Thứ Hai, 25/11/2024 20:36 CH
Những người viết hùng ca phía mặt trời (kỳ 4)
Thứ Năm, 22/08/2024 10:30 SA

Trở lại khu Di tích lịch sử Vũng Rô vào dịp Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên phát động cuộc thi và cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ tàu Không số và bến Vũng Rô. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

KỲ 4: Những chuyến đi trùng trùng bão tố

 

Sau khi bến Vũng Rô bị lộ, địch tăng cường phong tỏa dọc tuyến biển Đông, kể cả vịnh Bắc Bộ. Đoàn 125 Hải quân bàn bạc tìm cách chi viện cho chiến trường. Để vào được miền Tây Nam Bộ thì phải đi vòng ra bên ngoài: Từ đảo Hải Nam của Trung Quốc qua Philippines, xuống Indonesia, qua Malaysia, vô vịnh Thái Lan, rồi mới đến Cà Mau, để chứng minh tàu này không phải là tàu của Bắc Việt, mà từ vịnh Thái Lan qua. Nếu trước đây ta đi từ miền Bắc vô Cà Mau chỉ 7 ngày đêm, bây giờ phải mất đến 25 ngày đêm, đi qua nhiều vùng biển của các nước.

 

Vậy còn vào bến ở Khu 5 thì sao? Tận dụng sơ hở của địch, ta chọn bãi ngang làm bến thả hàng và để đặc công nước ở lại. Đặc công nước sẽ cùng dân công vớt hàng lên.

 

Tàu sắt vào bãi ngang

 

Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cho hay: “Bãi ngang là khu vực trống trải, nơi những cơn sóng đập thẳng vào bờ rồi kéo ra, dân biển gọi là sóng cuốn chiếu. Những đợt sóng dồi lên đập xuống và gân cát ngoài mép nước do sóng tạo ra chính là mối đe dọa đối với chân vịt tàu. Tàu sắt vào bãi ngang lúc bình thường đã rất khó khăn, khi sóng to gió lớn lại càng khó khăn, nguy hiểm. Nhưng vì tính chất bí mật, để qua mắt kẻ địch, tàu sắt phải vào bãi ngang thả hàng”.

 

Tàu 41 được chọn làm thí điểm phương thức này. Thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn trải qua gần 1 tháng huấn luyện ở bãi ngang cửa Bà Lạt (tỉnh Thái Bình) - nơi có nét tương đồng với bãi ngang ở miền Trung. Tham gia huấn luyện với tàu 41 có một tổ đặc công nước thuộc Đoàn 126. Sau khi thả hàng và đánh dấu bằng những phao lưới đánh cá, tàu quay ra; tổ đặc công cùng với địa phương tổ chức lặn, vớt hàng lên.

 

Huấn luyện xong, tàu 41 nhận lệnh vận chuyển vũ khí vào Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Tại kho quân khí, tất cả vũ khí chi viện được tháo ra, anh em lấy vải parafin bọc kín để chống thấm nước, sau đó dùng dây nilon buộc lại thành từng xâu. Họ phải tính toán sao cho khoảng cách giữa xâu này với xâu khác vừa với độ sâu mực nước nơi sẽ thả hàng, để khi kéo xâu này lên xuồng thì xâu kia vẫn còn nằm dưới đáy.

 

Một đêm tháng 11/1966, tàu 41 chở 50 tấn vũ khí xuất phát từ Hải Phòng, đi đến ngày thứ hai thì gặp bão. Thay vì đi phía ngoài, thuyền trưởng quyết định đi phía trong đảo Lý Sơn, theo tuyến vận tải dân sự ở miền Nam, để tránh bão. Những cột sóng cao hơn 2m chồm lên. Nỗi lo cũng dâng lên trong lòng những người lính hải quân trên tàu.

 

Vượt qua các tuyến tuần tiễu của địch, 23 giờ đêm 27/11/1966, tàu vào bãi ngang ở Đức Phổ. Chính trị viên Đặng Văn Thanh dùng đèn pin phát tín hiệu. Không ai trả lời. Thuyền trưởng cho tàu chạy từ Phổ An xuống đến cửa Mỹ Á, vừa chạy vừa phát tín hiệu, mong rằng ta nhận được. Vẫn không có tín hiệu trả lời!

 

Trời gần sáng. Không thể đợi thêm được nữa, thuyền trưởng ra lệnh thả hàng, đồng thời cử thuyền phó Dương Văn Lộc và đồng chí Trần Nhợ - hai người bơi giỏi nhất tàu, mang theo súng, đèn pin, ôm phao vào bờ để liên lạc với bến.

 

Thả hàng vừa xong, một cơn sóng lớn chồm tới, đưa tàu lên và đập xuống thật mạnh. Trong mùa biển động, bãi ngang sóng rất dữ. Chân vịt của tàu bị hỏng. Máy trưởng báo cáo thuyền trưởng: Máy không cơ động được nữa. Bây giờ làm sao đây?

 

Phía ngoài xuất hiện 2 chiếc tàu khu trục. Bọn địch đã phát hiện ra tàu của ta, và đang đợi để bắt sống.

 

Thuyền trưởng tập hợp anh em lại, ra lệnh: Thực hiện phương án 2.

 

Máu can trường hòa vào sóng nước

 

Thủy thủ đoàn chia thành từng nhóm, mang theo vũ khí, phao bơi, bơi vào bờ. Thuyền trưởng và đồng chí Nhạn, máy trưởng, nán lại xử lý những công việc quan trọng sau cùng. Đồng chí Nhạn mở cặp chì nhằm tăng thêm vòng quay, đưa tàu ra xa bãi thả hàng. Thuyền trưởng ước lượng thời gian bơi vào bờ mất khoảng 30 phút. Ông cắt dây cháy chậm 30 phút, và điểm hỏa 2 loại kíp nổ còn lại. Buộc lá cờ Tổ quốc và súng ngắn vào người, ông cùng máy trưởng ôm phao, bơi vào bờ. Gần tới bờ, một cơn sóng lớn ào tới, hất mạnh hai ông lên bãi cát.

 

Thuyền trưởng đã điểm hỏa cả ba loại kíp nổ. Khối bộc phá dứt khoát phải nổ, phá hủy tàu. Nhưng những người lính hải quân đã bơi vào bờ trước đó thấy tàu chưa nổ thì sốt ruột. Lúc này, con tàu cũng bị sóng đưa vào.

Trong tiếng gió rít, thuyền trưởng hô lớn, ra lệnh anh em chạy về phía hàng dương để tránh thương vong. Tiếng gió và tiếng sóng bạt đi.

 

Vì quá lo lắng không phá được tàu nên thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ trưởng Trần Nhợ lao về phía con tàu. Khối bộc phá nổ. Bọn địch lập tức nã pháo vào bờ. Thiếu úy Dương Văn Lộc và chuẩn úy Trần Nhợ mãi mãi nằm lại nơi bãi ngang này...

 

Nhân dân địa phương đưa đoàn thủy thủ xuống hầm bí mật nuôi giấu trong 3 ngày, sau đó giao liên đưa đoàn lên quân khu. Từ đây, những người lính hải quân bắt đầu hành trình đi bộ ra Bắc, ròng rã 3 tháng 20 ngày. Lính hải quân chiến đấu trên trận địa là con tàu, chưa từng mang vác đi bộ. Nhưng khi đó, họ như người lính bộ binh trên đường Trường Sơn. Họ đối mặt với sốt rét rừng, với những cơn đói cồn cào, có khi phải ăn củ chuối cầm hơi.

 

Ra đến Quảng Bình, ông Hồ Đắc Thạnh tháo chiếc đồng hồ trên tay, bán được 150 đồng, chia cho mỗi chiến sĩ 10 đồng để tiêu vặt. Anh em vào quán, mỗi người mua đến 10 cái bánh chưng, ăn hết sạch. Vì quá đói sau một hành trình dài, vô cùng gian khổ.

