Bến Vũng Rô là nơi chứng chiến kỳ tích đón 3 chuyến tàu Không số bí mật cập bến an toàn. Góp phần làm nên thắng lợi này là sự mưu trí, dũng cảm của Thuyền trưởng tàu 41 Hồ Đắc Thạnh và Bến trưởng Vũng Rô, Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền.
Bí thư Tỉnh ủy, Bến trưởng Vũng Rô tài năng, đức độ
Nhắc đến tên Trần Suyền, những người con Phú Yên đều biết đến ông với tư cách là một Bí thư Tỉnh ủy tài năng, đức độ đã lãnh đạo Đảng bộ, quân và dân Phú Yên (giai đoạn 1961-1973) trong thời kháng chiến chống Mỹ. Trước đó, ông là một trong những trí thức hiếm hoi của Phú Yên đậu tú tài Tây, rồi tiếp tục học bậc đại học ở Trường cao đẳng Canh nông Đông Dương. Tháng 4/1945 đang là sinh viên năm thứ ba, kháng chiến bùng lên, ông trở về quê tham gia và lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Trước ngày lập nước 2/9/1945, đồng chí Trần Suyền là Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời phủ Tuy Hòa. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Trần Suyền đảm nhiệm nhiều vị trí công tác, giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy từ năm 1961-1973. Năm 1964-1965, đồng chí Trần Suyền được Khu ủy 5 điều động đảm nhận Ủy viên Thường trực liên Tỉnh ủy 3 (Phú Yên - Khánh Hòa, Đắk Lắk).
Cuối năm 1964, chiến trường Phú Yên vô cùng ác liệt. Lúc này, tuyến chi viện ở Trường Sơn được xây dựng đến Quảng Nam để vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện. Ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk bị ngăn cách bởi các đường 19, 21, 14 và đường 7 nên mỗi lần bộ đội, dân công đi nhận hàng mất từ 1-3 tháng. Số vũ khí đạn dược mang về không được bao nhiêu, nhưng nhiều hy sinh tổn thất.
Trước tình hình đó, Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền báo cáo khẩn thiết xin trung ương chi viện vũ khí, hàng hóa, thuốc men cho Phú Yên mở các trận đánh giải phóng đồng bằng; đồng thời cử các đồng chí Lê Kim Tự, Nguyễn Thanh Xuân, Trần Kim Huyền, Ngô Dầu, Trần Mỹ Thành, Phạm Dợn... vượt Trường Sơn ra Bắc xin vũ khí và được điều về lực lượng Hải quân để chuẩn bị đưa vũ khí về.
Được trung ương đồng ý, việc của địa phương là chuẩn bị bến bãi đón tàu. Một lần nữa, Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết định táo bạo khi chọn Vũng Rô để mở bến.
Trong hồi ký “Tàu vào Vũng Rô” (Trần Suyền, Nguyễn Phụng Minh), ghi lại cuộc họp chọn địa điểm mở bến, và quyết định táo bạo, quyết đoán của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền. Cũng chính ông, thay mặt liên Tỉnh ủy 3, Tỉnh ủy Phú Yên nhận nhiệm vụ tổ chức bến, hành lang để đón tàu và tiếp nhận, cất giấu, vận chuyển hàng.
Với đồng chí, đồng đội, Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền là một thủ trưởng vô cùng giản dị, yêu thương và luôn có tầm nhìn xa, rộng. Khi ông đậu tú tài Tây đầu tiên, Tri phủ Tuy Hòa huy động người dân mang võng lọng đón rước “vinh quy bái tổ”, nhưng ông Tú Suyền nhã nhặn từ chối. Ở chiến khu, anh chị em bắt được nhiều cua suối để cải thiện, ông kiểm tra chỉ giữ lại những con đực, còn cua cái và cua con cho thả lại suối để nó sinh sản. Dọc đường hành quân, nhổ củ sắn ăn, ông yêu cầu anh em phải giữ hom trồng lại ngay để người sau còn có dùng… “Thực phẩm trong tự nhiên cũng có hạn, cuộc chiến còn dài, nếu không tiết kiệm, đến một lúc nào đó cũng không còn”, ông bảo.
Đồng chí Trần Suyền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, lãnh đạo tỉnh và thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh thăm di tích chiến trường xưa - Bến Vũng Rô năm 1992. Từ trái sang: Đồng chí Trần Suyền, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; đồng chí Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh; hai đồng chí Văn phòng Tỉnh ủy và đại diện bến Vũng Rô. Ảnh: HĐT |
Một đời lừng lẫy “rạch biển Đông cứu sơn hà”
Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh như sinh ra để trở thành bộ đội Hải quân, làm thuyền trưởng. Khi tuổi còn rất nhỏ, ông đã được cha cho theo những chuyến ghe bầu từ Tuy Hòa đi các tỉnh để mua cá, bán mắm. Những lần đó, ông được cha dạy cho cách nhìn sao đoán trời, đoán hướng gió. Chính những kiến thức thiên văn bằng kinh nghiệm đó sau này rất hữu ích khi ông trở thành thuyền trưởng của những chuyến tàu Không số chở vũ khí từ miền Bắc tiếp viện cho chiến trường miền Nam.
Năm 16 tuổi (tháng 8/1950), Hồ Đắc Thạnh chính thức trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn; trở thành lính bộ binh, Đại đội 3, Tiểu đoàn 375. Tiểu đoàn 375 đã tổ chức đánh 22 trận lớn nhỏ, trong 146 ngày đêm (20/2/1954-20/7/1954), góp phần quan trọng đánh tan chiến dịch Át-lăng, chia lửa cho chiến trường chính Điện Biên Phủ.
