Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Singapore Seah Kian Peng và Phu nhân, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Singapore và Nhật Bản từ ngày 1-7/12/2024.
Chuyến thăm chính thức Singapore và Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm hiện thực hóa đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên kênh nghị viện giữa Quốc hội ta với Quốc hội Singapore, Nghị viện Nhật bản đi vào thực chất và bền vững, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore, cụ thể hóa nội hàm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam với Singapore, Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.
Nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Singapore
Singapore là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong khu vực. Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2024) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (2013-2024), quan hệ Việt Nam - Singapore không ngừng phát triển, đạt nhiều dấu mốc quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân.
Hai nước tiếp tục duy trì hiệu quả, thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp cũng như cơ chế hợp tác. Nổi bật là chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân (tháng 2/2023), chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và phu nhân (tháng 8/2023).
Thông qua các chuyến thăm, hai bên đã ký kết và nhất trí triển khai thỏa thuận về thiết lập quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh, tạo tiền đề triển khai hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, tài chính xanh, mua bán năng lượng sạch, ứng phó biến đổi khí hậu...; nhất trí thúc đẩy nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp.
Về kinh tế, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Singapore đạt 7,6 tỉ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023. Singapore là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam trong ASEAN với hơn 3.800 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư lũy kế hơn 81 tỉ USD. Singapore hiện đang đứng thứ 2/145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam (18/21 ngành) tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, dẫn đầu là Thành phố Hồ Chí Minh (19,3%), Hà Nội đứng thứ 2 (10,8%), thứ 3 là Bắc Ninh (7,6%), tiếp đó là Bình Dương (thủ phủ của VSIP), Long An, Quảng Nam... Mạng lưới các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế thành công giữa hai nước.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 153 dự án đầu tư sang Singapore còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 690 triệu USD (đứng thứ 10/80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam), tập trung vào lĩnh vực khoa học, công nghệ; bán buôn, bán lẻ; thông tin, truyền thông; bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Hợp tác về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, quốc phòng - an ninh, du lịch... là điểm sáng trong quan hệ song phương. Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore hiện có khoảng 25.000 người; là cộng đồng trí thức, tuân thủ tốt luật pháp sở tại, hướng về quê hương đất nước.
Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Singapore những năm qua tiếp tục được duy trì và phát triển tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương. Trên phương diện song phương, hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, giữa các ủy ban chuyên môn, các nghị sĩ Quốc hội.
Mới đây trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-45 tại Lào (tháng 10/2024), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Quốc hội Singapore Seah Kian Peng; trao đổi về hợp tác song phương trên tất cả các kênh các lĩnh vực và hai Cơ quan lập pháp; nhất trí tăng cường hợp tác, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, phối hợp ủng hộ lập trường của nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới; đưa quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong thời gian thích hợp.
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất
Thiết lập quan hệ từ năm 1973 đến nay, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là cặp quan hệ điển hình cho thành công trong hợp tác song phương của Việt Nam với các đối tác. Hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới (năm 2023).
Quan hệ hai nước thời gian qua đã có những bước phát triển về chất và đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất với mức độ tin cậy chính trị cao. Việc trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao diễn ra thường xuyên và mật thiết trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội.
Về hợp tác kinh tế - thương mại, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ 2, nhà đầu tư lớn thứ 3, đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Tính đến hết tháng 8/2024, Nhật Bản có 5.417 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 79,3 tỉ USD, đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và Singapore trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về thương mại, 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 30,47 tỉ USD, tăng 5,07% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 16,1 tỉ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 14,37 tỉ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 110 văn bản hợp tác, trong đó các cặp quan hệ tiêu biểu như Thành phố Hồ Chí Minh - Osaka, Nagano; Hà Nội - Fukuoka, Tokyo; Đà Nẵng - Sakai, Yokohama; Phú Thọ - Nara; Huế - Kyoto; Quảng Nam - Nagasaki; Hưng Yên - Kanagawa; Hải Phòng - Niigata.
Giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân và hợp tác nguồn nhân lực ngày càng mật thiết và hiệu quả. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt gần 600.000 người; sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Nhật Bản, trong đó chủ yếu tập trung tại Aichi, Tokyo, Osaka, Saitama, Chiba, khu vực Kyushu.
Cùng với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” giữa Việt Nam và Nhật Bản, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Nhật Bản thời gian qua không ngừng được củng cố và phát triển tốt dẹp.
Tiêu biểu, trên phương diện song phương, hai bên thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trao đổi kinh nghiệm giữa các Ủy ban chuyên môn và các nghị sĩ, góp phần thiết thực vào việc triển khai và thúc đẩy các thỏa thuận của hai nước, tạo sự lan tỏa và hỗ trợ hoạt động của Chính phủ, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, bảo đảm hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản...
Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ba cơ quan lập pháp
Hợp tác nghị viện là một kênh quan trọng trong tổng thể quan hệ đối tác, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với Singapore và Nhật Bản. Thời gian qua, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Singapore, Thượng viện Nhật Bản phát triển rất tốt đẹp trong cả khuôn khổ song phương và đa phương. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội được lãnh đạo hai nước đặc biệt coi trọng và đánh giá cao, chỉ đạo các cơ quan hai bên phối hợp rất tích cực và chuẩn bị chu đáo về chương trình, nội dung.
Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà tin tưởng rằng, với chương trình tiếp xúc và các mục tiêu đã đề ra, chuyến thăm chính thức Singapore và Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ba cơ quan lập pháp, thông qua việc đẩy mạnh trao đổi đoàn, triển khai hoạt động hợp tác giữa các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Việt Nam với nghị sĩ Singapore, Nhật Bản, nghị sĩ trẻ, nữ nghị sĩ; phát huy vai trò cầu nối quan trọng của Liên minh Nghị sĩ hữu nghị và các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị trong việc thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác doanh nghiệp và hợp tác giữa các địa phương; phát huy vai trò quan trọng của ba cơ quan lập pháp trong thúc đẩy giám sát việc triển khai hiệu quả các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận đã ký kết; phối hợp hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH, hỗ trợ doanh nghiệp ba nước mở rộng hợp tác, đầu tư tại mỗi nước; tăng cường phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức đa phương và diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới (IPU, AIPA, ARF, APPF, ASEP...).
"Đặc biệt, với Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản được ký nhân chuyến thăm, sẽ góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới", phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước", Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà nhấn mạnh.
Với các cuộc làm việc, trao đổi thực chất, sự tham gia tích cực của lãnh đạo các địa phương của Việt Nam, Singapore và Nhật Bản, Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà tin tưởng rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao song phương giữa Việt Nam với Singapore và Nhật Bản mà còn tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Singapore và Nhật Bản, mang lại những lợi ích cụ thể cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp của ba quốc gia.
Theo TTXVN/Vietnam+