Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 2/11, các ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 9 do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ trưởng điều hành. Các đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các ĐBQH của Tổ số 9 tham gia thảo luận.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương gợi ý, nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm để các ĐBQH trong tổ tập trung thảo luận, đảm bảo hoàn thành phiên thảo luận theo đúng nội dung, chương trình kỳ họp.
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN |
Tham gia thảo luận về dự án luật, ĐBQH Phú Yên Dương Bình Phú thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 để bảo đảm quyền an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết 28-NQ/TW và các văn kiện, nghị quyết liên quan.
Tuy nhiên, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bám sát Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về cải cách chính sách an sinh xã hội để đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, đáp ứng đầy đủ mục tiêu tăng cường an sinh xã hội, tuân thủ pháp luật, ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, hạn chế việc trốn đóng, đặc biệt là hạn chế tình trạng chậm đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu, nộp; bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu Dương Bình Phú đề nghị làm rõ đối tượng áp dụng của chế độ hưu trí xã hội tại Điều 20 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và chế độ bảo trợ xã hội trong Luật Người cao tuổi để tránh trùng lặp trong việc thực thi pháp luật.
Đại biểu cho rằng dự thảo luật không nên quy định “Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại điểm a khoản 1. Điều này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ” (khoản 2 Điều 21 của dự thảo) mà cần quy định cụ thể lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội ngay trong luật nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra của Nghị quyết 28-NQ/TW là giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội và giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Việc quy định lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
Đại biểu Dương Bình Phú phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN |
Ngoài ra, tại điểm a khoản 1 Điều 35 dự thảo luật quy định về tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, giai đoạn diễn ra đại dịch COVID-19 cho thấy điều kiện phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh trong nhiều trường hợp là chưa thực sự hợp lý.
Để được hưởng chính sách này, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh là chưa khuyến khích doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh (không tạm dừng hoạt động) để duy trì việc làm cho người lao động.
Do đó, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đề xuất hướng sửa đổi điều kiện này theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp có thể tiếp cận chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất trong những trường hợp như đại dịch COVID-19 vừa qua.
QUỐC LUÂN