Thứ Tư, 26/06/2024 10:33 SA
Đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số
Thứ Năm, 23/05/2024 16:23 CH

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.  

 

ĐBQH Dương Bình Phú phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: NGỌC HƠN

 

ĐBQH Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN Phú Yên tham gia phát biểu thảo luận tại tổ. Phú Yên Online trích đăng bài phát biểu của ĐBQH Dương Bình Phú:

 

Trước hết, tôi cơ bản thống nhất với các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

 

Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp để phục hồi, phát triển KT-XH; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian qua.

 

Tuy nhiên, trong bối cảnh nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động, khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, hơn nữa; tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

Bên cạnh đó, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay. Vì kinh tế số đang là xu hướng phát triển ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chỉ rõ cần phải: “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng;...”.

 

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Chính phủ cũng đã thể hiện rõ quan điểm và định hướng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thông qua các chiến lược, chính sách và các văn bản pháp luật trong thời gian qua. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số,… đã được ban hành. Đồng thời, bộ chỉ tiêu, công cụ đo lường kinh tế số đã được ban hành nhằm đánh giá hoạt động kinh tế số của Việt Nam.

 

Nhờ đó, trong giai đoạn 2020 - 2023, kinh tế số đã có bước phát triển mới, thể hiện vai trò cốt lõi trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2021, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến nằm trong nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Năm 2023, chỉ số này đạt khoảng 0,75. Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế số. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam năm 2022 so với năm 2021 là 28% so với các nước Indonesia, Philippines và Singapore đều có tốc độ tăng 22%, Thái Lan tăng 17%, Malaysia tăng 13%. Năm 2023, tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam tiếp tục nhanh nhất Đông Nam Á (đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 16,5%. Trong năm 2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.

 

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn rất nhiều hạn chế, khó khăn trong việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam, trong đó, các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực vẫn còn là thách thức lớn đối với nền kinh tế số, cần phải có các giải pháp cơ bản để giải quyết khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm một số giải pháp:

 

Thứ nhất, tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số: Cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế liên quan đến các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư, kinh doanh trong môi trường kinh tế số. Trong đó, Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và một số các luật liên quan đang được Quốc hội cho ý kiến. Tiếp tục đẩy mạnh các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ đối với các mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ các sản phẩm “Made in Viet Nam”. Thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số. Thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư vốn trong hoạt đông nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số. Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí phù hợp với thực tế ở Việt Nam và cách đo lường trên thế giới nhằm thống nhất cách đánh giá kết quả hoạt động của kinh tế số, tạo thuận lợi cho sự so sánh giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chuyển đổi số; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm,… nhằm kết nối chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phổ biến kiến thức đến các địa phương, doanh nghiệp, người dân.

 

Thứ hai, phát triển hạ tầng số: Nâng cấp mạng 4G, đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G. Thúc đẩy nhanh Tỉ lệ sử dụng giao thức internet thế hệ mới IPv6. Đảm bảo doanh nghiệp, người dân tiếp cận với internet tốc độ cao, thúc đẩy các doanh nghiệp phổ cập điện toán đám mây. Thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư phát triển hạ tầng số hướng tới phát triển hạ tầng đồng bộ, đảm bảo kết nối thông tin, lưu trữ và xử lý dữ liệu cũng như đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong môi trường số. Thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là hệ thống thanh toán điện tử.

 

Thứ ba, thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số: thúc đẩy hỗ trợ các hình thức hợp tác đào tạo giữa các nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong đào tạo nhân lực chuyển đổi số; hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc thực tế ở các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động chuyển đổi số. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân thực hiện, triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người lao động. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp về an toàn thông tin. Đồng thời có các chính sách thu hút và giữ chân nhân lực có chất lượng cao liên quan đến an toàn thông tin. Xây dựng mạng lưới, kết nối các chuyên gia, nhà khoa học nhằm thúc đẩy gắn kết nghiên cứu, chia sẻ tri thức về hoạt động chuyển đổi số.

 

NGỌC HƠN (lược ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek