Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 24/11 tại thủ đô Phnom Penh, trước khi khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các Trưởng đoàn đã chào xã giao Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen; Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary, Chủ tịch Phiên họp lần thứ 11 của IPTP và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen chào mừng các Trưởng đoàn đến tham dự Phiên họp lần thứ 11 của IPTP do nước này đăng cai tổ chức; chào mừng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam tham dự phiên họp.
Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh, Campuchia đặt ra nhiều mục tiêu phát triển đất nước, trong đó, đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, năm 2050 trở thành nước có thu nhập cao và sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu này.
Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen cho biết trong Phiên họp thứ 11 của IPTP sẽ có bài phát biểu về kinh nghiệm phát triển của Campuchia nhằm tăng cường sự hiểu biết và bao dung.
IPTP là một cơ chế thuộc Hội đồng toàn cầu về Khoan dung và Hòa bình (GCTP). Đây là tổ chức quốc tế do ông Ahmed Bin Mohamed Aljarwan, Nhà ngoại giao Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Chủ tịch đương nhiệm GCTP, thành lập vào năm 2017 với mục đích thúc đẩy văn hóa hòa bình, chống lại sự phân biệt và bạo lực cực đoan.
Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của IPTP có sự tham dự của gần 200 đại biểu là lãnh đạo nghị viện, nghị sĩ các nước và các tổ chức nghị viện khu vực, thế giới đến từ 58 nghị viện thành viên và nghị viện khách mời, đối tác.
Phiên họp dự kiến sẽ thông qua "Tuyên bố Phnom Penh về ủng hộ Hiến chương hòa bình vì con người và hành tinh trong việc tìm kiếm hòa bình, bao dung và hòa giải" và Kỷ niệm Hiến chương hòa bình thế giới.
Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên họp với tư cách khách mời của nước chủ nhà nhằm thể hiện sự ủng hộ và thiện chí đối với Campuchia, nhất là trong nhiệm kỳ Campuchia là Chủ tịch IPTP; đồng thời qua đó góp phần tăng cường củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai Quốc hội nói riêng và hai nước nói chung.
Tại IPTP 11, Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ có bài phát biểu quan trọng thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam về việc tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, là phương cách văn minh nhất để ngăn ngừa chiến tranh, xung đột.
Theo TTXVN/Vietnam+