Chiều 11/1, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh (BCĐ) tổ chức hội nghị chuyên đề về giải quyết án hành chính và tổng kết công tác cải cách tư pháp (CCTP) năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: NGỌC DUNG |
Các đồng chí: Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ; Đào Bảo Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ đồng chủ trì hội nghị. Các đồng chí: Lê Thanh Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên BCĐ; đại diện Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh, Cục Thi hành án dân sự Phú Yên; đại diện lãnh đạo các cơ quan khối nội chính, tư pháp; thường trực 9 huyện, thị, thành ủy; lãnh đạo các sở, ngành liên quan… tham dự.
Thời gian qua, số lượng vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, tình hình khiếu kiện án hành chính tăng nhanh về số lượng và mức độ phức tạp, nhất là lĩnh vực thu hồi, bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (chiếm 89,8%).
Nguyên nhân phần lớn là do thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đất đai, thực hiện các chính sách đất đai. Một số văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong áp dụng, giải quyết. Các quy định pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ. Công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp về đất đai ở một số địa phương chưa kịp thời. Ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân chưa cao…
Chánh án TAND tỉnh Trần Huy Đức chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án hành chính ở địa phương. Ảnh: NGỌC DUNG |
Trước những khó khăn trên, năm 2023, TAND hai cấp Phú Yên tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai các giải pháp đột phá. Nhờ đó, tỉ lệ giải quyết án hành chính đạt 89,3%, số lượng án giải quyết tăng đáng kể so với trước đây.
Cùng với đó, công tác CCTP được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai thực hiện tốt, công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp chặt chẽ hơn. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng cao; công tác bổ trợ tư pháp chuyển biến tích cực, tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn. Hoạt động của các cơ quan tư pháp đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương…
Tại hội nghị, lãnh đạo các ban ngành, địa phương thảo luận, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả trong giải quyết án hành chính, nâng cao chất lượng cải cách tư pháp thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Cao Thị Hòa An ghi nhận những kết quả tích cực mà các cơ quan, đơn vị, địa phương đạt được thời gian qua. Đồng thời lưu ý thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần phát huy hơn nữa vai trò của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao; nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm công vụ, không để vụ việc tồn đọng, kéo dài, làm phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác đối thoại với người dân, giải quyết tốt các mâu thuẫn ngay từ cơ sở; thực hiện tốt công tác an dân, vì dân, đảm bảo công lý phải được thực thi, bảo vệ lẽ phải, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân…
NGỌC DUNG