Đó là đánh giá của đoàn giám sát Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 (chương trình) trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo đánh giá, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2023 còn 8.480 hộ, chiếm tỉ lệ 3,22%, giảm hơn 4.500 hộ so với đầu kỳ giai đoạn 2022-2025. Đến nay các dự án/tiểu dự án nguồn vốn giải ngân còn chậm; công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình ở một số địa phương chưa thật sự quyết liệt; việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phát huy vai trò trách nhiệm của các ngành trong việc phối hợp thực hiện chương trình chưa cao.
Hoạt động của ban chỉ đạo giảm nghèo một số xã chưa hiệu quả; năng lực một số thành viên ban chỉ đạo giảm nghèo một số địa phương nhất là cấp xã còn hạn chế, không nắm đầy đủ các nội dung của tiểu dự án/dự án của chương trình.
Việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tại một số địa phương hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững, đa số các địa phương chỉ lựa chọn mô hình hỗ trợ nuôi bò sinh sản.
Qua giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh kiến nghị với UBND tỉnh đề nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương thiết kế điều chỉnh, hoàn thiện chương trình theo hướng chỉ thực hiện những nội dung mà các chương trình, đề án khác chưa thực hiện, nhằm thu gọn các dự án, đầu mối quản lý dự án đảm bảo tính thống nhất, thuận lợi trong triển khai thực hiện theo hướng giao cho ngành chủ quản từ khâu xây dựng kế hoạch, đề xuất phân bổ nguồn lực đến chỉ đạo triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát để giảm bớt các khâu trung gian.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐTB&XH căn cứ khoản 2, Điều 4, Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh toàn bộ nguồn vốn của Tiểu dự án 1/Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp sang Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án 1/ Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho phù hợp điều kiện thực tế của các huyện.
Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát các đối tượng thụ hưởng của chương trình và nhu cầu của Nhân dân để đảm bảo tất cả người dân đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách. Đặc biệt cần quan tâm, ưu tiên đối với những vấn đề cấp thiết của Nhân dân để phân bổ kinh phí phù hợp với từng địa phương...
THÚY HẰNG