Tiếp tục chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 5/6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đăng đàn trả lời về nhóm vấn đề được quan tâm.
Cụ thể là trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm. Hay việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước… Cùng đó là các giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán.
Trong phiên trả lời chất vấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, dưới góc độ nhiệm vụ được giao, Kiểm toán Nhà nước luôn cố gắng tròn chức năng đánh giá xác nhận kết luận kiến nghị theo quy định của pháp luật theo tinh thần "thuộc bài, đúng vai thì không bao giờ sai".
Trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính; trong đó có kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án. Thế nhưng, không có nghĩa là vai trò về phòng, chống tham nhũng của cơ quan kiểm toán hạn chế đi vì trong một trong những nhiệm vụ mà Kiểm toán Nhà nước hết sức coi trọng là việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, trong 5 năm qua, cơ quan kiểm toán cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đến các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.
Trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp các tài liệu đầy đủ hơn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc và nâng cao nâng chất lượng các báo cáo kiểm toán để cho những phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực.
Liên quan đến việc các đơn vị được kiểm toán không bị phát hiện ra sai phạm cho đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì lại phát hiện ra các sai phạm, thất thoát, tham nhũng tài sản của nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra.
Trong trường hợp cơ quan thanh tra, điều tra không phát hiện sai phạm mà đến khi cơ quan chức năng vào làm tiếp mà phát hiện ra sai phạm thì tại Điều 68 đã quy định rất là cụ thể. Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm.
Nếu có lỗi thì phải xử lý tùy theo mức vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính. Đây là quy định rất là rõ về trách nhiệm và khi phát hiện ra sai phạm thì theo quy định của luật thì phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể...
Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn khẳng định, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, đối tượng kiểm toán là việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công với 12 nhóm đơn vị liên quan.
Tuy nhiên, đối với những sai sót trong đấu thầu thời gian qua, có một số vụ án lớn liên quan đến đấu thầu, cụ thể vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn khẳng định: “Hai đơn vị này là doanh nghiệp không có vốn nhà nước nên họ không phải là đơn vị được kiểm toán. Xét về đơn vị có liên quan thì họ liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công với tư cách là nhà thầu. Hoạt động kiểm toán của chúng tôi thực hiện ở đơn vị chủ đầu tư, Ban quản lý dự án”.
Trong quá trình kiểm toán đều thực hiện cả 3 nội dung: đánh giá, xác nhận tính đúng đắn trung thực; đánh giá sự tuân thủ pháp luật trong đấu thầu, đầu tư xây dựng và xác nhận tính hiệu quả tài chính công, tài sản công… Trong quá trình kiểm toán đã chỉ ra các sai sót và có kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hiện nay, việc thực hiện kết luận của kiểm toán được các cơ quan quan tâm; đặc biệt sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, tiến độ và ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận của kiểm toán cao hơn.
Tuy nhiên, theo thống kê vẫn còn hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện; trong đó nguyên nhân từ đơn vị được kiểm toán chiếm 59,46%. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nêu các giải pháp kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận của kiểm toán.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ có một số nguyên nhân chậm thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán. Lý do đầu tiên là kiến nghị của kiểm toán chưa tâm phục, khẩu phục và đơn vị được kiểm toán đang khiếu nại theo quy định của luật; tiếp đó là có những kết luận, kiến nghị kiểm toán đúng nhưng không thể thực hiện được; hoặc đơn vị chưa thực hiện.
Trong số đó, đối với nguyên nhân kiến nghị chưa chính xác, chưa tâm phục, khẩu phục đang khiếu nại thì thời gian tới Kiểm toán Nhà nước sẽ nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán; trong đó có việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; nâng cao năng lực, trình độ của kiểm toán viên; tăng cường kiểm tra, giám sát; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các đoàn kiểm toán - ông Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.
Đối với kiến nghị kiểm toán đến nay vẫn chưa thực hiện là do có những kiến nghị mà đơn vị được kiểm toán đã giải thể, phá sản, pháp nhân về hưu, chết hoặc mất tích. Đây cũng là một trong những tồn tại, hạn chế của Luật Kiểm toán đang tiến hành tổng kết theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa. Hy vọng sau khi Luật được sửa đổi, bổ sung sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế vừa nêu - Tổng Kiểm toán bày tỏ.
Giải pháp đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực, mà không giảm tính năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần làm tốt 3 việc: Xây dựng được thiết kế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng; xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh, để không dám tham nhũng; xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn, không cần tham nhũng.
Để thực hiện phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn khẳng định đây là nhiệm vụ được quan tâm; trong đó, chú trọng giáo dục về chính trị, tư tưởng; kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Đảng, các văn bản mới của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời rà soát, thể chế hóa các văn bản của Đảng, văn bản pháp luật mới.
Riêng năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã rà soát 75 văn bản liên quan đến quy trình kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao vai trò của người đứng đầu, tổ tưởng tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của cơ quan thanh tra kiểm toán nhà; xử lý nghiêm những hành vi có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực…
Vấn đề về các đơn vị kiểm toán độc lập cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Liên quan đến nội dung này, tham gia trả lời chất vấn với vai trò Thành viên Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, Kiểm toán Nhà nước có quy trình chặt chẽ, chất lượng tốt; thậm chí sử dụng nhiều công nghệ cao, công nghệ thông tin nổi trội trong hoạt động kiểm toán. Với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ quan hàng đầu về thực hiện kiểm toán và thanh tra.
Còn đối với hệ thống kiểm toán độc lập, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hệ thống này thực hiện theo Luật Kiểm toán độc lập, tức là cung cấp các dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp. Đối với tổ chức cung cấp này gồm có: những người hành nghề kiểm toán độc lập, doanh nghiệp kiểm toán độc lập, doanh nghiệp nước ngoài mà có chi nhánh kiểm toán đặt tại Việt Nam để thực hiện dịch vụ kiểm toán doanh nghiệp, kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán dự án đầu tư hay một công việc mà các doanh nghiệp thuê để thực hiện.
Kiểm toán độc lập cũng sẽ phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thông qua về vấn đề hợp đồng trưng dụng để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước. Về phía Bộ Tài chính đã thực hiện đúng theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước là quản lý chất lượng kiểm toán chứ Bộ Tài chính không trực tiếp kiểm toán quản lý chất lượng kiểm toán thông qua việc ban hành các cơ chế chính sách, chiến lược thông qua việc thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kiểm toán này.
Năm qua, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 20 doanh nghiệp kiểm toán; trong đó đánh giá 11 doanh nghiệp kiểm toán độc lập đạt yêu cầu, 7 doanh nghiệp không đạt yêu cầu, 1 doanh nghiệp yếu. Đồng thời, tiến hành kiểm tra 62 hồ sơ kiểm toán thì đánh giá 16 hồ sơ đạt yêu cầu, 26 hồ sơ không đạt yêu cầu, nhiều hồ sơ yếu kém. Từ đó, đình chỉ 7 kiểm toán viên và nhắc nhở 21 kiểm toán viên, phê bình các công ty kiểm toán.
Đến năm 2024, Bộ Tài chính có kế hoạch kiểm tra 20 đến 24 doanh nghiệp. Bộ Tài chính tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập thông qua việc bồi dưỡng, tập huấn, cấp phép, thanh tra, kiểm soát việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Theo TTXVN/Báo Tin Tức