Sáng 12/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và Kế hoạch Kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.
Sẽ kiểm toán nhiều lĩnh vực quan trọng
Trình bày báo cáo (tóm tắt) công tác năm 2023 và Kế hoạch Kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết Kế hoạch Kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước đã bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và chất lượng kiểm toán; bám sát Chiến lược Phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Đến ngày 31/8/2023, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 265 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Tổng hợp sơ bộ kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 theo báo cáo của các đơn vị đến ngày 31/8/2023 là 48.227 tỉ đồng.
Đặc biệt, ngày 28/10/2022, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 1346/CT-KTNN về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Đồng thời, để tăng cường việc phát hiện, xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình kiểm toán để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định, ngày 5/7/2023, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Với trách nhiệm thành viên Ban Chỉ đạo, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực.
Về định hướng xây dựng Kế hoạch Kiểm toán năm 2024, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết sẽ lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Dự kiến Kế hoạch Kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước bao gồm 123 nhiệm vụ kiểm toán, không tăng so với Kế hoạch Kiểm toán đầu năm 2023. Kiểm toán Nhà nước dự kiến kiểm toán hoạt động 8 chủ đề, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu, vận tải hành khách công cộng, bảo tồn và phát triển các di tích, di sản...
Bên cạnh đó, dự kiến sẽ kiểm toán 25 chuyên đề, trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng, như: chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021-2023” tại Bộ LĐ-TB&XH và 12 địa phương nhằm đánh giá việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước với người có công bên cạnh công tác quản lý, sử dụng kinh phí. Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023” tại Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ GT-VT, Bộ Công Thương, 12 địa phương…
Trình bày Báo cáo Thẩm tra Dự kiến Kế hoạch Kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà nêu rõ Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản nhất trí với các nguyên tắc, định hướng xây dựng Kế hoạch Kiểm toán năm 2024 đã nêu trong báo cáo.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung nguyên tắc tiếp tục tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng Kế hoạch Kiểm toán năm 2024 cần tập trung lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa bảo đảm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công, không để thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước.
Về mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2024, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản nhất trí các mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước, trong đó lưu ý đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 cần bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục tổ chức kiểm toán chuyên đề việc đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin tại các bộ đã sử dụng nguồn lực lớn ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này, như: Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT…
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính nêu số kiến nghị xử lý 8 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 20,6% cùng kỳ năm 2021 (52.095 tỉ đồng) và 48,7% cùng kỳ năm 2022 (22.036 tỉ đồng).
Cơ quan thẩm tra đề nghị Kiểm toán Nhà nước đánh giá làm rõ nguyên nhân kết quả khá thấp này; tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kiến nghị kiểm toán để kịp thời thu hồi, xử lý các vi phạm được phát hiện qua kết quả kiểm toán.
Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất nước; nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, đề ra các giải pháp và phối hợp với Kiểm toán nhà nước xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng.
Nghiêm khắc xử lý sai phạm
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước có nhiều điểm mới, trong đó có việc coi trọng đạo đức công vụ, công khai minh bạch kết quả kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, lần đầu tiên báo cáo kiểm toán được số hóa gửi đến các đại biểu Quốc hội, trong đó coi trọng chất lượng, giảm số lượng, giảm phiền hà cho đối tượng kiểm toán.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Tài chính ngân sách thực hiện các phiên giải trình rất tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kiến nghị xử lý sai phạm của Kiểm toán Nhà nước rất nhiều nhưng thực hiện chưa đầy đủ, cần làm rõ nguyên nhân của các sai phạm đã nêu cũng như chỉ rõ việc xử lý cụ thể ra sao?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh Kiểm toán Nhà nước thêm hoạt động mới, đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, cũng như tham gia tích cực vào các Chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần có báo cáo thêm với Quốc hội việc thực hiện các kiến nghị cụ thể hơn, tránh báo cáo chung chung.
Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị lưu ý kiểm toán lĩnh vực năng lượng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vì là những lĩnh vực được quan tâm, cần cân nhắc đưa vào Kế hoạch Kiểm toán. Đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết hai cơ quan đã có quy chế phối hợp và có nhiều buổi làm việc để rà soát trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nên tránh được chồng chéo giữa hai bên. Thanh tra Chính phủ đang xây dựng kế hoạch và sắp tới sẽ làm việc, trao đổi cụ thể với Kiểm toán Nhà nước để có những hoạt động phối hợp hiệu quả, không chồng chéo.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Kiểm toán Nhà nước chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thành lập, đây là mốc đánh dấu sự trưởng thành của ngành kiểm toán đối với nền tài chính quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường chất lượng kiểm toán, việc tư vấn phải sâu sắc, chuyên nghiệp hơn. Kiểm toán Nhà nước cần xử lý các sai phạm nghiêm khắc hơn, nhất là sai phạm trong việc ban hành văn bản.
Bên cạnh đó, kế hoạch kiểm toán cần cụ thể hơn để nâng cao chất lượng dự toán ngân sách nhà nước; đồng thời, cần có chuyên đề riêng nhằm đánh giá cụ thể hơn các lĩnh vực như bảo hiểm, đăng kiểm, đầu tư công, phòng cháy, chữa cháy…
Theo TTXVN/Vietnam+