Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, chiều 19/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 2/2024.
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội.
Cử tri, nhân dân đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ lo lắng về thời gian gần đây vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm chết và bị thương nhiều người; tình hình ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội; tình trạng nắng nóng gay gắt kèm theo thiếu hụt lượng mưa, nguy cơ xảy ra cháy rừng, thiếu nước sản xuất ở nhiều nơi.
Cử tri và nhân dân cũng lo lắng về giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng; tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng, không đủ cung cho các công trình trọng điểm quốc gia và nhu cầu xây dựng khác làm chi phí đầu tư tăng cao, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình, dự án; tình trạng khai thác cát trái phép ở Hà Nội và một số địa phương diễn biến phức tạp; tình trạng vật nuôi chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh dại tấn công người; tình trạng thiếu thuốc, vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Cử tri cũng phản ánh hiện nay một số bệnh nhân chưa được điều trị dứt bệnh nhưng do hết thời gian điều trị nội trú tại các cơ sở y tế theo quy định bảo hiểm y tế nên phải làm thủ tục xuất viện, sau đó mới nhập viện lại để được tiếp tục điều trị, quy định này gây khó khăn cho người bệnh.
Việc chi chế độ cho người có công với cách mạng được chuyển vào tài khoản ngân hàng đang gây khó khăn cho người cao tuổi trong việc đi lại rút tiền, nhất là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Dương Thanh Bình, đến nay, Ban Dân nguyện đã nhận được kết quả giải quyết, trả lời đối với 1.290/2.216 kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 2/2024, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm nhiều so với tháng 1/2024. Tuy nhiên, nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay.
Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường... tránh tình trạng mức điều chỉnh tăng lương không theo kịp tăng giá; triển khai thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi, tuyên truyền vận động để người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thú y và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo bộ, ngành có liên quan có giải pháp cho khai thác mỏ tạo nguồn cung, hạ giá thành để đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình xây dựng khác; chỉ đạo Bộ NN&PTNT có giải pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả việc phòng, chống cháy rừng; chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH xem xét, tiếp tục thực hiện chi tiền mặt cho đối tượng là người có công với cách mạng, nhất là người cao tuổi sống tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có giải pháp hữu hiệu đảm bảo đầy đủ vật tư, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập; xem xét, điều chỉnh quy định thời gian điều trị nội trú bảo hiểm y tế cho phù hợp nhằm đảm bảo thuận lợi trong công tác khám, chữa bệnh của người dân.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với Báo cáo công tác dân nguyện tháng 2; ghi nhận Báo cáo đã được tổng hợp trên cơ sở báo cáo các cơ quan Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn ĐBQH và sự phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan Trung ương như Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước.
Các đại biểu cho rằng kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cần có sự so sánh giữa các kỳ họp để đánh giá về tính kịp thời trong công tác này. Đối với phần kết quả giải quyết đơn thư, cần có tổng hợp lũy kế của việc giải quyết trên cả nước đến thời điểm báo cáo để phân tích, đánh giá sự tiến bộ qua hàng tháng.
Bày tỏ đồng tình với báo cáo, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết Bộ Công an đã lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về an toàn giao thông, kiểm tra nồng độ cồn. Qua số liệu thống kê, năm 2023, số vụ tai nạn giao thông giảm 5,5% so với năm 2022.
Về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác cát, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, theo số liệu tổng hợp 4 năm qua (từ năm 2020-2023), lực lượng Công an đã phát hiện 21.371 vụ, khởi tố 299 vụ, 434 bị can. Hiện nay, Bộ Công an đang tăng cường chỉ đạo đối với Công an các đơn vị, địa phương về nội dung này.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý một số nội dung như kiến nghị với Chính phủ về việc kiềm chế lạm phát, bình ổn giá hàng hóa thị trường, tránh tình trạng điều chỉnh lương tới đây không theo kịp tăng giá; giải pháp để khai thác mỏ tạo nguồn cung, hạ giá thành nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia; khắc phục tình trạng "cát tặc"; bảo đảm thanh toán tiền mặt cho các đối tượng là người công với cách mạng sống ở khu vực dân tộc thiểu số, miền núi.
Theo TTXVN/Vietnam+