Tiếp tục Chương trình quảng bá địa phương tại Hà Lan - Đức, đoàn công tác của tỉnh Phú Yên do đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Frankfurt (IHK), Cộng hòa Liên bang Đức.
Các đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lê Thanh Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành tham gia cùng đoàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Tấn Hổ thông tin về tình hình phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, những tiềm năng, thế mạnh của Phú Yên, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, công nghiệp, du lịch…
Đồng chí Lê Tấn Hổ (hàng đầu, ở giữa) cùng các đại biểu tỉnh Phú Yên tham gia buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Frankfurt (IHK). Ảnh: CTV |
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ cho biết, đến nay, Phú Yên có 3.712 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực, với tổng vốn điều lệ đăng ký là 75.104 tỉ đồng (tương đương 2,96 tỉ USD). Các doanh nghiệp trên địa bàn đã tạo việc làm cho khoảng 69.800 lao động, thu nhập bình quân khoảng 5,1 triệu đồng/lao động/tháng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tỉnh đã rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp so với quy định; đồng thời tổ chức đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng để giúp doanh nghiệp giảm chi phí thời gian, sớm gia nhập thị trường.
Phú Yên cũng kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; thông qua các văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhu cầu quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh tại thị trường trong nước, thị trường nước ngoài…
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ thông tin về các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và mong muốn IHK sẽ làm cầu nối quảng bá Phú Yên đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại Đức. Ảnh: CTV |
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế như: tổ chức trưng bày sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh, tổ chức tuần lễ quảng bá văn hóa, bán hàng đặc sản của tỉnh (cà phê, sản phẩm thổ cẩm, đồ hộp thủy sản, cá ngừ đại dương, bò một nắng…) tại các hội nghị hợp tác phát triển KT-XH trong nước và quốc tế, tại các hội chợ triển lãm thương mại và du lịch, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xây dựng cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng Việt Nam... Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Về phần mình, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh đã phát huy mạnh mẽ tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp cũng không ngừng tìm kiếm, thay đổi chiến lược sản xuất mới, tìm kiếm những mô hình kinh doanh phù hợp như phát huy thế mạnh của thương mại điện tử, mở rộng các kênh phân phối, tăng cường tiếp cận khách hàng, đối tác mới, đặc biệt là liên kết, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau.
Ông Johannes Richter, Giám đốc Kinh doanh quốc tế thị trường Ấn Độ và châu Á (IHK) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CTV |
Tuy nhiên trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trên đại bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, sau đại dịch COVID-19, chi phí logistics, giá cả nguyên vật liệu tăng cao… dẫn đến giá thành sản xuất tăng, trong khi đó sức mua giảm, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, nhất là đối với hàng hóa nông sản.
Trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, quy mô của các doanh nghiệp còn nhỏ (96,3% là doanh nghiệp nhỏ và vừa). Hầu hết công nghệ sản xuất ở mức trung bình, hệ thống máy móc, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu. Năng suất lao động thấp, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng… Nguồn lực dành cho hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh còn hạn chế nên chưa tạo được tác động cộng hưởng để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững. Do đó, doanh nghiệp của tỉnh rất cần được các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ để duy trì hoạt động, giải quyết được nhiều việc làm và có nhiều cơ hội để phát triển và hội nhập quốc tế.
“Thời gian tới, Phú Yên mong muốn IHK sẽ làm cầu nối quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại Đức”, đồng chí Lê Tấn Hổ nói.
Tại buổi làm việc, ông Johannes Richter, Giám đốc Kinh doanh quốc tế thị trường Ấn Độ và châu Á (IHK) cho biết, IHK hiện có khoảng 104.000 thành viên, trong đó có 22.000 công ty có hoạt động kinh doanh quốc tế. 250 công ty của Việt Nam đang kinh doanh tại Frankfurt, đây là khu vực có cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất của Đức.
Đoàn công tác tỉnh Phú Yên giới thiệu thông tin và tặng quà lưu niệm cho đại diện IHK. Ảnh: CTV |
Bày tỏ ấn tượng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, với các lĩnh vực mới như năng lượng, năng lượng tái tạo, hướng đến giảm phát thải và tăng cường tài chính lâm nghiệp thông qua việc chuyển nhượng thương mại tín chỉ carbon rừng, ông Johannes Richter cho hay với tư cách là đầu mối, IHK sẽ làm cầu nối giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy trao đổi, đầu tư giữa hai bên.
Trước đó, đoàn công tác của tỉnh Phú Yên và các tỉnh Ninh Thuận, Hòa Bình, Đắk Nông đã làm việc với Bộ trưởng Tài chính Bang Hessen; Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên bang, châu Âu và quốc tế Bang Hessen; Công ty Precitec; Tập đoàn Công nghệ Firma Aqseptence để khảo sát, tìm hiểu, giới thiệu tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa các bên trong thời gian tới.
LÊ HẢO