Quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và mỗi vùng, địa phương nói riêng. Quy hoạch sẽ giúp các cấp chính quyền, bộ, ngành chủ động xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo sự phát triển đúng tốc độ được lựa chọn.
Chính vì vậy, để tạo động lực tăng trưởng mới, khai thác tốt tiềm năng để phát triển, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Riêng tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên đến năm 2040.
Và mới đây, ngày 9/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 148/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Thường trực Chính phủ về quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phải tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, lần đầu tiên được lập theo quy định của Luật Quy hoạch. Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, hoàn thiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4 này.
Đây là tính hiệu tích cực đối với các tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trong đó có tỉnh Phú Yên.
Có thể khẳng định rằng từ lâu, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng có đường bờ biển dài nhất cả nước, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, thế mạnh quan trọng để phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh biển đảo của vùng và cả nước.
Đặc biệt, đây cũng là vùng có bản sắc văn hóa riêng, ý chí tự lực, tự cường, năng động và sáng tạo. Bên cạnh thế mạnh kinh tế biển, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có nhiều thuận lợi để phát triển KT-XH khi hạ tầng giao thông trục Bắc - Nam đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; thiếu dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực; du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp…
Chính vì vậy, việc quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung lần này được kỳ vọng có tầm nhìn tổng thể, dài hạn cùng với các giải pháp đột phá, mở rộng không gian và nguồn lực cho phát triển; bảo đảm gắn kết các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp với các khu du lịch và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với khu vực nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển đảo, rừng…
Trên cơ sở đó, quy hoạch xác định được tầm quan trọng, tiềm năng và thế mạnh của vùng, từ đó đưa ra các giải pháp mang tính đột phá để phát triển.
Hiện nay, có nhiều quy hoạch ngành, địa phương, lĩnh vực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vậy nên các bộ, ngành, địa phương phải rà soát giữa các quy hoạch để tránh chồng chéo, bảo đảm đúng quy định của Luật Quy hoạch. Quy hoạch phải lấy người dân làm trung tâm phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được thụ hưởng những thành quả phát triển.
Chúng ta kỳ vọng sau khi quy hoạch được phê duyệt và triển khai sẽ tác động lớn đến sự phát triển toàn diện của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trong những năm tới, mô hình tăng trưởng kinh tế sẽ được định hướng chuyển đổi mạnh mẽ từ chiều rộng sang chiều sâu. Mọi người dân có cơ hội cải thiện điều kiện kinh tế, nâng cao thu nhập và được thụ hưởng những thành quả phát triển của cả vùng; hướng đến cuộc sống chất lượng cao, ấm no, hạnh phúc.
NGUYỄN QUANG