Sáng 16/7, kết luận Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 được kết nối giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện “5 quyết tâm", “5 bảo đảm” để thúc đẩy giải ngân đầu tư công thời gian tới, nhất là đạt 95% theo kế hoạch năm 2024.
Giải ngân đầu tư công 6 tháng mới đạt hơn 29% kế hoạch
Hội nghị đã nghe và thảo luận về kết quả giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công 6 tháng cuối năm và thời gian tới; đồng thời tập trung phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới việc giải ngân đầu tư công còn chậm, nhất là những vướng mắc, khó khăn trong thể chế, quy định pháp luật, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện…
Theo Bộ KH&ĐT, ngay từ đầu năm, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ đã xác định giải ngân đầu tư công là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Theo đó, tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, nội dung về đầu tư công thường xuyên được thảo luận, phân tích và có các chỉ đạo, giải pháp cụ thể.
Trong 6 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 chỉ thị, 04 công điện và rất nhiều văn bản chỉ đạo; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công; thành lập, duy trì 5 tổ công tác thường xuyên xuống địa phương để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội…
Tổng hợp đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã giao vốn đầu tư công đạt 95,5% kế hoạch; giải ngân đầu tư công đến ngày 30/6/2024 mới đạt 29,39% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước; 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Phân tích nguyên nhân khi cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân chưa tốt, các đại biểu cho rằng, việc giải ngân đầu tư công năm 2024 chậm do các dự án phải giải phóng mặt bằng, liên quan chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất lúa, đất rừng, bồi thường, di dời hạ tầng kỹ thuật… còn chậm, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng thiếu vật liệu san lấp thông thường ảnh hướng tới tiến độ; giá nguyên, nhiên vật liệu biến động; việc điều chỉnh dự án phù hợp với các quy hoạch, hoàn thiện các thủ tục thẩm định của các chuyên ngành như đánh giá tác động môi trường, phòng cháy, chữa cháy… tốn nhiều thời gian...
Cho rằng, do tính đặc thù, tỉ lệ giải ngân những tháng đầu năm thường thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm, các đại biểu cũng thừa nhận còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc… gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện; đặc biệt, do công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập.
Riêng các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn có khó khăn, vướng mắc do yêu cầu về quy trình, kỹ thuật của nhà tài trợ khắt khe, trong khi năng lực quản lý và thực hiện của một số chủ dự án chưa đáp ứng yêu cầu…
Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương chia sẻ một số kinh nghiệm để công tác giải ngân đầu tư công đạt kết quả cao như: chủ động chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án; bố trí vốn sớm; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải quyết nhanh các vướng mắc liên quan đất đai, tài nguyên; thẩm định, chọn nhà thầu có năng lực; tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, trong đó người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn của lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt, đặc biệt là 11 bộ, cơ quan và 35 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, nhất là góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng cũng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, các nhà thầu các dự án, nhất là dự án quan trọng quốc gia đang được triển khai với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa", “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", “thi công 3 ca 4 kíp", “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", “chỉ bàn làm, không bàn lùi”...
Thủ tướng Chính phủ phê bình nghiêm khắc 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương có tỉ lệ giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.
Trong đó, chưa giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của một số dự án phải kéo dài; một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi; công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế; quản lý đầu tư xây dựng còn bất cập; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; công tác đấu thầu và thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế; chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành…
Nêu những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện; công tác chuẩn bị dự án; năng lực của Ban Quản lý dự án; tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao; sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ…, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 5 bài học kinh nghiệm cần thực hiện để thúc đẩy đầu tư công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy đầu tư công năm 2024. Ảnh: TTXVN |
Trong đó, phải quán triệt nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Nghị quyết, Kết luận của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm theo hướng chỉ đạo, lãnh đạo thì từ trên xuống dưới, nhưng tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên; phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, “phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ thời gian, rõ sản phẩm, hiệu quả"; quản lý phải chuyên nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công…
Xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh, các cán bộ yếu kém, tiêu cực
Cho biết, đầu tư công là một ưu tiên tập trung để thúc đẩy tăng trưởng, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, thúc đẩy phát triển hạ tầng, tăng liên kết, lưu thông, giảm chi phí logistic, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, vùng và quốc gia, tạo ra không gian phát triển mới, kích hoạt các lĩnh vực khác cùng phát triển; để thúc đẩy giải ngân đầu tư công 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm tinh thần “5 quyết tâm", “5 bảo đảm” trong giải ngân đầu tư công.
Trong đó, “5 quyết tâm” gồm quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn khi phát sinh trên thực tế; đổi mới phương pháp, cách làm, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; quyết tâm bám sát thực tiễn, tháo gỡ thể chế, vướng mắc, khắc phục bằng được tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Cùng với đó, thực hiện “5 bảo đảm” gồm bảo đảm đủ nguyên vật liệu phục vụ các dự án, nhất là cát sỏi, đất đắp nền…; bảo đảm nhân lực đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm cho công tác giải ngân đầu tư công, cụ thể là các dự án lớn, mang tầm quốc gia; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân tổ chức tái định cư, tạo sinh kế cho người dân; bảo đảm quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường dự án theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Chỉ rõ, năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phấn đấu đến năm 2025, nhất là 3.000 km đường bộ cao tốc, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan, chủ tịch UBND tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Chính phủ, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Thủ tướng chỉ đạo, tiếp duy trì hoạt động của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó bổ sung thêm 01 Tổ công tác do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Tổ trưởng; duy trì cơ chế hằng quý Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; "chỉ bàn làm, không bàn lùi;" thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn...
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm xây dựng, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công và các quy định tại các Luật liên quan theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền; bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng; giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính; tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc, xóa bỏ xin cho, chống phiền hà, sách nhiễu…, đặc biệt là các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Bộ KH&ĐT rà soát, tiếp thu, giải trình các ý kiến của thành viên Chính phủ và hoàn thiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Trung ương năm 2024 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết thông qua, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Trung ương năm 2024 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cùng với đó, bộ tổ chức, hướng dẫn triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo đúng thời gian quy định; khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn liên quan đến Luật Đấu thầu, nhất là về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các Bộ GTVT, TN&MT và UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án đường bộ cao tốc; tập trung triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, liên vùng gắn với Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc” chào mừng Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước; kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ NN&PTNT hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về công tác chuyển đổi đất rừng, đất lúa; rà soát các quy định, trong trường hợp cần thiết, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến giá thị trường; theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng và tăng cường kiểm soát giá vật liệu xây dựng theo đúng thẩm quyền, quy định; hướng dẫn, xử lý các vướng mắc của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan tới quy hoạch đô thị, nghiệm thu công trình xây dựng.
Các Bộ Y tế, KH&CN, TT&TT khẩn trương nghiên cứu, ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật theo lĩnh vực được phân công quản lý. Bộ TN&MT khẩn trương nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định hướng dẫn, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của các Luật Đất đai.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu, nghiên cứu, khẩn trương xử lý các kiến nghị của các đại biểu dự Hội nghị theo thẩm quyền và quy định; đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2024 và thời gian tới.
Theo TTXVN/Vietnam+