Sáng 5/9, một tin buồn với Đảng bộ, quân và dân Phú Yên, những người thân, đồng chí, đồng đội, bạn bè ở khắp mọi miền Tổ quốc: Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Phi Thưởng (Tám Thưởng, Tám Hồng) đã mãi mãi đi xa, để lại nỗi tiếc thương vô hạn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi và lắng nghe những ý kiến đề đạt của Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Phi Thưởng trong dịp về thăm và làm việc với Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Dẫu biết rằng cuộc đời là hữu hạn, vô thường và đã hơn 10 năm ông chống chọi, sống chung với căn bệnh ung thư, nhưng sự ra đi của Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Phi Thưởng vẫn để lại sự hụt hẫng, nỗi mất mát, tiếc thương trong lòng những người ở lại.
Cuộc đời gắn với binh nghiệp
Cả cuộc đời đại tá Đặng Phi Thưởng, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh gắn với binh nghiệp. Ông đã vào sinh ra tử ngay từ khi còn là thiếu niên, rồi trở thành người lính Cụ Hồ chiến đấu ngoan cường bảo vệ bến Vũng Rô - tàu Không số, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Khi về già, ông tiếp tục chống chọi với căn bệnh ung thư, để sống vui, làm thêm nhiều việc có ích cho đồng chí, đồng đội, cho xã hội, cộng đồng.
Để rồi khi ông trút hơi thở cuối cùng, về với Bác Hồ, với những đồng đội đã hy sinh trước đó, về với tiên tổ ông bà, người ở lại tiếc thương vô hạn về một người ông, người cha, người đồng chí, đồng đội vô cùng hiền lành và trách nhiệm.
Thiếu tá, cựu chiến binh Ngô Văn Định, một người đồng đội với Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Phi Thưởng từ thời là chiến sĩ bảo vệ bến Vũng Rô, vừa thắp nén nhang tiễn biệt người đồng đội, người chú trong dòng họ, vừa xúc động nói: “Cách đây 4 hôm, tôi gọi cho chú Tám Thưởng hỏi thăm sức khỏe, ông nói yếu nhưng rành rọt: “Cháu cố gắng gánh vác công việc của Ban Liên lạc bến Vũng Rô - tàu Không số, tình hình chú xấu lắm”, rồi tôi nghe tiếng điện thoại rớt xuống giường. Đến giờ phút cuối, chú Tám Thưởng vẫn lo cho công việc chung”.
Đại tá Đặng Phi Thưởng sinh ra, lớn lên ở xã Hòa Hiệp (nay là phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa), một địa bàn chiến lược quan trọng, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Những người con của quê hương “Làng cát anh hùng” Hòa Hiệp chung một niềm tin theo Đảng, Bác Hồ, kiên cường chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, non sông.
Gần 50 năm theo cách mạng hoạt động và làm Bộ đội Cụ Hồ, đại tá Đặng Phi Thưởng trải qua nhiều cương vị công tác, chiến đấu trên các chiến trường trong những thời điểm ác liệt, như: Chiến đấu bảo vệ tàu và hàng trong sự kiện tàu Không số vào bến Vũng Rô; đánh Mỹ, lính Nam Triều Tiên và quân ngụy những năm 1965-1967 ở Phú Yên; chiến đấu trong “Mùa hè đỏ lửa” chiến dịch 1972-1973 ở chiến trường Quảng Trị… với biết bao lần vào sinh ra tử, giữa hòn tên, mũi đạn quân thù. Từ chiến sĩ du kích mật (du kích B), đến tổ trưởng, tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội phó, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, cho đến khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đại tá Đặng Phi Thưởng luôn anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và là tấm gương sáng, giản dị trong đời sống binh nghiệp cũng như đời thường.
Hòa bình lập lại năm 1975, ông làm đại đội trưởng, giáo viên quân sự tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau đó, về Trường Sĩ quan Lục quân 2 làm tổ trưởng bộ môn, Phó Trưởng khoa Chiến thuật đến Trưởng khoa Chiến thuật, Trưởng phòng Huấn luyện (nay là Phòng Đào tạo). Năm 1990, đại tá Đặng Phi Thưởng được trên phân công về làm Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; được bầu vào Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Yên.
Cuộc đời của đại tá Đặng Phi Thưởng là một chuỗi dài của sự trải nghiệm, chinh chiến từ trường đời, thực tiễn chiến đấu ở nhiều mặt trận, chiến trường ác liệt, đến học ở trường chính quy trong quân đội, rồi quay lại phục vụ cuộc đời. Lúc còn trẻ do điều kiện khó khăn, nhà nghèo, chiến tranh, việc học hành chưa đến đâu đã tham gia làm giao liên, xung phong vào bộ đội, nhưng ông luôn nêu cao ý chí, nghị lực cách mạng. Những năm tháng trong môi trường quân đội cũng là những năm tháng ông tự học, tự rèn, luôn phấn đấu vươn lên không mệt mỏi, thể hiện một ý chí đẹp, vừa học, vừa chiến đấu và rèn luyện cả về đạo đức và năng lực. Ông được học tập qua các trường: Sĩ quan Lục quân 1, Học viện Quân sự, Trường Vuxtven (Liên Xô cũ), Học viện Quốc phòng để trưởng thành.
Hồi ký Người Làng Cát Anh hùng của đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Phi Thưởng được NXB Quân đội nhân dân ấn hành cuối năm 2022, khổ 16x24, bìa cứng, trang trọng. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Hoàn thành ước muốn bình dị
Hơn 10 năm nay, ông mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe sa sút. Dẫu vậy, ông vẫn không đầu hàng, luôn sống lạc quan, tập thể dục, tập thiền hành để chống lại bệnh tật. Ông còn dành nhiều thời gian lo cho những công việc chung, việc từ thiện cho người nghèo, việc gia đình, con cháu…
Những năm gần đây, đại tá Đặng Phi Thưởng đã cố gắng hồi tưởng, viết lại những điểm mốc thời gian, những câu chuyện binh nghiệp mà giữa sự sống - cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc và những sự kiện trong cuộc đời mình. Ước muốn của ông là sau khi hoàn thiện sẽ in thành tập sách, hồi ký của một người con sinh ra và lớn lên ở “Làng cát anh hùng”.
Và ước muốn bình dị cuối đời của ông đã viên mãn. Cuốn sách Người Làng Cát Anh hùng đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành cuối năm 2022, khổ 16x24, bìa cứng, trang trọng. Cuốn sách đã tái hiện một làng cát anh hùng trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước… Trời Hòa Hiệp khí uất cháy mịt mù/ Nhớ Phú Lạc hận thù chưa rửa sạch/ Hình ảnh ấy vẽ quanh người du kích/ Giữa đêm mờ xuất hiện những vì sao…
Ở chính nơi làng cát anh hùng ấy đã sinh ra một Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Phi Thưởng bằng xương bằng thịt. Qua cuốn hồi ký Người Làng Cát Anh hùng, bằng vốn sống phong phú và kinh nghiệm thực tế của người trong cuộc, một nhân chứng từng trải qua nhiều năm tháng khói lửa chiến tranh, với văn phong dung dị, chân thật, cuốn sách đã tái hiện cuộc sống chiến đấu, công tác của chính ông và đồng đội một cách toàn diện, sinh động. Ở đó còn vẹn nguyên sự hồi hộp, ác liệt, từng giờ từng phút căng thẳng sống mái với quân thù; đó còn là tình cảm keo sơn, gắn bó của một cán bộ quân đội với Nhân dân trong sự đùm bọc, thương yêu…
“Đoàn kết quân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình đồng chí, đồng đội sâu nặng là một trong những nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng” chính là thông điệp, lòng tri ân của người con “Làng cát anh hùng” Đặng Phi Thưởng muốn gửi tới đồng bào, đồng chí, là bài học quý cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Sau hơn 10 năm chống chọi với căn bệnh ung thư, giờ đây người con của “Làng cát anh hùng”, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Phi Thưởng đã không còn đớn đau, ông thanh thản ra đi về với đất mẹ quê hương, như một lời thơ đẹp của chính ông viết: Màu xanh con sóng biển/ Bãi cát trắng lượn quanh/ Rợp bóng hàng dừa xanh/ Sông Bàn Thạch nước trong mát/ Núi Bia chắn góc trời/ Quê hương Phú Lạc tôi/ Đẹp và yêu biết mấy…!
PHAN THANH - TRẦN QUỚI