Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tập trung vào giải pháp căn cơ
Làm rõ vấn đề tăng trưởng chưa đạt kế hoạch đề ra, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, tình hình thế giới khó khăn, diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ.
Trong khi đó, kinh tế trong nước có quy mô nhỏ, độ mở lớn, tính chống chịu, thích ứng, tự chủ còn hạn chế; là nền kinh tế đang chuyển đổi và hội nhập, chịu nhiều tác động từ bên ngoài.
"Kết quả chưa đạt được kế hoạch đề ra nhưng vẫn rất đáng trân trọng và tích cực. So với một số nước, kết quả nước ta đạt được cho thấy sự nỗ lực rất cao của toàn hệ thống chính trị", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, ngoài giải pháp ngắn hạn, Chính phủ tập trung các giải pháp dài hạn, căn cơ; vừa qua, đã có những dấu hiệu tích cực trong xuất khẩu, giải ngân đầu tư công, thu hút FDI, đầu tư tư nhân, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước…
Về Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, đây là chủ trương và quyết sách hết sức đúng đắn, chính xác và kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Một số chính sách của Nghị quyết số 43 thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân và người lao động đã phát huy hiệu quả tích cực.
Ngoài ra, hơn 50% nguồn lực của Chương trình này còn được dành cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội với những dự án quan trọng, trọng điểm, mang tính chiến lược của quốc gia, đến nay cũng đang triển khai tích cực.
Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chưa đạt được kết quả như mong muốn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT lý giải có 2 nguyên nhân chủ yếu.
Cụ thể, do nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay lại không vay do giảm đơn hàng và tình hình sản xuất.
Một số doanh nghiệp muốn vay nhưng lại không đủ điều kiện. Bên cạnh đó, đơn vị cho vay và các doanh nghiệp đi vay còn lo ngại về tiêu chí "thế nào là doanh nghiệp có khả năng phục hồi".
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, Chính phủ trình với Quốc hội cho phép thực hiện tiếp Chương trình này đến hết năm 2023, nếu không đạt sẽ hủy dự toán.
Về năng suất lao động không đạt, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu, nguyên nhân chủ yếu do mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi; dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động giữa các ngành, lĩnh vực còn chậm; khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra...
Riêng năm 2023 còn có lý do tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với mục tiêu; sản xuất công nghiệp, xây dựng, bất động sản khó khăn; một bộ phận lao động chuyển việc mới…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án tăng năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; giao Bộ KH-ĐT xây dựng đề án chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động.
Các đề án này nhằm thúc đẩy tăng năng suất, đưa năng suất lao động trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững; tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục bám sát các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ lớn như tiếp tục đẩy mạnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính; cải thiện năng suất hiệu quả sức cạnh tranh nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quan trọng quốc gia…
Ưu tiên giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước
Trước đó, phát biểu tại phiên họp, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho biết, năm 2023, Chính phủ đã giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vấn đề, vụ việc cụ thể, tháo gỡ, khơi thông nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức lớn về cơ sở hạ tầng, nhân lực, công nghệ, cải cách hành chính chưa triệt để.
Đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích rõ các vấn đề; nguyên nhân chủ quan, khách quan; nhìn nhận rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, từ đó rút ra những giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả.
Để thúc đẩy tăng trưởng GDP, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Chính phủ ưu tiên các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023, đặc biệt những tháng cuối năm 2023.
“Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng; giãn, khoanh nợ; tăng hỗ trợ an sinh xã hội; mở rộng bảo hiểm thất nghiệp; giảm học phí, viện phí; đẩy mạnh sức mua trong nước và thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước”, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề xuất.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) băn khoăn: “Các chính sách đó đến với người dân và doanh nghiệp như thế nào và hấp thụ được bao nhiêu, tháo gỡ được những gì mới là vấn đề quan trọng”.
Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị Chính phủ cần tiếp tục và tập trung các giải pháp tích cực, tháo gỡ các nút thắt điểm nghẽn, nhằm khơi thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế.
Cùng với đó, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch, cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Chính phủ tiếp tục xử lý tháo gỡ những khó khăn vướng mắc bảo đảm ổn định và sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường xuất nhập khẩu.
Đồng thời, có các chính sách có tính đột phá tích cực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.
Cùng với đó, ưu tiên tập trung nguồn lực tài chính quốc gia và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư của nền kinh tế.
Từ đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng quốc gia, hạ toàn giao thông liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng xanh, hạ tầng số gắn với triển khai nhanh và hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, tỉnh, để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo TTXVN/Vietnam+