Sáng 9/3 (giờ địa phương), Phái đoàn thường trực hai nước Việt Nam và Vanuatu tại LHQ đã phối hợp tổ chức Phiên họp trù bị trực tuyến liên quan đến thủ tục xin ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về nghĩa vụ quốc gia trong vấn đề Biến đổi khí hậu.
Tham dự phiên họp có các chuyên gia pháp lý, học giả và luật sư quốc tế từ hơn 20 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, đại diện phái đoàn các nước tại LHQ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam.
Tại phiên họp, trên cơ sở nhìn lại tiến trình xây dựng, thông qua Nghị quyết A/RES/77/276 ngày 29/3/2023 của Đại hội đồng LHQ đề nghị ICJ cung cấp ý kiến tư vấn về trách nhiệm quốc gia trong vấn đề biến đổi Khí hậu và các bước tố tụng đã tiến hành cho đến nay, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhiều khía cạnh liên quan đến biến đổi khí hậu, một số án lệ liên quan và các nguyên tắc pháp lý mà ICJ có thể sẽ áp dụng trong vụ việc.
Các diễn giả và đại biểu cũng trao đổi về nội dung và thực tiễn quốc gia mà các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có thể cung cấp nhằm giúp ICJ có thêm cơ sở xem xét trong quá trình thụ lý yêu cầu nêu trên của Đại Hội đồng LHQ. Đại biểu nhiều nước đã chia sẻ kinh nghiệm và một số lưu ý trong quá trình xây dựng đệ trình quốc gia để gửi lên ICJ trong khuôn khổ thủ tục xin ý kiến tư vấn này.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh trong bối cảnh hệ thống khí hậu toàn cầu đang tiến dần tới ngưỡng nguy hiểm, băng tan nhanh hơn, nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên, các quốc gia cần cùng nhau hành động nhanh chóng và thiết thực để đối phó với biến đổi khí hậu.
Việc thúc đẩy thành công Nghị quyết A/RES/77/276 tại Đại Hội đồng LHQ và tham gia tích cực vào các bước thủ tục xin ý kiến tư vấn tại ICJ thể hiện cam kết của đông đảo các nước trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia chịu tác động nhiều nhất của quá trình này như Việt Nam, trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết năm 2023 của Đại Hội đồng LHQ đã công nhận biến đổi khí hậu là thách thức chung, tác động ở mức độ khác nhau với mỗi quốc gia; vì vậy, gánh nặng và trách nhiệm ứng phó phải được san sẻ công bằng, bình đẳng.
Việc các nước đang phát triển tích cực tham gia vào quá trình ICJ xem xét và cho ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng, tác động tới nhận thức của các nước về trách nhiệm pháp lý của mỗi quốc gia trong ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần từng bước định hình khung pháp lý về biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Phiên họp trù bị ngày 8/3 là bước chuẩn bị quan trọng, cung cấp các thông tin nền tảng cho đại biểu các nước trước thềm Hội thảo khu vực châu Á về những vấn đề pháp lý, kỹ thuật liên quan đến thủ tục xin ý kiến tư vấn của ICJ về trách nhiệm quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Vanuatu phối hợp tổ chức tại TP Hạ Long (Việt Nam) vào trung tuần tháng 3/2024.
Kết thúc phiên họp, đại diện các nước đánh giá cao Việt Nam và Vanuatu đã tổ chức cuộc họp, tạo cơ hội để chuyên gia pháp lý các quốc gia trong khu vực và quốc tế thảo luận một cách thẳng thắn, thực chất, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hoàn thiện các bản đệ trình dự kiến gửi tới ICJ trong khuôn khổ thủ tục xin kiến tư vấn, đồng thời, giúp kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa chuyên gia các nước, qua đó củng cố thêm tiếng nói của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trong tiến trình định hình các nghĩa vụ, chuẩn mực ứng xử của quốc gia trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước đó, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết A/RES/77/276 bằng hình thức đồng thuận, theo đó, Đại Hội đồng LHQ đề nghị ICJ cung cấp ý kiến tư vấn về trách nhiệm của các quốc gia trong vấn đề biến đổi khí hậu. Việt Nam và Vanuatu là 2 trong số 18 quốc gia thuộc nhóm nòng cốt thúc đẩy nghị quyết này.
Căn cứ thủ tục hoạt động và quyết định của Tòa án Công lý Quốc tế, các quốc gia thành viên LHQ có thời hạn tới ngày 22/3/2024 để gửi đệ trình bằng văn bản lên ICJ trước khi Tòa tiến hành các bước tố tụng tiếp theo nhằm đưa ra ý kiến tư vấn (dự kiến trong năm 2025).
Theo TTXVN/Vietnam+