 

Từ Quảng Bình, họ báo cáo về Bộ Tổng tham mưu, rồi theo xe chở hàng trở về Hà Nội. Ông Hồ Đắc Thạnh nói: “Đó là chuyến đi thứ 11 của tàu chúng tôi - chuyến đi hình chữ O: Xuất phát từ Hải Phòng, đi trên biển Đông rồi vượt Trường Sơn, quay về Hà Nội, trở lại Hải Phòng. Qua chuyến đi, chúng tôi hiểu được những gian nan của bao cán bộ chiến sĩ trên Trường Sơn, nhất là phụ nữ. Họ vất vả khó khăn hơn chúng tôi rất nhiều”.

 

Chuyến đi có tàu khu trục Mỹ “hộ tống”

 

Chuyến đi thứ 12 của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cùng đồng đội cũng rất ly kỳ. Khi đó, ông Hồ Đắc Thạnh là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1. Để tăng cường cán bộ chỉ huy cho những chuyến đi muôn vàn khó khăn sau khi 4 chuyến tàu của ta bị địch phát hiện trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn phó Hồ Đắc Thạnh được Đảng ủy - Chỉ huy Đoàn 125 điều động về làm phó bí thư chi bộ, thuyền trưởng tàu 54; đồng chí Nguyễn Văn Hiệu làm chính trị viên.

 

Ngày 31/11/1969, tàu 54 rời Hạ Long đi về phía Đông Bắc, được cấp trên hợp đồng với tàu Trung Quốc dẫn đường qua eo biển Quỳnh Châu (giữa đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu). Sau khi chia tay tàu bạn, tàu 54 vượt qua bãi ngầm Macclesfield, hướng về Philippines, xuống Indonesia, qua Malaysia, vào vịnh Thái Lan. Sau 25 ngày đêm trên biển, tàu tới Cà Mau lúc nửa đêm, gặp... tàu Mỹ ngay trước cửa biển.

 

Chúng pha đèn, phát tín hiệu, hỏi: “Anh là ai?”. Tàu 54 trả lời: “Chúng tôi là ngư dân đi đánh cá”. Chúng hỏi: “Ngư dân nước nào?”. Trả lời: “Đài Loan - Trung Quốc”. “Đi đâu?”. “Đi tìm ngư trường”. Sau đó thuyền trưởng ra lệnh không trả lời bất cứ câu hỏi nào của chúng nữa.

 

Như vậy là không vào bến được rồi, nhưng phải làm sao tránh đụng độ. Trong khoang thủy thủ, công tác chuẩn bị chiến đấu được tiến hành bí mật. Thuyền trưởng cho tàu đi dần ra hải phận quốc tế. Bọn địch điều máy bay, dai dẳng bám theo. Và phía sau tàu 54 có 1 chiếc tàu khu trục “hộ tống”. Tàu 54 dừng thì tàu khu trục của địch cũng dừng. Chúng “hộ tống” tàu 54 lên tới đảo Hải Nam thì mới rời đi.

 

Từ Hải Nam, tàu 54 trở về căn cứ. Chuyến đó không giao được vũ khí, nhưng an toàn.

 

Bãi ngang là khu vực trống trải, nơi những cơn sóng đập thẳng vào bờ rồi kéo ra, dân biển gọi là sóng cuốn chiếu. Những đợt sóng dồi lên đập xuống và gân cát ngoài mép nước do sóng tạo ra chính là mối đe dọa đối với chân vịt tàu. Tàu sắt vào bãi ngang lúc bình thường đã rất khó khăn, khi sóng to gió lớn lại càng khó khăn, nguy hiểm. Nhưng vì tính chất bí mật, để qua mắt kẻ địch, tàu sắt phải vào bãi ngang thả hàng.

 

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh

 

KỲ CUỐI: Soi vào huyền thoại, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek