Chủ Nhật, 22/09/2024 14:40 CH
Hội nghị Chính phủ và chính quyền địa phương tổng kết công tác năm 2023
Thứ Sáu, 05/01/2024 14:51 CH

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN

* Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương phát biểu tham luận

 

Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

 

Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn kinh tế.

 

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên có đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng chào đón và cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các ban, bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, dành thời gian dự hội nghị.

 

Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, do điều kiện công tác chưa đến dự được, đã gửi lời chúc mừng đến hội nghị về kết quả của năm 2023 cao hơn năm 2022 và giao nhiệm vụ cho Chính phủ không được chủ quan, thỏa mãn mà phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để năm 2024 lại có kết quả cao hơn năm 2023.

 

Nhìn lại năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh về tổng thể tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. 

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

 

Ở trong nước, nền kinh tế chịu "tác động kép" của các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn sau đại dịch COVID-19.

 

Trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển, xuất phát điểm thấp, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, có độ mở cao, khả năng chống chịu, sức cạnh tranh còn hạn chế - một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động, ảnh hưởng lớn đến bên trong.

 

Thủ tướng đề nghị tại hội nghị, các đại biểu phân tích, đánh giá, làm sâu sắc hơn bối cảnh tình hình năm 2023 và tác động, ảnh hưởng đến nước ta; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhất là điểm mới trong chỉ đạo, điều hành năm 2023 nhằm "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái" để có được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực; công tác nắm tình hình và phản ứng chính sách; lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các tổ chức quốc tế; việc tổ chức kịp thời nhiều hội nghị và ra nhiều quyết sách; việc thành lập 5 Tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công và 26 Tổ công tác đến các địa phương góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

 

Thủ tướng Chính phủ cho rằng tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; an sinh xã hội và đời sống người dân được cải thiện; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt kết quả toàn diện, nổi bật; uy tín, vị thế của đất nước và niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố, nâng lên.

 

Thủ tướng đề nghị hội nghị phân tích, cho ý kiến về đánh giá khái quát như trên, nhất là phân tích nguyên nhân thành tựu đạt được trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, nhất là về điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tỉ giá, lãi suất, tín dụng; kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước, nợ công, nợ nước ngoài quốc gia dưới ngưỡng cảnh báo.

 

Đồng thời, phân tích bài học để đạt được một số chỉ tiêu quan trọng đạt cao nhất trong nhiều năm qua như vốn FDI thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, xuất siêu, thu ngân sách Nhà nước, công tác quy hoạch, sản xuất nông nghiệp...

 

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương (thứ hai từ phải sang) tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

 

Theo Thủ tướng, từ thực tiễn công tác lãnh đạo quản lý, chỉ đạo điều hành có thể khẳng định đạt những kết quả nêu trên là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời, sát thực tiễn, có hiệu quả của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

 

Nêu một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và các bài học kinh nghiệm để hội nghị thảo luận, cho ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng gợi mở một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 để hội nghị thảo luận.

 

Trong đó, Thủ tướng đề nghị hội nghị tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình năm 2024; đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá kết hợp với các chính sách khác; vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.

 

Cùng với đó, đề xuất giải pháp thúc đẩy thực hiện các đột phá chiến lược về: xây dựng, hoàn thiện thể chế; cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, công tác quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, huy động được nhiều nguồn lực hơn cho kết cấu hạ tầng; tạo chuyển biến có tính đột phá về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tăng năng suất lao động...

 

Thủ tướng cũng yêu cầu hội nghị thảo luận để bảo đảm cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả hơn; thúc đẩy cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, sớm giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ còn lại; tăng liên kết vùng, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội theo các nghị quyết của Bộ Chính trị...

 

Hội nghị thảo luận, cho ý kiến nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết bài toán gắn kết hài hòa hơn giữa phát triển văn hóa, xã hội với kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...; giải pháp tiếp tục đảm bảo quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả...

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV

  

Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh tỉnh Phú Yên thống nhất cao với các dự thảo báo cáo được trình bày tại hội nghị và ý kiến tham luận của các địa phương.

 

Qua báo cáo cho thấy trong điều kiện rất khó khăn từ trong nước và thế giới, nhưng với sự sự chủ động, sát sao, tích cực, nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và thành viên Chính phủ trong điều hành, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, cụ thể hóa các chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 có nhiều khởi sắc; kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thể chế từng bước được hoàn thiện; với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 dự ước khoảng 5%, tuy còn đạt thấp so với mục tiêu kỳ vọng (tăng 6,5%), nhưng đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.      

 

Đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và kế hoạch năm 2024, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Tỉnh bám sát các chỉ đạo đường lối của Đảng, Chương trình, Nghị quyết của Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hướng dẫn của các ban, bộ, ngành Trung ương, huy động sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị tỉnh để triển khai nhiệm vụ 2023 và xây dựng kế hoạch năm 2024.

 

Năm 2023, Phú Yên đạt được nhiều kết quả tích cực, có 16/17 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 9,16%, vượt 1,16% kế hoạch đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi phát triển, hoạt động du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh; đã tập trung tháo gỡ cơ bản các khó khăn, vướng mắc kéo dài trên các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, khoáng sản, bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung nguồn lực thực hiện hoàn chỉnh hai đồ án quy hoạch quan trọng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 và Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, Phú Yên tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số, công tác cán bộ, bộ máy tổ chức. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; thực hiện các giải pháp để giải quyết tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì việc chung.

 

Phú Yên cũng triển khai các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ thu ngân sách nhà nước. Tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Tăng cường liên kết vùng, đặc biệt là tiểu vùng.

 

Tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết hợp với xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040; Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Tuy Hòa và khu vực phụ cận tỉnh Phú Yên đến năm 2040; các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là các nhà đầu tư đang nghiên cứu đề xuất đầu tư tại khu vực Cảng Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm thuộc Khu Kinh tế Nam Phú Yên.

 

Chỉ đạo, điều hành nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp để đảm bảo quốc phòng, an ninh, đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm trên địa bàn. Chú trọng công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; chú trọng đảm bảo an ninh chính trị địa phương.

 

 

 

 

BTV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek