Thứ Hai, 25/11/2024 16:49 CH
Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024: Bàn về thách thức và cơ hội của báo chí trong thời đại kỷ nguyên số
Thứ Bảy, 16/03/2024 20:01 CH

Quang cảnh phiên thảo luận “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí”.

Ngày 16/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024 tiếp tục diễn ra sôi nổi với các phiên thảo luận về những chủ đề chuyên sâu, sát thực tiễn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí trong giai đoạn hiện nay.

 

Tham dự các phiên thảo luận có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT; lãnh đạo của các bộ ban ngành, các cơ quan báo chí, truyền thông ở Trung ương và địa phương.

 

Tận dụng thế mạnh để đa dạng nguồn thu

 

Trong phiên thảo luận “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí”, các diễn giả đã chia sẻ thông tin về hướng đi dài hạn cho kinh tế báo chí; nỗ lực đa dạng hóa cách tiếp cận độc giả; sự thay đổi của thị trường báo chí trong thời đại công nghệ số; đồng thời, đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí.

 

Lãnh đạo các hội nhà báo, cơ quan báo chí tâm đắc với các chia sẻ của các chuyên gia, nhà báo tại phiên thảo luận “Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo”.

 

Theo các diễn giả, với sự phát triển của internet, nhiều phương thức truyền thông mới ra đời, khán giả có rất nhiều sự lựa chọn để đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí của mình. Chính vì vậy, để các cơ quan báo chí đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị song song với việc phát triển kinh tế báo chí sẽ ngày càng khó khăn hơn, đứng trước nhiều áp lực như: áp lực giữ chân khán giả, áp lực về nguồn thu, về cạnh tranh thông tin…

 

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: Người làm báo chí thời điểm này không chỉ làm mỗi nghề về nội dung, mà cần có kiến thức về thương mại điện tử, về quảng cáo, về xu thế nguồn thu liên quan đến dòng tiền trên không gian mạng. Để có được nguồn thu báo chí từ cơ quan Nhà nước, báo chí cũng phải nâng mình lên để đón nguồn thu và được đặt hàng từ Nhà nước.

 

Tham gia ý kiến trong phiên thảo luận này, đại diện các cơ quan báo chí, truyền hình nhận định, trước tình hình kinh tế thế giới, trong nước đã và đang suy thoái, khả năng phục hồi chậm, nên nguồn thu quảng cáo của cơ quan báo chí tiếp tục bị sụt giảm.

 

Giải pháp hiện nay là các cơ quan báo chí nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung sản xuất chương trình, tác phẩm báo chí hướng đến công chúng và được công chúng quan tâm; đầu tư cho hình thức sản xuất báo chí số trên cơ sở giữ vững nguyên tắc đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng doanh thu và chức năng, nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí.

 

Các diễn giả trao đổi chủ đề “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn”

 

Phiên thảo luận “Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo”, các diễn giả nhất trí cho rằng, không chỉ giới hạn ở các mô hình hợp tác quảng cáo, truyền thông thương hiệu, báo chí và doanh nghiệp hoàn toàn có thể hợp tác trong các hoạt động giáo dục công chúng, tuyên truyền, định hướng khuynh hướng tiêu dùng phù hợp với lối sống xanh, có trách nhiệm, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Sự hợp tác xây dựng hình ảnh minh bạch, khách quan cho doanh nghiệp trên các nền tảng báo chí xác tín, tin cậy, chính là cơ sở để xây dựng niềm tin đối với doanh nghiệp.

 

Theo các diễn giả, doanh nghiệp phải nhận thức lợi ích riêng của mình nằm trong tổng thể lợi ích chung của ngành, của khu vực, của quốc gia và toàn bộ nền kinh tế-xã hội. Việc tham gia cùng báo chí trong các dự án, chương trình truyền thông, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa… chính là sự hợp tác sâu rộng và bền vững. Về phía báo chí, cũng cần quan tâm xây dựng những chương trình phù hợp với từng doanh nghiệp, thật sự quan trọng đến đời sống xã hội, và có khả năng hỗ trợ quảng bá hình ảnh doanh nghiệp một cách tích cực và hiệu quả.

 

Ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn

 

Phiên thảo luận “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn” thu hút sự quan tâm lớn từ các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có báo chí - truyền thông.

 

Quang cảnh phiên thảo luận “Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số”

 

Sau phát biểu đề dẫn của Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng báo chí trong kỷ nguyên số sẽ không thể tách rời công nghệ, thậm chí công nghệ đang dẫn dắt báo chí và đa phần các tòa soạn lớn sẽ phát triển theo xu hướng trở thành các tập đoàn công nghệ, truyền thông; các đại biểu tham dự phiên thảo luận đã nghe tham luận của ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital) chia sẻ lý do VTV quyết định phải đầu tư mạnh mẽ vào các nền tảng công nghệ, với 2 nội dung được nêu ra là rating sóng - số và chiến lược Total VTV trong sản xuất, phân phối nội dung; tham luận của ông Bùi Công Duyến, Giám đốc sản phẩm Tòa soạn hội tụ ONECMS về hệ thống quản trị tòa soạn hiện đại cho các cơ quan báo chí…

 

Sau phần tham luận, tọa đàm bàn tròn diễn ra với sự tham gia của 4 diễn giả trao đổi về: cách thức để các tòa soạn có thể sản xuất được những tác phẩm báo chí ấn tượng; các giải pháp để báo chí không phải “lỡ chuyến tàu” ứng dụng công nghệ AI vào công việc; định hướng đầu tư về trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn và sản xuất nội dung số; đổi mới về công nghệ thông qua quan hệ với các đối tác trong xây dựng các nền tảng mới, sản phẩm mới…

 

Phiên thảo luận “Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thế giới AI” thu hút sự tham gia, chia sẻ từ các diễn giả, nhà báo nổi tiếng trong ngành với 4 bài tham luận, tọa đàm bàn tròn.

