Trong chương trình chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Liên bang Brazil, chiều 25/9 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự tọa đàm và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Bộ Ngoại giao Brazil.
Cùng tham dự cuộc tọa đàm có các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Brazil, bà Maria Laura da Rocha, Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, Đại sứ Việt Nam tại Brazil và Đại sứ Brazil tại Việt Nam, đại diện Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Hạ viện, các bộ ngành của Brazil, các cơ quan đại diện ngoại giao các nước Mỹ Latinh, các tổ chức quốc tế, giới nghiên cứu và các học giả tại Brazil.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng tập trung trình bày 03 nội dung chính gồm Việt Nam đã đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc thế nào?; Quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam; Quan hệ Việt Nam - Brazil và định hướng thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới trong thời gian tới.
Về quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã anh dũng đấu tranh chống thực dân, phong kiến, chủ nghĩa phátxít và giành độc lập dân tộc vào ngày 02/9/1945. Sau đó, Việt Nam liên tục phải trải qua các cuộc kháng chiến, đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước (chủ nghĩa thực dân cũ, thực dân mới; chiến tranh biến giới), vừa xây dựng đất nước, vừa bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế chống chủ nghĩa diệt chủng.
Trải qua muôn vàn những đau thương, mất mát, hy sinh xương máu rất lớn qua các cuộc chiến tranh, Việt Nam lại phải chống lại sự bao vây, cấm vận, thù địch để phát triển đất nước.
Thủ tướng chia sẻ: “Có thể khẳng định: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc quật cường, không bao giờ chịu khuất phục; luôn kiên cường, bất khuất đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng Giải phóng Dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới và trên hành trình cứu nước của mình cũng đã đến Brazil vào năm 1912".
Thủ tướng cho biết qua quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đúc kết 5 bài học kinh nghiệm quý báu gồm Kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Nhân dân làm nên lịch sử; sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, do dân, vì dân; Đoàn kết tạo nên sức mạnh, gồm đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công"; Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài; Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
Về đường lối Đổi mới và một số định hướng lớn phát triển đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã triển khai thực hiện chủ trương Đổi mới và hội nhập. Từ đó đến nay, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới; xác định rõ mục đích phấn đấu: xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đề ra mục tiêu chiến lược: đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việt Nam tiếp tục đổi mới tư duy phát triển với tinh thần: nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức; động lực bắt nguồn từ đổi mới sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ 10 định hướng lớn bao gồm xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Cùng với đó, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với quan điểm văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa còn thì dân tộc còn; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam thực hiện đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không". Đặc biệt, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; đẩy mạnh hơn nữa công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng chỉ rõ: “Đảng phải xây dựng đường lối đúng; chú trọng xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức".
Nhấn mạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng khẳng định, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã thực hiện đường lối Đổi mới, mở cửa, hội nhập và vươn lên đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong đó, GDP bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD lên khoảng 4.100 USD, Việt Nam vào top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới và top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút FDI.
Năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02%; quy mô đạt gần 410 tỉ USD; tổng kim ngạch thương mại đạt trên 732 tỉ USD. Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với 100 triệu dân, một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của bạn bè quốc tế. Việt Nam đứng thứ 32 trên top 100 giá trị thương hiệu quốc gia cao nhất thế giới giai đoạn 2020-2022.
Cùng với những kết quả về kinh tế, chính trị - xã hội ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn dưới 2%. An sinh xã hội trong đại dịch COVID-19 được bảo đảm, không có ai bị bỏ lại phía sau. Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia; hơn 30 đối tác có quan hệ từ Đối tác toàn diện trở lên; đã ký kết 16 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP). Đặc biệt, Việt Nam từ chỗ phải thông qua Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris để lập lại hòa bình đã trở thành nơi tổ chức cuộc gặp giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump năm 2019. Từ nước phải nhận viện trợ, Việt Nam trở thành đối tác tin cậy, đóng góp trách nhiệm và chủ động đảm đương các trọng trách quốc tế.
Việt Nam cũng là hình mẫu quan hệ với LHQ, hoàn thành nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ và Mục tiêu Phát triển Bền vững; cam kết mạnh mẽ về đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Nhiều quốc gia đánh giá Việt Nam là hình mẫu về khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Hình mẫu Việt Nam cho thấy “không có gì là không thể trong quan hệ quốc tế” để tìm đến hòa bình, hợp tác và phát triển".
