17 năm gắn bó với nghề cũng là ngần ấy thời gian cô giáo Dương Thị Ánh Ngọc, Trường tiểu học và THCS Ea Lâm, huyện Sông Hinh dành thanh xuân của mình để miệt mài gieo chữ, mang yêu thương đến với học trò ở xã miền núi đặc biệt khó khăn. Với nhiều thành tích nổi bật trong giảng dạy và phong trào, cô giáo sinh năm 1983 này được Ủy ban Hội LHTN tỉnh giới thiệu tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Nặng lòng với học sinh vùng cao
Một năm học mới sắp sửa bắt đầu. Những ngày này, cô giáo Dương Thị Ánh Ngọc tất tả cùng cán bộ, giáo viên ở trường chuẩn bị cho năm học mới. Phần lớn học sinh của Trường tiểu học và THCS Ea Lâm là người đồng bào DTTS. Để học sinh ra lớp đầu năm học mới đảm bảo số lượng, cô Ngọc cùng các giáo viên ở trường không quản ngại vất vả đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để vận động học sinh đến lớp.
Cô Ngọc chia sẻ: “Mặc dù là ở xã miền núi đặc biệt khó khăn, cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng phụ huynh ở Ea Lâm đã quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Không như thời điểm 17 năm trước, khi tôi mới về trường, Ea Lâm còn là xã 7 không (không đường, không trường, không trạm, không điện, không nước, không trụ sở, không công trình công cộng). Trường chỉ là khu tạm bợ, đường đến trường gập ghềnh, có đoạn phải băng rừng, lội suối rất vất vả. Học sinh đến trường với đầu trần, chân đất, bữa đi bữa nghỉ vì còn ở nhà phụ cha mẹ đi rẫy, trông em”.
Ký ức về những năm tháng vất vả ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí của cô Ngọc. Cũng chính vì gắn bó với ngôi trường miền núi này từ những ngày đầu đứng lớp, nên tình thương của cô dành cho nơi đây luôn đậm sâu. Cả đến khi được Phòng GD&ĐT huyện tạo điều kiện chuyển về ngôi trường gần nhà để công tác thay vì hằng ngày phải chạy xe gần 30km đi dạy như trước, cô Ngọc cũng từ chối vì trót nặng lòng với học sinh vùng cao.
Cô Ngọc kể, cô sinh ra trong một gia đình nhà nông, đông anh em ở xã Hòa Thành, TX Đông Hòa. Nhà cô nghèo lắm, ba mẹ chỉ lo được con chữ cho con đến hết lớp 5. Thương cảm hoàn cảnh của cô Ngọc, năm cô học lớp 10, chị họ đưa cô về Sông Hinh vừa phụ việc cho gia đình chị, vừa đi học. Sau đó, cô nỗ lực thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường đại học Phú Yên). Để theo đuổi giấc mơ nghề giáo, cô cố gắng học giỏi để săn học bổng; đồng thời đi làm phụ bếp, phục vụ ở các quán ăn, gia sư kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí.
“Lúc ấy, khát khao được đi học luôn cháy bỏng trong một đứa trò nghèo và tôi đã làm mọi việc để được đến lớp cùng bạn bè. Khi nhìn thấy các học sinh ở miền núi Ea Lâm này, tôi như gặp lại hình ảnh tuổi thơ của mình. Cho nên, tôi muốn được gắn bó với nơi này, truyền năng lượng, tình yêu thương và tinh thần ham học hỏi đến các em, tiếp sức cho các em vượt qua khó khăn, theo đuổi giấc mơ con chữ”, cô Ngọc bộc bạch.
Như tấm lòng người mẹ
Nhà cách trường gần 30km, chồng lái xe công trình nên hay đi làm xa, sáng nào cô Ngọc cũng dậy từ lúc 4 giờ 30, lo việc nhà chu toàn, đưa con đi gửi rồi đến trường. Vất vả là vậy, nhưng cô Ngọc luôn bám trường, bám lớp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Giảng dạy môn Ngữ văn, cô Ngọc luôn đầu tư các bài giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy để thu hút học sinh. Ngoài truyền đạt kiến thức cho các em, cô Ngọc còn lồng ghép dạy kỹ năng sống, kể cho các em nghe về những tấm gương nghị lực trong cuộc sống, khơi gợi khát vọng vươn lên trong các em.
Bằng tình thương, trách nhiệm, nữ nhà giáo luôn quan tâm, yêu thương, nâng đỡ, dìu dắt các em. Khi trò bỏ học, cô đến nhà tìm hiểu nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục. Khi học sinh thiếu bút viết, quần áo mặc đến lớp, cô quyên góp cho các em…
Từ tấm lòng đó, cô Ngọc dần lấy được niềm tin, thay đổi nhận thức của phụ huynh cũng như học sinh nơi vùng cao này về việc học. Trong “sự nghiệp trồng người” nơi gian khó, nữ nhà giáo đã bồi dưỡng nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Ngữ văn cấp huyện, tỉnh.
Cô Ngọc chia sẻ, kỷ niệm nhớ nhất của cô là đưa 33 học sinh lớp chủ nhiệm năm học 2011-2012 tham quan thực tế 3 ngày 2 đêm tại TP Tuy Hòa và TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Đó là một nỗ lực rất lớn trong thời điểm đó, nhất là với một xã đặc biệt khó khăn như Ea Lâm. Cô và cả lớp đã nuôi heo, gà và gom ve chai, giấy vụn bán gây quỹ; vận động mạnh thường quân được 30 triệu đồng tổ chức chuyến đi ý nghĩa này, giúp các em học sinh có những trải nghiệm đáng nhớ.
Ngoài ra, một kỷ niệm khác mà cô Ngọc cũng không bao giờ quên, đó là năm học 2020-2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát cũng là lúc năm học mới bắt đầu, ngành Giáo dục triển khai dạy học trực tuyến, cô được trường phân công chủ nhiệm lớp 6, nhưng lại chưa quen biết một em học sinh nào. Gần 1 tháng, cô tìm đến nhà từng học sinh hướng dẫn các em phương pháp học.
17 năm trong nghề, cô Ngọc nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của ngành, của tỉnh. Nhiều năm liền, cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Nhưng với cô Ngọc, hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời dạy học của cô là nhìn học sinh của mình trưởng thành, theo đuổi ước mơ con chữ.
Cô Dương Thị Ánh Ngọc luôn nhiệt huyết với nghề, yêu thương học sinh, có ý chí và nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Cô là tấm gương sáng để đồng nghiệp và học sinh học hỏi, noi theo.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ea Lâm |
HÀ MY