không cho phép chần chừ. Tuy nhiên, nếu không thận trọng thì đồng khởi cũng sẽ khó mà thành công được. Trong năm 1946, với chức vụ là Phó Bí thư chi bộ, Phó Chủ nhiệm Việt Minh xã Hòa Thịnh, đồng chí Nguyễn Duy Luân có quen biết hai mẹ con cô Huê, biết rõ hai người là người tốt, nhưng để thận trọng, đồng chí còn tìm hiểu, điều tra thêm về mẹ con bà Huê. Qua nắm tình hình các chi bộ đảng và dò hỏi những cán bộ, chiến sĩ của ta bị tên Châu bắt đưa đến nhà cô Thạch để tra tấn, đánh đập, sau đó được thả ra thì được biết, mặc dù ở chung nhà và mang tiếng là mẹ vợ của tên ác ôn khét tiếng, bà Huê vẫn rất tốt bụng. Khi thấy những chiến sĩ, cơ sở cách mạng bị tra tấn, đánh đập, bà tỏ ra thương cảm, lén thoa dầu cho họ, có khi còn lén cho ăn cơm, uống nước. Biết chắc bà Huê vẫn một lòng một dạ với cách mạng, đồng chí Nguyễn Duy Luân quyết định tổ chức người đưa thư cho bà Huê hẹn gặp mặt. Vợ đồng chí Năm Lợi (một cơ sở cách mạng của ta có quen biết với bà Huê) mang thư của đồng chí Nguyễn Duy Luân đưa người chị dâu của mình cũng là họ Võ, rồi nhờ người này đưa cho bà Huê. Nhận được thư, mặc dù đang đi chợ, nhưng khi đọc được chữ của người quen cũ, bà Huê lộ rõ vẻ vui mừng và xăn quần, xăm xăm băng đồng đi đến nơi hẹn. Trời tháng 10 đổ mưa, đường sá lầy lội, quãng đường từ chợ đến nhà Năm Lợi – địa điểm hẹn gặp - rất xa. Trời đã trưa nhưng bà vẫn hồ hởi, mong sớm được gặp lại người quen. Khi bà Huê đến nơi hẹn, cẩn thận quan sát và chờ cho bà Huê rửa chân, rửa mặt xong, cả gia đình đồng chí Năm Lợi ra ngoài cảnh giới, đồng chí Nguyễn Duy Luân mới từ trên gác nhà bước xuống. Gặp lại người quen, bà Huê mừng rỡ ôm chầm lấy đồng chí Nguyễn Duy Luân khóc nức nở. Sau khi động viên, ổn định tư tưởng và hỏi thăm việc làm ăn, đồng chí Nguyễn Duy Luân hỏi về thái độ của cô con gái Võ Thị Cẩm Thạch.

 

Bà Huê cho biết, mặc dù đã có con với tên đại úy Châu nhưng cô Thạch vẫn một lòng với cách mạng, những việc bà lén thoa dầu, cho những chiến sĩ cách mạng ăn cơm, uống nước cô Thạch đều biết nhưng đều không phàn nàn gì, và cũng không bao giờ nói xấu cách mạng. “Tôi biết bụng con tôi nó tốt, nhưng nó không thoát khỏi tên Châu được” – bà Huê cho biết thêm. Đồng chí Nguyễn Duy Luân lại hỏi thăm về Đào Công Văn và đề nghị bà Huê ngay trong buổi chiều hôm đó đưa giúp một lá thư cho Đào Công Văn (lúc này tên đại úy Châu không có mặt ở Hòa Thịnh), đồng thời đề nghị không cho cô Thạch biết việc này. Bà Huê vui vẻ nhận lời, nói: “Tôi sợ gì mà không dám đưa. Nếu nó phản tôi thì tôi ra tay trước. Nói vậy thôi chứ Văn nó tốt, tôi biết”. Ngụy trang là một lá thư thăm hỏi thông thường, trong thư, đồng chí Nguyễn Duy Luân kêu gọi Đào Công Văn phát huy tinh thần dân tộc và những việc làm tốt lâu nay, đồng thời hẹn tối đêm hôm đó sẽ gặp tại gò Mả Vôi ở Mỹ Phú để bàn một việc lớn có liên quan đến cuộc đời của Đào Công Văn. Ám hiệu để nhận mặt là một miếng bè chuối màu trắng đặt trên mả vôi và ba tiếng cú kêu. Trong thư, đồng chí Luân cũng yêu cầu Đào Công Văn đi một mình, không mang theo vũ khí. Đến chiều, liên lạc lại với bà Huê thì được biết Đào Công Văn đã nhận và đọc thư với thái độ vui vẻ.

 

ĐỒNG KHỞI THẮNG LỢI

 

Đến tối, đồng chí Nguyễn Duy Luân bí mật đến gò Mả Vôi sớm hơn giờ hẹn, nấp vào một bụi rậm để quan sát. Đúng giờ, Đào Công Văn trong trang phục pyjama đến điểm hẹn. Từ xa, đồng chí Nguyễn Duy Luân quan sát thấy Đào Công Văn làm theo đúng như trong thư đã dặn, đi một mình và không mang theo vũ khí. Để thử thách, đồng chí Nguyễn Duy Luân không ra gặp ngay. Đào Công Văn đến chỗ mả vôi tìm kiếm không thấy có bẹ chuối nên trở về. Biết rõ Đào Công Văn là người tốt, sáng hôm sau, đồng chí Nguyễn Duy Luân viết một bức thư với nội dung xin lỗi Đào Công Văn vì khi đêm gặp trở ngại không đến được, hẹn tối hôm nay sẽ gặp nhau với ám hiệu như đã hẹn lần trước và nhờ bà Huê trao giúp bức thư. Tối hôm đó, tại điểm hẹn cũ, đồng chí Nguyễn Duy Luân và Đào Công Văn gặp nhau rồi chuyển ngay đến một địa điểm khác cách đó khoảng vài trăm mét để bàn chuyện. Khi đồng chí Nguyễn Duy Luân hỏi Văn có quyết tâm theo cách mạng không thì Văn tỏ rõ quyết tâm. Sau khi trao đổi nhiều vấn đề, đồng chí Luân hỏi thăm về tình hình địch, nhất là tình hình đại đội bảo an của tên đại úy Châu, đề nghị Đào Công Văn cho biết khi nào thì đại đội này không có mặt ở Hòa Thịnh. Đồng thời yêu cầu Đào Công Văn họp trung đội dân vệ lại và thu vũ khí cho vào kho để kiểm tra khi cách mạng có yêu cầu, thời gian cụ thể sẽ thông báo sau thì Đào Công Văn đều đồng ý. Hai người thống nhất liên lạc qua một hộp thư ở gần Mả Vôi và đặt ám hiệu lên trên để nhận biết. Trước khi ra về, đồng chí Nguyễn Duy Luân không quên nhắc nhở Đào Công Văn, nếu bà Huê hỏi về việc gặp gỡ tối hôm đó thì nói là do sợ nên không đi gặp nhằm ngăn cách giữa hai cơ sở, đảm bảo tính bí mật, đơn tuyến. Tối ngày 19/12/1960, đồng chí Nguyễn Duy Luân viết thư cho Đào Công Văn hẹn tối ngày 22/12/1960 cho tập trung đội dân vệ và thu vũ khí của chúng cho vào kho để kiểm tra.

 

Đúng như kế hoạch đã định, vào 19g ngày 22/12/1960, các lực lượng tham gia đồng khởi hành quân tập trung về thôn Mỹ Phú, đến gò Mả Vôi để liên lạc với hộp thư nội tuyến. Sau khi nắm chắc tình hình, biết rõ đại đội bảo an của tên đại úy Châu đang hành quân ở Hòa Mỹ, ba cánh quân chia làm ba mũi xuất phát. Mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Khi lực lượng của ta tiến vào thì Đào Công Văn đã cho bọn dân vệ tập trung súng ở trụ sở chính quyền ngụy rồi cho đi đánh bạc tự do, uống rượu say. Khi ta tiến công đánh vào, trung đội dân vệ hoảng hốt bỏ chạy, một số đầu hàng. Tên Ngọc – trung đội phó – có nhiều nợ máu với nhân dân, ngoan cố chống lại bị bắn chết tại chỗ. Ta vừa cho nổ vài phát súng vừa cho đốt những khoanh pháo giả tiếng nổ của lựu đạn và tiểu liên để uy hiếp. Ta tiếp tục truy lùng bắt số bỏ chạy và thu toàn bộ vũ khí trang bị ngay cho ta. Trong số bị bắt có cả Đào Công Văn, sau đó ta thả cho Văn chạy thoát để tránh sự nghi ngờ của địch. Ta phân công lực lượng canh gác và trang trí sân khấu, chuẩn bị cho cuộc mít tinh. Dưới ánh sáng của những ngọn đèn măng xông thắp sáng cả một góc làng. Sân khấu được trang hoàng cờ đỏ, sao vàng, hàng ngàn quần chúng tập trung tại sân trụ sở. Đồng chí Lê Xuân Mai – Bí thư Huyện ủy đã vạch tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, kêu gọi toàn thể quần chúng nhân dân đứng lên đánh đổ ngụy quyền Sài Gòn của Ngô Đình Diệm, đưa tên Tin – Phó đại diện xã và một số tên ác ôn khác ra cảnh cáo trước sự chứng kiến của nhân dân. Bọn chúng thú tội, xin tha tội chết, hứa không bao giờ làm tay sai cho địch, tự nguyện giao nộp vũ khí. Cách mạng tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền tay sai của địch. Nhân dân hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn bù nhìn tay sai! Cách mạng miền Nam Việt Nam nhất định thắng lợi! Nhân dân xã Hòa Thịnh hãy đứng lên tự giải phóng cho mình”. Hơn bốn chục thanh niên ùa lên khán đài xin thoát ly gia nhập vào quân giải phóng.

 

Đến nay, dù đã 50 năm trôi qua nhưng những đêm rực lửa Hòa Thịnh vẫn mãi là niềm tự hào, là dấu son chói lọi trong trang sử vàng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên. Đồng chí Nguyễn Duy Luân khẳng định: “Trong số những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Đồng khởi Hòa Thịnh có phần quan trọng của các biện pháp nghiệp vụ công an. Chính nhờ những năm tháng sống, công tác, chiến đấu trong lực lượng công an nên tôi nắm vững nghiệp vụ của ngành để áp dụng một cách thành công, góp phần làm nên thắng lợi của Đồng khởi Hòa Thịnh”.

 

HOA SIÊM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek