Với bản lĩnh và nghị lực kiên cường, truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đạt được những thành quả trên tất cả các lĩnh vực.
Chặng đường 30 năm trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhưng đều có chung một khát vọng và tầm nhìn, đó là xây dựng xã Ea Lâm ngày càng phát triển, đem lại hạnh phúc cho người dân.
Từ xã “7 không”
Ngày 23/3/1994, xã Ea Lâm được thành lập theo Nghị định 24 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã và thành lập xã mới thuộc tỉnh Phú Yên. Theo đó, xã Ea Lâm gồm 4 buôn: Bưng, Bai, Gao và Học B được tách ra từ xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa).
Ông Ma Hia 85 tuổi, là một trong những cán bộ đầu tiên của xã Ea Lâm khi mới thành lập, nhớ lại: “Thời gian đầu mới thành lập, Ea Lâm gặp rất nhiều khó khăn. Chi bộ xãchỉcó5 đảng viên. Điều kiện cơ sở vật chất hầu như không có gì. Đời sống của người dân khó khăn, thiếu thốn, hầu hết là hộ nghèo. Các mặt hàng nông sản chủ yếu tự cung, tự cấp là chính…”.
Cũng theo ông Ma Hia, xã mới được thành lập, điều kiện cơ sở vật chất của Ea Lâm hầu như là con số 0. Cán bộ các ban ngành, đoàn thể vừa thiếu vừa yếu, mỗi đảng viên phải kiêm nhiệm 3, 4 vị trí công tác. Vì vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Có nhà báo của tỉnh về địa phương viết bài, gọi Ea Lâm là “xã 7 không”, đó là không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không trụ sở làm việc, không nước sạch, không chợ....
Cũng là cán bộ xã thời kỳ đó, ông Ma Loan rất thấm thía nỗi vất vả để có được một Ea Lâm hôm nay. “Ngày nào lên huyện họp, cán bộ chúng tôi phải đạp xe đi từ 3 giờ sáng. Hôm nào mưa to đường trơn trượt thì phải ởlại sáng hôm sau mới dám về”, Ma Loan trải lòng.
Với đặc thù là địa bàn hơn 90% dân số là người đồng bào DTTS nên các hủ tục lạc hậu còn khá phổ biến trong đời sống người dân. Hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội kém phát triển. Sản xuất nông nghiệp chỉ độc canh cây lúa rẫy và hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên vô vàn việc phải làm, mà không biết bắt đầu từ đâu, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng với tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy nội lực và tranh thủ mọi sự giúp đỡ của các cấp, ngành, Ea Lâm đã hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm QP-AN qua từng năm, từng nhiệm kỳ.
Thu nhập tăng 30 lần
Rất nhiều người đi qua hết chặng đường 30 năm cùng với Ea Lâm nhưng vẫn không thể tin Ea Lâm hôm nay có thể thay da đổi thịt một cách ngoạn mục. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Sông Hinh, sự đầu tư của trung ương và của tỉnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành, doanh nghiệp, cùng với sự nỗ lực của chính mình, Ea Lâm từ 7 không đã thành 7 có. Sản xuất nông nghiệp từng bước được cơ giới hóa, chuyển dần từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa.
Hệ thống trạm bơm được đầu tư, giúp bà con thay đổi hình thức canh tác truyền thống sang thâm canh cây lúa nước và các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giai đoạn 1994-2023) đạt mức trung bình.
Xã Ea Lâm áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: AN THÙY |
Từ một xã có thu nhập đầu người từ 1 triệu đồng năm 1994 nay tăng lên 30 triệu đồng/người/năm. Công tác xóa đói, giảm nghèo được đẩy nhanh. Tỉ lệ hộ nghèo từ gần 100%, giảm còn 19%. Trên 91% gia đình đạt danh hiệu văn hóa, 80% buôn văn hóa…
Ông Ma Văn Cường ở buôn Bai, phấn khởi cho biết: “Nhờ hệ thống thủy lợi mà người dân phát triển được cây lúa nước, không còn lo thiếu đói mà còn có tích lũy nữa. Người dân bắt đầu nghĩ đến các mô hình cây trồng, vật nuôi có giá trị hơn để làm giàu, góp phần thay đổi bộ mặt của địa phương vùng sâu, vùng xa”.
Chưa dừng lại ở đó, đường giao thông liên xã, nội đồng, hệ thống điện chiếu sáng, chợ cũng đã được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, địa phương đã đầu tư nâng cấp trung tâm xã và áp dụng khoa học công nghệ phục vụ đời sống của người dân. Đến nay, Ea Lâm có 100% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có điện thắp sáng và các phương tiện nghe nhìn.
Ba trường học của xã với cơ sở vật chất đủ các điều kiện để triển khai, thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu. Vụ sản xuất 2023-2024, toàn xã có 234ha mía, tăng gấp 10 lần so với niên vụ trước. Đến thời điểm hiện tại, Ea Lâm đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Theo Bí thư Đảng ủy xã Ea Lâm KSor Y Đen, những thành tựu đạt được trên mọi lĩnh vực trong chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển là niềm cổ vũ, động viên để Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Ea Lâm tiếp tục vươn lên, nâng cao hơn nữa ý chí tự lực tự cường, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua thách thức, chung sức, đồng lòng xây dựng Ea Lâm ngày càng phát triển.
Đảng bộ và chính quyền xã Ea Lâm cần tiếp tục đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, biến thách thức thành cơ hội; tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tranh thủ tối đa các nguồn lực, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới…, từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn |
“Chặng đường tiếp theo, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn xây dựng các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp hiệu quả, nâng cao năng suất, sản lượng; phát triển chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn trái, trồng rừng, đặc biệt là phát triển mô hình trồng lúa nước, trồng mía, sắn trên địa bàn... Địa phương mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, ngành, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân về mọi mặt để xã vững bước đi lên”, người đứng đầu cấp ủy Ea Lâm cho biết.
Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn nhìn nhận: Ea Lâm là một trong những xã đặc biệt khó khăn, nhưng có nhiều bước phát triển vượt bậc, nhất là trong 2 năm trởlại đây. Đạt được kết quả đó là nhờ trong thời gian qua, từ tỉnh đến Huyện ủy, UBND và các ban ngành, đoàn thể của huyện Sông Hinh luôn dành cho Ea Lâm sự quan tâm đặc biệt.
Không chỉ được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, người dân Ea Lâm còn được định hướng phát triển kinh tế nên đời sống ngày càng ổn định. Nếu khai thác tốt quỹ đất và hạ tầng hiện có, tôi tin rằng tương lai người dân Ea Lâm không chỉ thoát nghèo, mà còn có thể vươn lên làm giàu.
“Đảng bộ và chính quyền xã Ea Lâm cần tiếp tục đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, biến thách thức thành cơ hội; tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tranh thủ tối đa các nguồn lực, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới…, từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, ông Đinh Ngọc Dạn nhấn mạnh.
PHONG NHÃ