Cuối năm 1958, Hồ Đắc Thạnh được lệnh điều về Quân chủng Hải quân, trở về với biển. Ông được đào tạo bài bản trở thành thuyền trưởng.
Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy tổng cộng 12 chuyến tàu Không số vào Nam, đồng nghĩa với 12 lần ăn bữa cơm chia tay và uống ly rượu tiễn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước khi xuống thuyền “rạch biển Đông cứu sơn hà”. Trong đó có 3 chuyến tàu vào bến Vũng Rô an toàn.
Ông không thể quên được cảm xúc chuyến tàu đầu tiên cập được bến Vũng Rô gặp lại người cùng quê tiếng Nẫu thân thương đến lạ. Thuyền trưởng siết chặt tay đồng chí bến trưởng màlòng không cầm được nước mắt. Không ngờ anh Sáu Râu lại chính là đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy ở cách nhà mình khoảng 30 phút đi xe đạp.
Hồi tưởng những chuyến tàu Không số vào Nam, người thuyền trưởng già Hồ Đắc Thạnh vẫn nhớ như in từng chuyến một, những kỷ niệm, câu chuyện xưa cứ thế ùa về. Đó là câu chuyện, lần đầu trong vai trò kiến tập làm thuyền trưởng đã cập bến Cà Mau thành công nhờ biết vận dụng kinh nghiệm của người dân địa phương. Đó là câu chuyện cứu tàu mắc cạn ở Hoàng Sa và thành công đưa tàu cập bến tạo nên chiến công kép, được tặng ngay Huân chương Chiến công. Hay câu chuyện chuyến tàu đi một vòng qua các nước Philippines, Indonesia, Malaysia trong sự “hộ tống” của tàu chiến và máy bay của địch. Chuyện đưa 3 chuyến tàu cập bến Vũng Rô quê nhà thì càng không thể nào quên…
Trò chuyện với Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, chúng tôi hỏi: Thưa bác, trong cuộc đời làm thuyền trưởng của mình, đâu là quyết định khó khăn nhất?
Người thuyền trưởng già có đôi mắt tinh anh, quả quyết: Có rất nhiều quyết định trong cuộc đời làm thuyền trưởng của mình, tôi vẫn thấy quyết định cho tàu ở lại bến Vũng Rô trong chuyến tàu đêm 28/11/1964 là quyết định khó khăn và đúng đắn nhất.
Lệnh trên yêu cầu 3 giờ sáng tàu phải rời bến để đảm bảo an toàn. Trong chuyến hàng đầu tiên, bến không hình dung tàu lớn, hàng nhiều nên lực lượng chuẩn bị không kịp bốc dỡ. Nếu đêm nay ra hải phận quốc tế, liệu đêm mai có vào được không. Chi bằng lợi dụng địa hình Vũng Rô cho tàu ngụy trang để đêm sau anh em tiếp tục bốc hàng?
Rất nhiều ý kiến phân tích trái chiều, là thuyền trưởng, lúc này tôi nhớ lại chỉ lệnh giao nhiệm vụ của cấp trên: “Cho phép chi ủy - chi bộ và cán bộ tàu tùy tình hình cụ thể mà quyết định và chịu trách nhiệm trước cấp trên”. Và tôi quyết định chuyển bức điện cuối cùng với nội dung: “Tàu ở lại bến bốc hàng xong tối mai ra”, kết thúc liên lạc với Sở chỉ huy.
Đây là một quyết định mạo hiểm và táo bạo, bởi nếu tàu bị địch phát hiện, chẳng những cán bộ thủy thủ tàu hy sinh, mà lực lượng bến cũng tổn thất, con đường vận chuyển chi viện chiến trường trên biển Đông bấy lâu ta kỳ công gìn giữ nay không còn bí mật nữa.
***
Nếu như không có sự tính toán và quyết đoán của Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền khi quyết định táo bạo chọn Vũng Rô để mở bến thì sẽ không thể có số lượng lớn vũ khí để chi viện cho chiến trường Phú Yên và các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk đang hồi ác liệt.
Nếu như không có sự tính toán và quyết đoán của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh trong tình huống rối bời giữa hai luồng ý kiến: hoặc là chấp hành lệnh trên đưa tàu ra hải phận quốc tế hoặc là cho tàu ở lại để bảo đảm cho bến xuống hết hàng và giành lấy cơ hội có thể không trở lại, thì không thể lường được kết quả ra sao.
Điều giống nhau là sau những quyết định cân não ấy đều mang lại kết quả thành công an toàn. Điều giống nhau ở họ chính là sự quyết đoán khi đưa ra quyết định và lường hết những thiệt hơn, đồng thời sẵn sàng chịu trách nhiệm với cấp trên miễn là quyết định đó phù hợp với tình hình chiến trường. Đó là quyết định mang tính quyết định trong thời khắc cân não của những người anh hùng!
Và trong hai con người anh hùng ấy, mang đậm dấu ấn nhân văn, tình người trong từng ứng xử, đối đãi với đồng chí, đồng đội, tinh tế quan tâm đến từng giọt mồ hôi, từng miếng ăn giấc ngủ của những đồng chí trẻ tuổi.
TRẦN QUỚI - PHAN THANH