Dành nhiều thời gian phân tích về những nét tương đồng và quan hệ Việt Nam - Brazil, Thủ tướng cho rằng nằm ở hai bán cầu, nhưng Việt Nam và Brazil có quan hệ gắn bó mật thiết, chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Nổi bật là tương đồng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc; những tương đồng về đặc trưng của hai nước; sự tương đồng, gần gũi về tư duy, mô hình phát triển, giá trị con người.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, Thủ tướng gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới Chính phủ, nhân dân Brazil và các bạn bè ở Mỹ Latin về những tình cảm tốt đẹp, sự chia sẻ và giúp đỡ vô cùng quý báu đối với Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ sau gần 35 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao (từ 1989 đến nay), quan hệ hai nước đã có những bước tiến lớn, ngày càng được củng cố, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả và bền vững. Hai nước duy trì thường xuyên cơ chế tham khảo chính trị và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.
Thủ tướng chia sẻ 5 định hướng lớn để thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong thời gian tới. Theo đó, tăng cường xây dựng quan hệ giữa lãnh đạo hai nước, nhất là thông qua các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, phát huy mạnh mẽ vai trò của kênh đối ngoại Nhà nước, Nghị viện, các chính đảng.
Thứ hai, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực hợp tác trọng tâm mà Thủ tướng và Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã thống nhất trong chuyến thăm, đó là hợp tác về chính trị, ngoại giao, hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, hợp tác về văn hóa, thể thao, du lịch, hợp tác về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo, hợp tác lao động, giao lưu nhân dân, hợp tác về các ngành mới nổi: trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, chuyển đổi số, thương mại điện tử, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, ứng phó biến đổi khí hậu…, hợp tác về quốc phòng, an ninh, hợp tác về các vấn đề đa phương, tại các diễn đàn đa phương…
Thứ ba, Việt Nam mong muốn Brazil thúc đẩy sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - MERCOSUR. Việt Nam và Brazil sẽ là cầu nối đắc lực của nhau trong hợp tác với ASEAN và MERCOSUR, giữa ASEAN với MERCOSUR cũng như các tổ chức khu vực khác.
Thứ tư, đẩy mạnh kết nối du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, tăng cường trao đổi giữa các địa phương, các tổ chức hữu nghị hai nước để thắt chặt tình cảm hữu nghị, sự hiểu biết giữa hai dân tộc.
Thứ năm, Việt Nam mong muốn Brazil tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy các giá trị phát triển tại các diễn đàn toàn cầu. Brazil là một nền kinh tế đầy năng động, một thành viên tích cực của các nước phương Nam sẽ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm thành công trong thúc đẩy các giá trị phát triển tại các diễn đàn, tổ chức đa phương như G20, BRICS, G77.
Thủ tướng phát biểu: “Tôi đặc biệt ấn tượng và chia sẻ ý kiến của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva về tầm quan trọng của LHQ trong việc xây dựng một thế giới đoàn kết hơn, tương ái hơn, công bằng, công lý hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ Latin là những người bạn, người anh em gắn bó mật thiết với nhau trong mục tiêu chung là đấu tranh chống lại sự nô dịch, áp bức, bất công, thực hiện hòa bình, độc lập và phát triển giàu mạnh, tiến bộ, để mang lại tự do, hạnh phúc thực sự cho toàn thể nhân dân".
Bên cạnh đó, Việt Nam đã thiết lập Quan hệ Ngoại giao với tất cả 33 nước trong khu vực Mỹ Latin. Thủ tướng mong muốn hai bên làm cầu nối để hai khu vực ASEAN và Mỹ Latin tăng cường liên kết, hợp tác; Việt Nam sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối hợp tác mạnh mẽ giữa ASEAN với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và các tổ chức khu vực khác tại Mỹ Latin.
Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu: “Nhìn về triển vọng trong vài thập kỷ tới, chúng ta tin rằng mối quan hệ Việt Nam - Brazil sẽ ngày càng đơm hoa kết trái. Việt Nam và Brazil đang đứng trước những cơ hội lớn để hướng tới tầm vóc quan hệ cao hơn trong tương lai, vì sự phát triển thịnh vượng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới".
Đánh giá cao và ấn tượng với những nội dung phát biểu toàn diện, sâu sắc, những thông điệp quan trọng của Thủ tướng, nhiều đại biểu tại cuộc tọa đàm đã có chia sẻ, bình luận và đặt câu hỏi cho Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời các câu hỏi của đại biểu và nhận được ý kiến đồng tình cao.
Theo TTXVN/Vietnam+