 

Theo các diễn giả, thời kỳ rực rỡ của truyền hình đã qua, nhân sự trong lĩnh vực báo chí cần làm quen với xu thế làm báo di động; cho nên, các đài truyền hình cần thay đổi, thêm kỹ năng mới, thành thạo công nghệ, làm báo đa phương tiện, làm báo di động, làm báo cùng AI, sử dụng mạng xã hội (vốn xã hội, khai thác nguồn tin, xuất bản, tương tác, xây dựng thương hiệu cá nhân…), tạo nguồn thu số.

 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, Trưởng nhóm phục chế 10 ngàn ảnh liệt sĩ bằng công nghệ AI chia sẻ tại phiên thảo luận “Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thế giới AI”.

 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI, các cơ quan báo chí cần tiếp tục tạo ra và chia sẻ những thông tin mang tính xác thực và có giá trị nhân văn. Đó là những dữ liệu đóng góp vào kho dữ liệu lớn của Việt Nam. Từ đó, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển rất lớn, giá trị năng lực cạnh tranh của truyền hình cũng ngày càng tăng lên. Trí tuệ nhân tạo sẽ chắp cánh sáng tạo cho những người làm truyền hình.

 

Tại phiên thảo luận “Phát thanh năng động trong môi trường số”, các chuyên gia, nhà báo đã sôi nổi luận bàn về: những khó khăn, thách thức, cơ hội phát triển trong kỷ nguyên số của phát thanh; các giải pháp để thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi tư duy làm nghề cho nhà báo phát thanh trong kỷ nguyên số; cách đổi mới nội dung, format, dạng chương trình mở; việc quảng bá chương trình phát thanh thông qua mạng xã hội và hạ tầng số…

 

Kết luận phiên thảo luận, nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV nhận định, với phát thanh, trong thời đại chuyển đổi số này, bên cạnh việc phải thay đổi các nền tảng cung cấp nội dung, không chỉ trên nền tảng truyền thống là phát sóng vô tuyến, mà còn cần cung cấp trên các nền tảng số, thì cần phải tiếp tục đổi mới để cả nội dung và hình thức để đáp ứng những yêu cầu, những nhu cầu ngày càng mới của công chúng. Phát thanh bắt buộc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại, và môi trường số chính là điều kiện thuận lợi để phát thanh chuyển mình.

 

Bảo vệ bản quyền báo chí

 

Chiều 16/3, các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý có dịp ngồi lại cùng thảo luận một chủ đề dù được nhắc đến nhiều nhưng vẫn nguyên tính thời sự: Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số.

 

Lãnh đạo các cơ quan báo chí, chuyên gia luận bàn về chủ đề “Phát thanh năng động trong môi trường số”.

 

Đề dẫn phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh khẳng định: Nếu không bảo vệ được bản quyền báo chí, không thể khuyến khích nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào phát triển nội dung. Bảo vệ bản quyền báo chí còn giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc.

 

Bảo vệ bản quyền là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay.

 

Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã tập trung phân tích thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí; kiến giải những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí trong môi trường số; nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền; đóng góp vào quá trình sửa đổi Luật báo chí nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền báo chí và thúc đẩy hoạt động kinh tế phát triển... 

 

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên cho rằng: Đây là thời điểm vàng để thúc đẩy việc hình thành liên minh bảo vệ bản quyền báo chí với sự hỗ trợ, đóng vai trọng tài của các cơ quan quản lý nhà nước.

 

Ngoài ra, Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024 còn diễn ra phiên thảo luận “Phóng sự, điều tra - hành trình làm điều có ích”. Rất nhiều nhà báo, sinh viên báo chí và bạn đọc đã đến tham dự và nghe chuyên đề thú vị này.

 

Các nhà báo thảo luận về “Phóng sự, điều tra - hành trình làm điều có ích”

 

Tại đây, những câu chuyện từ hơi thở cuộc sống, những góc khuất của người làm báo điều tra đã được người trong cuộc chia sẻ. Các nhà báo đã thảo luận về những bài học đắt giá, những khó khăn và kinh nghiệm hay để thực hiện tác phẩm được dư luận quan tâm; trong đó, đề cập vấn đề làm thế nào để tránh vấp phải các rủi ro nghề nghiệp và đảm bảo an toàn khi nhà báo tác nghiệp thể loại phóng sự - điều tra.

 

Các nhà báo cho rằng, khi thực hiện các phóng sự điều tra cần đảm bảo các yếu tố: có sự can thiệp của cơ quan báo chí, sự cộng hưởng của nhân vật, e kíp thực hiện, cách thức tiến hành, xử lý thông tin…

 

Để làm điều có ích tốt hơn nữa, nhà báo điều tra cần có 3 phẩm chất: bản lĩnh, tri thức và trình độ tác nghiệp. Ngoài ra, họ phải khẳng định mình làm việc có ích cho xã hội, cho Nhân dân. Do đó, nhà báo cần dấn thân và đi tới cùng vụ việc.

 

HÀ MY - NGÔ XUÂN - VÕ PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek