Kỳ 2: Tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững
Không chỉ tạo ra sản phẩm, việc nâng chất lượng, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cũng được chính quyền các địa phương, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đặc biệt quan tâm. Từ đó từng bước xây dựng thương hiệu, khẳng định uy tín, tạo tính cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường.
Trong mùa thu hoạch, chị Bế Thị Nga thu mua mắc ca trong vườn của nông dân Đặng Minh Hải (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) để sấy khô. Ảnh: KHANG ANH |
Hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ
Ông Võ Ngọc Sơn (thôn 2, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân) có diện tích vườn nhà khoảng 1,2ha, trồng các loại cây ăn quả như mãng cầu, bưởi da xanh, cam, xoài… Năm 2014, thấy vải thiều cho thu nhập cao, ông tìm mua giống vải trái to, có vị chua ngọt vừa phải của Đắk Lắk đem về trồng thử nghiệm. 6 năm sau (năm 2020), hơn 30 gốc vải bắt đầu cho thu hoạch. Ông Sơn cho biết: Mỗi năm vải cho thu hoạch một mùa, bán 50.000 đồng/kg, tôi thu được gần 100 triệu đồng, chưa tính các loại cây khác. Hiện vườn nhà là vườn mẫu nông thôn mới của xã và vải là cây trồng chủ lực. Tôi dự kiến mở rộng diện tích trồng vải, chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật để cây cho trái chất lượng cao.
Thấy vườn vải trồng hiệu quả, nhiều người đến tham quan, học hỏi. Ông Sơn không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ nông dân khác. Bản thân ông cũng mong muốn tại địa bàn có thêm nhiều hộ trồng để nâng sản lượng, tạo thương hiệu cho sản phẩm địa phương. “Hiện nay sản phẩm vải thiều sau thu hoạch chỉ bán, tiêu thụ tại địa phương, một số bán ra tỉnh Bình Định. Với nhu cầu thu mua của tư thương, người tiêu dùng, sau khi tôi và người dân trong xã đầu tư thêm nhiều diện tích trồng vải, sản phẩm sẽ được nhiều người biết đến, hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rộng rãi hơn”, ông Sơn bộc bạch.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho hạt mắc ca Sông Hinh cũng là nỗ lực của Bế Thị Nga, chủ hộ kinh doanh Thi Nga, người dân tộc Tày (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh). Chủ cơ sở đang đầu tư, phối hợp với nông dân tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Chị Nga cho biết: Năm 2017, thấy gia đình và nhiều người dân trong xã trồng cây mắc ca nhưng không biết cách bảo quản sau thu hoạch, tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn, tôi nảy sinh ý tưởng thu mua hạt về bán lại cho người dân làm sữa, nấu cháo dinh dưỡng. Đến năm 2018, tôi mua máy sấy khô loại nhỏ, thu mua hạt mắc ca tươi, xử lý thành phẩm bán ra thị trường. Sau một thời gian, có nhiều khách hàng hơn, tôi vay thêm tiền để mua máy ép chân không, máy sấy công suất lớn phục vụ cho việc xử lý hạt công nghiệp, làm nhà xưởng để đặt máy móc, bảo quản hạt khô. Tôi cũng bắt đầu đăng ký kinh doanh, rồi làm hồ sơ, thủ tục để sản phẩm đảm bảo các tiêu chí theo đúng quy định trước khi bán trên thị trường.
Hiện sản phẩm hạt mắc ca được Bế Thị Nga cung cấp ra thị trường với 2 dạng là hạt sấy khô nứt vỏ (giá 260.000 đồng/kg) và nhân hạt (600.000 đồng/kg); bình quân mỗi năm bán ra thị trường hơn 4 tấn hạt thành phẩm. “Với mong muốn phát triển hạt mắc ca Sông Hinh, tôi dự định tiếp tục mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm thiết bị, máy móc để thu mua, sơ chế hạt mắc ca với số lượng lớn. Ngoài 10 hộ cung cấp hạt tươi ổn định cho cơ sở, tôi động viên, vận động thêm các hộ cung cấp hạt. Tôi rất mong được sự hỗ trợ từ các ngành, địa phương, nhất là công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ để từ đây, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mắc ca Sông Hinh được hình thành một cách bền vững”, Bế Thị Nga nói.
Vườn vải thiều nhà ông Võ Ngọc Sơn (xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân) là vườn mẫu nông thôn mới, được nhiều nông dân trong xã học tập. Ảnh: KHANG ANH |
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), toàn xã có 58% là đồng bào DTTS. Diện tích trồng mắc ca trên địa bàn là 50ha, chủ yếu tập trung ở vùng đất đỏ bazan; trong đó có khoảng 30ha đã cho thu hoạch. Những năm trước, bà con chỉ biết trồng còn đầu ra thì… trôi nổi, đây cũng là vấn đề trăn trở của địa phương. Hiện nay chị Nga có thể thu mua hạt của người dân với số lượng lớn nên địa phương rất mừng vì khâu đầu ra cho sản phẩm được giải quyết, giúp nông dân an tâm, đầu tư vùng trồng.
Chương trình OCOP trở thành “bà đỡ”
Ngoài xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ để tăng năng suất, ổn định đầu ra, việc nâng cao giá trị, tạo uy tín, tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường là một trong những phần việc đã và đang được các cấp, ngành, người dân chung tay thực hiện. Theo đó, việc đăng ký tham gia, xét chọn sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2015 (Chương trình OCOP) là giải pháp đặc biệt quan trọng để xây dựng thương hiệu theo chuỗi giá trị dựa trên lợi thế nguyên liệu, sản phẩm địa phương.
Ba sản phẩm hạt mắc ca sấy khô, gà ủ muối hoa tiêu Hùng Miên, bò một nắng Minh Thư vừa được UBND huyện Sông Hinh công bố quyết định và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: CTV |
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Để sản phẩm đặc trưng địa phương khẳng định thương hiệu, chính quyền các cấp, hội đoàn thể trên địa bàn đã tích cực vận động, hướng dẫn người dân tham gia chương trình OCOP, vì đây là chương trình có thể đánh giá chất lượng sản phẩm địa phương đáng tin cậy. Hiện Sơn Hòa đã có 20 sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao. Chúng tôi nhận thấy rằng, để sản phẩm địa phương có thể phát triển, trước hết phải có giá trị, đạt về chất lượng, đẹp về mẫu mã, bao bì… Địa phương cũng chỉ đạo bộ phận chuyên môn, các chi, đảng bộ trực thuộc tiếp tục vận động, hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn người dân làm các thủ tục đăng ký tham gia chương trình; hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì ngày càng hoàn thiện, bắt mắt hơn.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 118 sản phẩm OCOP, trong đó 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh có hơn 32 sản phẩm đạt OCOP 3, 4 sao. Các cơ sở sản xuất cũng chú trọng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì, nhãn mác… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường. Ông Võ Như Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Xuân chia sẻ: Trên địa bàn huyện, ngoài các loại cây ăn trái, người dân còn phát triển sản phẩm đặc trưng của người đồng bào. Các sản phẩm này đã được nhiều người dân ở địa phương khác biết đến và nhu cầu mua, sử dụng ngày càng nhiều; có sản phẩm đã được công nhận hoặc đang trong quá trình thực hiện, xét công nhận sản phẩm OCOP.
Kỳ cuối: Để sản phẩm vùng đồng bào miền núi tiếp tục vươn xa
KHANG ANH