Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng tư tưởng lớn của người xưa để khái quát kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh để cập bến bờ vinh quang, có được thế và lực như hôm nay, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Ngày 31/5/1946, trước khi lên đường sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần dặn dò Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Sáu chữ vàng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” được Bác Hồ trích lại câu của người xưa: “Dĩ chúng tâm, vi kỷ tâm - Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (Lấy tình cảm ý chí của quần chúng làm tình cảm ý chí của mình - Lấy cái bất động để đối phó với nhiều cái biến động).
Câu này bắt nguồn từ Lý Thánh Tông (1023-1072) - vị hoàng đế thứ ba của nhà Lý khi thân chinh vào biên giới phía Nam (1069) dặn dò Nhiếp chính Ỷ Lan “vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định” (Mọi sự thay đổi như sấm chớp, giữ một tấm lòng thành yên định).
Dĩ bất biến là mục tiêu, nguyên tắc. Ứng vạn biến là ứng xử linh hoạt để giữ vững nguyên tắc, thực hiện mục tiêu. Bác Hồ đã quán triệt nguyên lý này “Mục đích bất di bất dịch của ta là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc nhưng sách lược của ta thì linh hoạt” (1).
“Dĩ bất biến” được cụ thể hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh khi khai sinh nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” mà Người đã tâm tình với quốc dân “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Tám chữ vàng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc - Dân chủ” được Bác Hồ truyền đạt vô cùng giản dị mà sâu sắc, là kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam.
Trước hết về “Độc lập”. Tháng 4/1945, Bác Hồ duyệt nội dung Hội nghị quân sự Bắc Kỳ do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì, Bác cùng Trung ương Đảng khẩn trương chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu Quốc dân tại lán Nà Lừa (còn gọi là Nà Nưa). Ngày 16/8/1945, Bác Hồ triệu tập 60 đại biểu khắp mọi miền Bắc - Trung - Nam về mái đình Hồng Thái bên cây đa Tân Trào ban hành Lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Bác Hồ bày tỏ khát vọng giành độc lập: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
“Độc lập” gắn với “Tự do”. Trong lời kêu gọi ngày 17/7/1966, Bác Hồ đúc kết chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Giành được độc lập, tự do là để mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ trang trọng tuyên bố với toàn thế giới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Mở đầu bài thơ mừng xuân 1961, Bác Hồ viết:
Mừng năm mới, mừng xuân mới
Mừng Việt Nam, mừng thế giới
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thang…
Bác Hồ dạy: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa lý gì”(2).
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc chỉ trở thành hiện thực khi phát huy “Dân chủ”. Bác Hồ dạy:
“Nước lấy dân làm gốc
Gốc có vững, cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”(3).
“Dân là gốc của nước, của cách mạnh. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Nhân dân đồng lòng thì việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(4).
“Dân chủ là vì dân, tất cả vì lợi ích của Nhân dân… Đảng ta không có lợi ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì ta phải hết sức tránh”. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Bác Hồ còn dạy: “Dân chủ là để cho dân được mở miệng ra” mà Đại hội VI (1986), Đảng ta nhấn mạnh: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Những giá trị “dĩ bất biến” về độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ là nội dung tinh túy cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Giá trị “dĩ bất biến” ấy được Đảng ta cụ thể hóa thành các sách lược “ứng vạn biến” trong các giai đoạn cách mạng cụ thể về kinh tế, quân sự, ngoại giao…
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hôm nay, Đảng ta đổi mới nhưng không đổi màu, hội nhập nhưng không hòa tan, giữ vững bản lĩnh và bản sắc Việt Nam, tuyệt đối trung thành với con đường cách mạng mà Đảng ta, Nhân dân ta và Bác Hồ đã lựa chọn, tất cả vì mục tiêu bất biến: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
-------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, NXB Chính trị quốc gia, 2011, trang 555
(2) Sđd, tập 4, trang 187
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, trang 469-470.
(4) Sđd, tập 5, trang 293
Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định “Đi lên CNXH là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Xã hội XHCN mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. |
PHAN THANH - XUÂN HIẾU