Gần 40 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng đã phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong phát triển KT-XH, đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đại hội XIII của Đảng đánh giá rất rõ các thành tựu đó: “Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
“Nước lấy dân làm gốc”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò to lớn của Nhân dân. Người nói: “Nước lấy dân làm gốc”, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là Nhân dân là người chủ”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.
Đồng chí Đinh Thị Thu Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy thăm hỏi, nắm bắt tình hình nhân dân ở buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa). Ảnh: THÚY HẰNG |
Quan điểm, đường lối đúng đắn đó của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được minh chứng bằng thành quả sau gần 40 năm đổi mới. Từ một nước bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận suốt 30 năm, Đảng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của Nhân dân, của toàn dân tộc, đưa Việt Nam vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỉ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986.
Đối với tỉnh Phú Yên, sau nhiều giai đoạn nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, mà trọng tâm là triển khai hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Phú Yên đã vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng giai đoạn luôn duy trì ở mức khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,16%, đứng thứ 10 cả nước. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. AN-QP được củng cố, tăng cường. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng, hình ảnh Phú Yên được quảng bá ngày càng rộng rãi đến bạn bè trong và ngoài nước.
Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong thời kỳ mới
Hiện nay, Phú Yên nói riêng, đất nước nói chung đã đạt được nhiều thành tựu to lớn “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đây là những nền tảng hết sức quan trọng để chúng ta sẵn sàng cho kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Gần dân, lo cho dân là một trong những thông điệp được lực lượng làm công tác dân vận ở cơ sở luôn chủ động thực hiện tốt. Trong ảnh: Đội thi huyện Sông Hinh với thông điệp tham gia hội thi Cán bộ làm công tác dân vận khéo cấp tỉnh. Ảnh: THÚY HẰNG |
Đứng trước thời cơ và vận hội, chúng ta không chỉ cần khát vọng, sự quyết tâm mà còn cần cả phương thức đúng đắn, trong đó, cần đặc biệt tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như văn kiện Đại hội XIII đã chỉ ra.
Để thực hiện được việc này, công tác dân vận đóng vai trò đặc biệt quan trọng, như lời dạy của Bác Hồ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Đảng, Nhà nước ta đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân vận trong thời kỳ mới. Đó là Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Kết luận 43-KL/TW, ngày 7/1/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghịquyết 25-NQ/TW, hay Quyết định 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị…
Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới xác định về công tác dân vận: Thực hiện tốt quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân chủ ở cơ sở và Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận của các cơ quan nhà nước với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân làm trung tâm trong thực hiện quy chế và pháp luật về dân chủ ở cơ sở.
Trong thời gian tới, Phú Yên tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác dân vận, góp phần quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu phát triển KT-XH địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác dân vận. Tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác dân vận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; trong đó tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính; công tác tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; công tác phối hợp hoạt động giữa các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với ban dân vận cấp ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Triển khai thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, chú trọng thực hiện dân chủ trong triển khai các dự án phát triển KT-XH trên địa bàn; thực hiện nghiêm việc gửi lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với các chương trình, dự án liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân theo quy định.
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư để lắng nghe, tổng hợp những kiến nghị, phản ánh của Nhân dân để đề xuất giải quyết hiệu quả, kịp thời; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; phát huy vai trò nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo gắn với các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, điển hình Dân vận khéo trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Năm là, nâng cao chất lượng công tác nắm bắt tình hình nhân dân; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà Nhân dân quan tâm. Chủ động ngăn chặn và kiên quyết đấu tranh với những âm mưu phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước.
Sáu là, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong việc thực hiện công tác dân vận; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các văn bản về công tác dân vận.
PHẠM ĐẠI DƯƠNG
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh