Chiều 21/10, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết về việc bầu Thường trực Ban Bí thư, Đại tướng Lương Cường làm Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, Chủ tịch nước Lương Cường thực hiện nghi thức tuyên thệ. “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi Lương Cường, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, Chủ tịch nước Lương Cường tuyên thệ.
Chủ tịch nước Lương Cường, sinh ngày 15/8/1957; quê quán phường Dữu Lâu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Cử nhân Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước; Cao cấp Lý luận chính trị. Ngày vào Đảng: tháng 7/1978. Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII; Thường trực Ban Bí thư khóa XIII.
Đồng chí Lương Cường, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuyên thệ trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước. Ảnh: TTXVN |
Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề
Trước đó, sáng cùng ngày Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Quốc hội sẽ làm việc trong 29,5 ngày, từ ngày 21/10-30/11; chia làm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 21/10-13/11; đợt 2 từ ngày 20-30/11.
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn tham dự kỳ họp. Để chuẩn bị cho kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phối hợp Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp tại 9 huyện, thị xã, thành phố và 1 điểm tại Nhà Văn hóa LĐLĐ tỉnh, với 1.631 cử tri tham dự; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên tổ chức tiếp xúc cử tri là lãnh đạo ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh; lấy ý kiến, kiến nghị bằng văn bản đối với UBND tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh. Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Chủ trì và phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển KT-XH của đất nước và đảm bảo đời sống của Nhân dân.
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào ngày 22/10. Ảnh: TTXVN |
Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của kỳ họp, có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận; trong đó Quốc hội sẽ xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Về KT-XH, ngân sách nhà nước, Quốc hội xem xét, quyết định thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030; chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và nhiều nội dung quan trọng khác.
Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; xem xét báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015-2023”; thảo luận, xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Kiểm toán Nhà nước; đồng thời thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét tiến hành bầu Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và một số nội dung công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nhấn mạnh khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 8 là rất lớn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các ĐBQH tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi trên tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: THÙY LÂM |
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động
Phát biểu tại kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; cần sớm nghiên cứu xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản pháp luật; chú trọng theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội.
BTV (tổng hợp) - THÙY LÂM