Sáng 22/4, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Tăng cường phân cấp trong quy hoạch
Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự án luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Theo tờ trình, dự án luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành đã được thực tế chứng minh không còn phù hợp, qua đó, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày tờ trình. Ảnh: TTXVN |
Đáng chú ý, tại dự thảo luật đã có những quy định nhằm tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới theo hướng: phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức lập tất cả các quy hoạch chung đô thị; trước khi phê duyệt cần có ý kiến thống nhất bằng văn bản đối với quy hoạch chung đô thị loại 4 cho Cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn trực thuộc UBND cấp tỉnh.
Dự án luật cũng bổ sung chức năng thẩm định quy hoạch đô thị và nông thôn đối với một số cơ quan nhà nước như Đại học Quốc gia, Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp…; phân cấp về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thuộc Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh…
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một luật là phù hợp, hướng tới bảo đảm thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn, phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, vùng và cả nước.
Về định hướng nội dung xây dựng luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ cần bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn phù hợp, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về hồ sơ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị: Bổ sung nội dung đánh giá tác động cụ thể đối với những quy định mới tại dự thảo luật so với quy định hiện hành của pháp luật; Bổ sung nội dung tổng kết thi hành quy định về phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thuộc Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đang được thực hiện thí điểm theo 8 Nghị quyết của Quốc hội, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ theo 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Làm rõ mối quan hệ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng dự án luật của cơ quan soạn thảo; đồng thời, đánh giá cao Ủy ban Kinh tế đã có báo cáo thẩm tra sơ bộ nêu nhiều vấn đề lớn chi tiết để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện thêm.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến thẩm tra và các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện về hồ sơ dự án luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển và thống nhất các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các quy định về quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn tại Luật Xây dựng năm 2014.
Bên cạnh đó, dự án luật góp phần cụ thể hóa Luật Quy hoạch và cụ thể hóa một vấn đề mới cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai các luật liên quan.
Cho rằng dự án luật nên quy định một số nguyên tắc về mối quan hệ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; mối quan hệ giữa đô thị hóa và kinh tế đô thị..., Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự án luật cần rà soát, làm rõ hơn vấn đề quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cần rà soát; tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị gắn với mật độ dân số, kết cấu hạ tầng; vấn đề điều chỉnh quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật luật này với các luật liên quan, trong đó có dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, cũng như các luật hiện hành như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường…
Về các thuật ngữ, dự thảo luật có các thuật ngữ “quy hoạch chung huyện” và “quy hoạch huyện” hay “lấy ý kiến cộng đồng dân cư”, “lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư”… cần được phân định, làm rõ.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí sự cần thiết xây dựng dự án luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lặp trong quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm soát, giám sát, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế với các yếu tố văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.
Tiếp thu, giải trình làm rõ nội dung được nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận các ý kiến đóng góp rất xác đáng, đồng thời cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, ý kiến của Ủy ban thẩm tra, đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội… từ tên gọi, phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật đến các quy định cụ thể.
Theo TTXVN/Vietnam+