Cách đây 79 năm (tháng 8/1945), toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, vùng lên làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành lấy chính quyền về tay Nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân Phú Yên đã và đang phấn đấu, nỗ lực không ngừng để xây dựng quê hương giàu đẹp.
Hệ thống hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư tạo diện mạo khang trang, hiện đại cho TP Tuy Hòa. Ảnh: NGỌC THẮNG |
Trang sử hào hùng
Trước tình hình thế giới có nhiều diễn biến mau lẹ, nhận thấy thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, từ ngày 13-15/8/1945 tại Tân Trào, Tuyên Quang, Đảng ta triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc, quyết định phát động toàn dân nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bè lũ tay sai. Tiếp đó, từ ngày 16- 17/8/1945, cũng tại Tân Trào, Quốc dân Đại hội được triệu tập, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa, bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc, tức Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân, trong đó khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội vào ngày 19/8/1945 được coi là dấu mốc của Cách mạng Tháng Tám.
Ở Phú Yên, sau khi nhận mệnh lệnh tổng khởi nghĩa của Xứ ủy Trung kỳ, tối 23/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh họp quyết định tiến hành tổng khởi nghĩa vào nửa đêm 24/8/1945. Sau một ngày khẩn trương chuẩn bị, dưới sự chỉ huy của Ủy ban Khởi nghĩa, các đội tự vệ bí mật có mặt ở các địa điểm quy định. Lực lượng quần chúng được trang bị gậy, giáo mác, cờ đỏ sao vàng, chia ra từng nhóm ở từng vị trí, sẵn sàng chi viện cho các nơi cần. Ngày 28/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Khởi nghĩa, hơn 800 quần chúng, phần đông là người DTTS vũ trang giáo mác, cung tên kéo đến biểu tình thị uy, chiếm huyện đường Sơn Hòa, tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai. Cuộc khởi nghĩa toàn tỉnh đã thắng lợi, góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám.
Tuy Hòa từ một thị xã nhỏ đã vươn lên trở thành đô thị loại II và đang ngày một phát triển. Ảnh: NGỌC THẮNG |
Diện mạo mới khang trang
Trong bối cảnh mới của quê hương, đất nước thời đổi mới và hội nhập, những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Đó chính là nền tảng quan trọng để Phú Yên bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển KT-XH địa phương.
Tại chương trình gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ nhân kỷ niệm 35 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Yên vừa qua, đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của trung ương, tinh thần nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân tỉnh nhà đã đưa Phú Yên từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển. Từ xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông, đến nay quy mô nền kinh tế tỉnh được mở rộng. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá. Thu ngân sách tỉnh năm 2023 đạt 4.200 tỉ đồng, gấp 140 lần so với năm 1990. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nâng cao; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 65,2 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 3,2%.
Những năm qua, Phú Yên đã và đang tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để kiến tạo bộ khung hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Với phương châm lấy giao thông làm động lực phát triển, hệ thống giao thông trên địa bàn được đầu tư đồng bộ với đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển.
Các đô thị trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Tuy Hòa từ một thị xã nhỏ đã vươn lên trở thành đô thị loại II và đang ngày một phát triển văn minh, hiện đại, hướng đến đô thị loại I vào năm 2025; xứng tầm là đô thị hạt nhân của tỉnh. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng, tạo điểm nhấn trong mắt du khách trong nước và quốc tế như: công viên ven biển Tuy Hòa, quảng trường Tháp Nghinh Phong, hồ điều hòa Hồ Sơn… Các đô thị Sông Cầu, Đông Hòa đang từng bước hoàn thiện để trở thành các đô thị loại II, loại III; trở thành các trung tâm phía Bắc và phía Nam của tỉnh. KKT Nam Phú Yên; KCN Đông Bắc Sông Cầu, An Phú, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đã và đang được đầu tư hạ tầng, tạo động lực thu hút đầu tư.
Hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Ảnh: NHƯ THANH |
Sẵn sàng bứt phá
Vừa qua, Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 đồ án quy hoạch quan trọng: Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên đến năm 2040 và Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là những tiền đề quan trọng để Phú Yên sẵn sàng cất cánh, trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Phú Yên đang tập trung phát triển kinh tế dựa trên lợi thế, tiềm năng với 3 trụ cột: công nghiệp (luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng...) được hình thành, phát triển ở phía Nam mà hạt nhân là KKT Nam Phú Yên với lợi thế cảng Bãi Gốc; du lịch dịch vụ chất lượng cao được xây dựng, phát triển ở vùng duyên hải phía Bắc và miền núi cao nguyên với các danh thắng nổi tiếng như vịnh Xuân Ðài, gành Ðá Ðĩa, đầm Ô Loan, cao nguyên Vân Hòa…; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở khu vực đồng bằng phía Tây của tỉnh. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, tiếp cận nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh như Dự án cảng Bãi Gốc, Khu liên hợp gang thép tại KCN Hòa Tâm, đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Hòa Tâm… Tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để mời gọi những nhà đầu tư lớn, chiến lược.
Theo đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, mục tiêu của Phú Yên là làm thế nào để có thể vừa thu hút được các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, vừa đảm bảo được lợi ích, nâng cao được chất lượng cuộc sống cho người dân. Thông qua Quy hoạch tỉnh, Phú Yên xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như các hành lang, trụ cột phát triển, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở để Phú Yên tập trung thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
“Thời gian tới, Phú Yên tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2024. Trong đó, tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển KT-XH theo Nghị quyết của Tỉnh ủy sơ kết giữa nhiệm kỳ đại hội 2020-2025 đã xác định”, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Phú Yên đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới. Tỉnh tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từng bước khắc phục khó khăn, khai thác tốt tiềm năng, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, đề ra những giải pháp đúng đắn, sát hợp với tình hình thực tiễn để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường QP-AN; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh |
NHƯ THANH