Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử đất nước như một mốc son chói lọi. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), mọi người lại về chiêm ngưỡng tượng đài mang tầm giá trị lịch sử quốc gia; là nhóm tượng đồng cao lớn và nặng nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Internet |
Vị trí đắc địa
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được xây dựng trên đỉnh đồi D1 vào năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004). Đồi D1 cao 50m so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả TP Điện Biên Phủ đều nhìn thấy.
Là điểm hội tụ của các tuyến cảnh quan: Tuyến nhìn từ hầm Đờ Cát, cầu Mường Thanh; tuyến nhìn từ sân bay Điện Biên Phủ đi về thành phố và tuyến nhìn từ các đồi A1, C1. Mặt chính tượng đài hướng ra phía cầu Thanh Bình, là tuyến quan trọng từ Mường Thanh về thành phố.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cứ điểm đồi D1 là một vị trí quan trọng trong thế phòng ngự phía Đông của thực dân Pháp, có nhiệm vụ che chở cho trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của QĐND Việt Nam trong đợt tấn công thứ hai bắt đầu vào chiều 3/3/1954.
Với ưu thế về vị trí xây dựng, độ cao và giá trị tự thân, đồi D1 được xác định là hạt nhân trong tổng thể công viên di tích, lịch sử, văn hóa cảnh quan TP Điện Biên Phủ. Tượng đài là điểm nhấn chế ngự không gian quan sát từ mọi hướng. Trên đồi D, cây hoa ban được trồng chủ yếu, xung quanh tượng đài là các lớp không gian giao lưu, ngắm cảnh, tạo cảm giác gần gũi, thân quen như mô phỏng ruộng bậc thang của đồng bào Tây Bắc.
Các tuyến nhìn chính: Từ quảng trường Trung Tâm, phía Tây đồi D1; tuyến hành lễ từ trục chính sân bay về thành phố, nơi đây kết hợp với quảng trường đảo giao thông tạo ra không gian lớn cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống, tổ chức các nghi thức, sân hành lễ trang trọng.
Quảng trường có bãi đỗ xe hai bên, rộng 1.300m2, tiếp nối là thảm cỏ có cao độ 15cm so với cốt sân, là nơi tập trung đông người, nơi tổ chức các hoạt động chuẩn bị hành lễ; kế tiếp là các cấp sân được thu hẹp dần lại như những không gian chuyển tiếp giữa quảng trường và đường hành lễ dẫn lên tượng đài.
Đường hành lễ dạng bậc thang rộng 5m, được xây dựng trang trọng, với hai bên là hệ thống phù điêu mô tả quá trình đi đến Chiến thắng Điện Biên Phủ và hàng đèn trang trí hướng thẳng lên tượng đài. Ở đoạn cuối tuyến hành lễ có sân rộng với hai công trình phục vụ, có kết cấu thông thoáng, được bố trí giật cấp theo địa hình.
Tuyến công viên văn hóa từ phía Nam đồi D1 nối liền với trục cảnh quan từ phía quảng trường lớn thành phố, nơi có trung tâm hội nghị của Tỉnh ủy tạo ra lối vào công viên văn hóa, lịch sử thêm phần trang trọng.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt
Phần tượng đài cao 12,6m, được đúc bằng 217 tấn đồng, bên trong là lõi bê tông cốt thép, liên kết với bệ tượng. Cụm tượng là 3 người bộ đội đứng tựa vào nhau, nhìn về 4 hướng, nâng một em bé người dân tộc Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến, quyết thắng. Trong đó, chiến sĩ phất cao lá cờ tượng trưng cho các đại đoàn tham gia chiến dịch năm xưa.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là công trình văn hóa, nghệ thuật mang tầm giá trị lịch sử quốc gia, tôn vinh đúng tầm ý nghĩa to lớn về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; kết thúc cả trăm năm đô hộ của thực dân Pháp, đưa đất nước ta bước sang trang sử mới trong thế kỷ XX |
Chiến sĩ bế em bé dân tộc Thái trên tay cầm một bó hoa tượng trưng cho những văn nghệ sĩ quân đội đã và đang ngợi ca chiến thắng, để chiến thắng mãi mãi đi vào sử sách. Em bé dân tộc Thái tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ của các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Tây Bắc giàu đẹp. Còn chiến sĩ thứ ba trong cụm tượng thể hiện tinh thần luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Việt Nam.
Bệ tượng cao 3,6m kết cấu bê tông cốt thép, gồm 3 khối hình chữ nhật, đặt chéo nhau, tạo sự sinh động, các mặt đứng ốp đá, mặt phẳng ngang trồng cỏ và hoa.
Tại sân hành lễ có bức phù điêu đại cảnh lớn với chiều cao trung bình 7,5m, chiều rộng 58m, được ghép từ 217 tấm đá xanh Thanh Hóa, nặng khoảng 400 tấn. Nội dung bức phù điêu miêu tả lại toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ từ thời điểm Bộ Chính trị chọn Điện Biên Phủ là cứ điểm chiến lược tấn công vào mùa xuân 1953-1954 cho đến khi bắt sống tướng Đờ Cát vào chiều 7/5/1954 và kết thúc là lễ ăn mừng của bộ đội ta với đồng bào dân tộc vào chiều 13/5/1954 tại Mường Phăng.
Con đường lên tượng đài có 320 bậc cấp và được chia làm 3 chiếu nghỉ lớn, tượng trưng cho 3 đợt tấn công của quân ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; có 56 cột mốc bằng đá xanh, tượng trưng cho “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” của bộ đội ta.
Về cây xanh được chia thành 4 nhóm, cây chủ đạo chiếm 80% là hoa ban, nhằm tạo ra dấu hiệu nhận diện riêng cho đồi D1. Cây nhấn trục hành lễ được trồng hai bên quảng trường và dọc đường, nhằm tạo ra sức hút thị giác hướng mọi người lên tượng đài, đó là cây chò chỉ, cây sao đen, loài cây có thân cao, độ phân cành trên 3m, tạo độ thông thoáng và không cản tầm nhìn tượng đài từ xa.
Cây trồng trên các tuyến đi cảnh quan là tre, đây là loài cây đặc trưng cho vùng Tây Bắc. Cây trang trí được trồng xen kẽ trên các thảm cỏ với các chủng loại có màu sắc và hoa phong phú, tạo cảm giác hân hoan, rung động khi ta tiếp cận với công trình.
Công trình Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, hàng năm nơi đây đón nhận hàng ngàn khách du lịch ở mọi miền đất nước, bạn bè quốc tế tới tham quan và bày tỏ sự ngưỡng mộ công trình văn hóa nghệ thuật này.
HOÀNG XUÂN THƯỞNG - QUỲNH GIAO