Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, chiều 18/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.
Trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã phát biểu về nhóm vấn đề chất vấn.
Phát biểu trước các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ngành ngoại giao nhận thức rõ việc trả lời chất vấn vừa là vinh dự, nhưng cũng vừa là trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước về kết quả công tác đối ngoại được Đảng, Nhà nước nói chung và của ngành Ngoại giao nói riêng.
Theo bộ trưởng, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới đã trải qua rất nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi cũng xuất hiện rất nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn trước, đặt ra rất nhiều nhiệm vụ nặng nề và phức tạp cho công tác đối ngoại cũng như của ngành ngoại giao.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội và Chính phủ, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam", triển khai đồng bộ, sáng tạo trên cả 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, trong đó có cả ngoại giao chính trị (bao gồm cả công tác bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước); ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; ngoại giao văn hóa, nâng cao hình ảnh, quảng bá văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài cũng là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả, những trụ cột ngoại giao đã đưa lại những kết quả toàn diện, quan trọng.
"Ngành ngoại giao cũng đã hỗ trợ và trực tiếp tham mưu, cùng phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hoạt động đối ngoại, nhất là hoạt động đối ngoại cấp cao diễn ra ở khắp các châu lục, tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương, qua đó chúng ta đã củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Bộ trưởng phát biểu.
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong thời gian qua, ngành ngoại giao đã tổ chức thành công nhiều chuyến thăm mang tính lịch sử của lãnh đạo Việt Nam đến các đối tác cũng như các đối tác bên ngoài đến Việt Nam, đồng thời nâng tầm quan hệ của Việt Nam với các đối tác, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, trong đó tạo dựng được sự tin cậy chính trị ngày càng cao, thúc đẩy hợp tác sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đất nước.
Nổi bật là trong đại dịch COVID-19, "ngoại giao vaccine" đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong quá trình chuyển đổi chính sách sang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hợp tác kinh tế với nhiều đối tác ngày càng sâu sắc, ký được rất nhiều thỏa thuận, cam kết có ý nghĩa chiến lược lâu dài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch và nhiều nguồn lực quan trọng khác phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoại giao văn hóa, thông tin, tuyên truyền đối ngoại; công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ, có nhiều đổi mới sáng tạo, đạt nhiều kết quả quan trọng.
"Lấy một ví dụ trong 3 năm qua, ngành Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành vận động thành công thêm 16 danh hiệu được UNESCO công nhận, đưa tổng số các di sản, địa danh và danh nhân Việt Nam được UNESCO công nhận lên 67”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ngành ngoại giao đã tích cực chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kịp thời bảo hộ công dân, ngư dân, doanh nghiệp Việt Nam và đưa về nước an toàn hàng nghìn công dân từ các nơi có chiến tranh, xung đột, thiên tai...
Công tác xây dựng và phát triển ngành ngoại giao cũng được triển khai theo hướng xây dựng ngành toàn diện, hiện đại, và chuyên nghiệp; tổ chức bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả hơn.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường; phong cách, lề lối làm việc từng bước được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp; phẩm chất, năng lực, trình độ cán bộ ngoại giao cũng được rèn luyện ngày càng trưởng thành hơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh những kết quả nói trên góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của công tác đối ngoại như Tổng Bí thư đánh giá, công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và trở thành một điểm sáng ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước.
Theo TTXVN/Vietnam+