Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản tuyên ngôn lịch sử đã được nhiều học giả trong nước và thế giới nghiên cứu, làm sáng tỏ trên nhiều lĩnh vực. Mỗi người dân Việt Nam càng thấu hiểu sâu sắc những tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản tuyên ngôn. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết một lòng, tập trung trí tuệ, nguồn lực của đất nước để nâng tầm cao mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: TƯ LIỆU |
Ý nghĩa lịch sử, thời đại
Trước hết, Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu độc lập - tự do - hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hơn thế nữa, Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.
Hai là, Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn khúc chiết, hùng hồn, cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.
Ba là, ngày Quốc khánh 2/9 là mốc son chói lọi, dù thời gian đã trôi qua nhưng những chiến tích vẻ vang của dân tộc vẫn còn mãi với thời gian, cùng với bản tuyên ngôn bất hủ mà các thế hệ người Việt Nam sẽ không thể nào quên.
Bốn là, ngày Quốc khánh 2/9 không chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn là lời nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam sinh ra trong hòa bình, không phải chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, bị chia cắt nhiều miền, nên phải ra sức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt để xứng đáng với sự hy sinh, gian khổ mà cha ông đã kiên cường bất khuất đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, cùng nhau dựng nước và giữ nước.
Năm là, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn cho toàn dân tộc Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Với tinh thần đó, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt gần 78 năm qua.
Biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2/9. Ảnh: TTXVN |
Phát huy thời cơ, vượt qua thách thức
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh quốc tế đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường có những tác động tích cực, tạo ra thời cơ mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn. Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức phải tập trung thực hiện tốt những vấn đề cơ bản: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức đồng lòng xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tập trung mọi nguồn lực vật chất, tinh thần, nhất là về trí tuệ của người Việt Nam, đồng bộ hóa, bài bản hóa công cuộc đổi mới đất nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đã được Đảng đề ra và toàn thể Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Cùng với sự phát triển của đất nước, tỉnh Phú Yên đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: TP Tuy Hòa đang phấn đấu đạt đô thị loại I vào năm 2025. Ảnh: NGỌC THẮNG |
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Quán triệt sâu sắc và thực hiện triệt để tư duy chỉ đạo chiến lược của Đảng tại Đại hội XIII: Kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại tạo thế và lực mới cho đất nước nhằm “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”; nắm vững hai mặt đối tác - đối tượng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, khôn khéo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”...
Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, thật sự của dân, do dân và vì dân, kiên quyết chống tệ nạn tham nhũng, quan liêu, thoái hóa, biến chất, tự chuyển biến, tự chuyển hóa, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh không khoan nhượng với các âm mưu và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta.
PGS.TS HOÀNG MINH THẢO