Chiến thắng Điện Biên Phủ là hình mẫu cho công cuộc giải phóng dân tộc tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, góp phần đặt dấu chấm hết cho quá trình thuộc địa hóa - một trong những trang lịch sử đau thương nhất nhân loại đã trải qua.
Nhà báo Gaston Fiorda, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Đài Phát thanh Quốc gia Argentina, đã đưa ra nhận định trên khi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Buenos Aires về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện "chấn động địa cầu" này (7/5/1954-7/5/2024).
Ông Fiorda nhấn mạnh chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh rằng một dân tộc nhỏ bé nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định giành thắng lợi. Thực tế sau này cũng đã cho thấy chiến thắng Điện Biên Phủ là một tấm gương, một mô hình mà nhiều quốc gia noi theo trên con đường giải phóng dân tộc.
Theo ông Fiorda, chìa khóa thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là sự đoàn kết trên dưới một lòng của Đảng, quân đội và nhân dân dưới sự lãnh đạo và chỉ huy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng đã kết hợp chiến tranh du kích với các đòn đánh trực diện. Trong khi áp dụng nghệ thuật quân sự này, Đảng đã lãnh đạo và huy động toàn dân tham gia kháng chiến.
Với dẫn chứng về những nỗ lực phi thường của nhân dân hậu phương nhằm tạo ra các tuyến tiếp tế và vận chuyển vũ khí, đặc biệt là pháo hạng nặng để có thể bao vây quân Pháp ở Điện Biên Phủ, nhà báo Fiorda khẳng định tinh thần dũng cảm và nỗ lực lớn lao của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần quan trọng cho phép một nước nhỏ như Việt Nam giành chiến thắng trước một quân đội được trang bị các loại vũ khí tối tân, hiện đại hơn.
Chia sẻ về chuyến trải nghiệm và làm việc tại Việt Nam mới đây, nhà báo Fiorda cho biết ông đã có dịp lên thăm thành phố Điện Biên Phủ với các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên Phủ năm xưa là đồi A1, hầm chỉ huy của tướng De Castries, con đường kéo pháo…
Nhà báo Fiorda vô cùng ấn tượng khi tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt với điểm nhấn bên trong bảo tàng là bức tranh panorama tái hiện toàn bộ chiến dịch năm xưa bằng những bức tranh được vẽ liên hoàn trên tường trong cùng một không gian.
Sự đổi thay của Điện Biên Phủ cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhà báo người Argentina. Chiến trường xưa giờ đã mang vóc dáng của một đô thị với nhà cửa khang trang được bao quanh bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ.
Nhà báo Fiorda từng đoạt giải nhất Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ 6. Ông cũng là người Mỹ Latin đầu tiên được Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, mời sang trao đổi về đề tài nghiên cứu luận văn tiến sĩ về công cuộc tái thiết đất nước của dân tộc Việt Nam sau chiến tranh.
Theo TTXVN/Vietnam+