Trong khuôn khổ Hội nghị giao ban toàn quốc Hội Hữu nghị Việt - Nga tổ chức tại Phú Yên, sáng 20/7, đoàn đại biểu Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga và các tỉnh tổ chức thả vòng hoa, dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại di tích lịch sử Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa), nơi cách đây 60 năm đón những chuyến tàu Không số từ miền Bắc chi viện vũ khí cho chiến trường Phú Yên và Khu 5.
Vòng hoa được thả trên bến Vũng Rô, di tích lịch sử đón những chuyến tàu Không số trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Tham dự có TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Trung ương hội Việt - Nga, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cùng các đồng chí thường trực Trung ương hội; lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt - Nga của các tỉnh, thành và đơn vị trên toàn quốc. Đặc biệt có sự tham dự của Anh hùng LLVT Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu C41 anh hùng, người chỉ huy 12 chuyến tàu chi viện theo Đường Hồ Chí Minh trên biển, 3 chuyến tàu cập bến thành công vào bến Vũng Rô; thiếu tá Ngô Văn Định, nguyên chiến sĩ K60 đơn vị bảo vệ bến Vũng Rô, Trưởng Ban liên lạc bến Vũng Rô - tàu Không số.
Tại di tích lịch sử Vũng Rô, đoàn công tác đã thả vòng hoa, dâng hương các anh hùng liệt sĩ chiến đấu bảo vệ tàu và bến Vũng Rô; tham quan khu di tích. Tại đây, Anh hùng LLVT Hồ Đắc Thạnh, nhân chứng sống của huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông, đoàn tàu Không số từ miền Bắc chi viện vũ khí, đạn dược, thuốc men cho chiến trường Phú Yên và Khu 5 những năm 1964, đã trực tiếp kể lại những chuyến hải trình huyền thoại của tàu Không số.
Anh hùng LLVT Hồ Đắc Thạnh trực tiếp kể lại những chuyến hải trình huyền thoại của tàu Không số. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông. Vũng Rô là một trong những bến quan trọng tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí do những con tàu Không số vận chuyển từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965, bến Vũng Rô đã đón 4 chuyến tàu Không số. 3 chuyến đầu tiên do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy cập bến thành công. Riêng chuyến thứ tư cập bến vào tháng 2/1965, do thuyền trưởng Lê Văn Thiêm chỉ huy đã bị địch phát hiện nên ta phải đánh thuốc nổ cho chìm xuống biển xóa dấu vết. Lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu để bảo vệ các chiến sĩ trên con tàu Không số vượt vòng vây ra Bắc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trong trận chiến này, nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Vũng Rô được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia vào ngày 18/6/1997.
Anh hùng LLVT Hồ Đắc Thạnh tặng sách hồi ký của ông về hành trình những chuyến tàu Không số và bến Vũng Rô đến các đại biểu. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Di tích lịch sử Tàu Không số - Vũng Rô thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta. Những câu chuyện về Tàu Không số và bến Vũng Rô mãi là khúc tráng ca bất tử trong lòng dân tộc, trong trái tim mỗi người con đất Việt.
Tại đền thờ các anh hùng liệt sĩ bến Vũng Rô - Tàu Không số, đoàn công tác đã thành kính dâng lên những nén hương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vòng hoa thiêng liêng đã được thả trên bến Vũng Rô trước sự kính cẩn nghiêng mình của các thế hệ hôm nay.
Các đại biểu Hội Hữu nghị Việt - Nga toàn quốc chụp hình lưu niệm trước đền thờ liệt sĩ khu di tích Vũng Rô. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Các đại biểu Hội Hữu nghị Việt - Nga toàn quốc chụp ảnh lưu niệm tại di tích danh thắng quốc gia Bãi Môn - Mũi Điện. Ảnh: TRẦN QUỚI |
TRẦN QUỚI